Trong chiều muộn hôm qua (13/10), Công văn 1787/TTg-ĐMDN về đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký đã được công bố chính thức.
Theo công văn này, SCIC sẽ chọn thời gian thích hợp để thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, trong đó 8 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như VNM, FPT, BMI, VNR, NTP, BMP, SGC, HGM. Trong đó, phần vốn Nhà nước đang nắm giữ tại BMI là 50,7%, tại VNR là 40,4%, tại HGM là 46,6%, tại NTP là 37,1%, BMP là 38,4%, VNM là 45,1%, SGC là 49,9%, FPT là 6%.
Với thông tin này, nhiều nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng, nó sẽ giúp thị trường tạo sóng, bởi trong số này có nhiều mã lớn, luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư của cả trong và ngoài nước, nhưng lượng cung lại hạn chế, đặc biệt là tại VNM.
Do đó, ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, dòng tiền đón sóng đã ồ ạt chảy vào các mã này, giúp thị trường mở cửa trong sắc xanh, bất trong thông tin bất lợi từ bên ngoài.
Thực sự, nếu không có thông tin này, thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực bán chốt lời trong phiên sáng nay, cùng với đó là thông tin không tích cực từ bên ngoài, đà giảm của thị trường được dự đoán sẽ mạnh hơn phiên hôm qua.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,61 điểm (+0,27%), lên 592,45 điểm với 3,79 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 122,4 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, đà tăng của VN-Index chủ yếu đến từ các mã nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC như VNM, FPT, BMI, BMP, đặc biệt là VNM khi các mã này mở cửa với mức tăng rất tốt và thanh khoản tại VNM cũng tăng vọt.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực mua tiếp tục duy trì mạnh giúp VNM lên mức giá trần 109.000 đồng, trong khi BMI vẫn yên vị ở sắc tím khi lượng bán ra không nhiều.
Sự bùng nổ của các mã trong danh mục thoái vốn của SCIC đã giúp tâm lý nhà đầu tư vững tin hơn và sắc xanh lan tỏa dần ra các mã khác trên bảng điện tử.
Tuy nhiên, nhóm dầu khí, ngân hàng lại trở thành những đối trọng khá lớn cản bước thị trường khi đang dao động dưới tham chiếu. Trong đó, nhóm dầu khí tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế về khả năng dư cung sẽ tồn tại ít nhất 1 năm nữa, dù sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC có sụt giảm.
Trên HNX, NTP, VNR cũng đang trở thành điểm ngắm của dòng tiền cả khi tăng lên mức giá trần 54.500 đồng và 23.700 đồng chỉ sau ít phút mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, sau đó cả 2 nhanh chóng để mất sắc tim do lực mua chưa đủ mạnh.
Ngoài các mã trên, 2 mã còn lại là HGM, SGC lại không có động tĩnh gì. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi đây không phải là những mặt hàng mà giới đàu tư chờ đợi.
Tuy nhiên, đà hưng phấn nhanh chóng qua mau khi tâm lý thận trọng đang được đặt lên hàng đầu khi các thông tin từ bên ngoài không mấy tích cực. Trong khi đó, áp lực chốt lời vẫn diễn ra mạnh ở nhiều mã khiến cả 2 chỉ số quay đầu giảm điểm.
Kết thúc phiên sáng nay, VN-Index giảm 0,71 điểm (-0,12%), xuống 590,13 điểm với 77 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,89 triệu đơn vị, giá trị 1.277,17 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4 triệu đơn vị, giá trị 80 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,19%), xuống 80,47 điểm với 59 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,97 triệu đơn vị, giá trị 224,66 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,66 triệu đơn vị, giá trị 17,96 tỷ đồng.
Ngoài trừ BMI, áp lực bán gia tăng cuối phiên đã khiến các mã trong danh mục thoái vốn của SCIC hạ nhiệt. VNM đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 105.000 đồng, tăng 2,94% với hơn 1,7 triệu đơn vị được khớp, dù lúc đầu phiên đã lên mức trần 109.000 đồng. FPT cũng chỉ còn tăng 3,08%, lên 46.900 đồng với 2,57 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc tăng 5,27%, lên 47.900 đồng.
Tương tự, BMP cũng lùi về mức giá mở cửa 120.000 đồng, tăng 4,35%, dù có lúc lên 122.000 đồng, chỉ còn cách mức trần 1 bước giá.
Trên HNX, NTP cũng mất sắc tím khi chốt phiên ở mức 53.500 đồng, tăng 7,86%, VNR cũng không giữ được mức trần khi đóng cửa ở mức 22.800 đồng, tăng 5,56%. Thanh khoản của cả 2 đều không lớn, thậm chí VNR chỉ được khớp 17.000 đơn vị.
Ngoài các mã trong danh mục thoái vốn của SCIC, thị trường cũng ghi nhận những điểm nhấn khác. Trong đó, JVC tiếp tục tạo ấn tượng khi tăng trần ngay khi mở cửa và kết thúc phiên sáng còn dư mua giá trần gần 1,15 triệu đơn vị và khớp hơn 1,34 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã khác như KSH, HAX, PXI…
Trong khi đó, GAS tiếp tục giảm 1,47%, PVD giảm 0,8%, BVH giảm 4,17%, xuống 57.500 đồng, thậm chí có lúc đã về mức sàn 56.000 đồng, VCB giảm hơn 1%, CTG giảm gần 1%, các mã ngân hàng còn lại đứng ở tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu thị trường giữ giá khá tốt sau phiên giảm hôm qua, trong đó FLC, HAI, DLG đứng ở tham chiếu với 5,59 triệu đơn vị được khớp, ITA, KBC và HQC tăng nhẹ 1 bước giá với thanh khoản lần lượt đạt 3,36 triệu đơn vị, 0,88 triệu đơn vị và 2,52 triệu đơn vị.