Dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại sau khi thị trường dao động trong biên độ hẹp khá lâu trước đó.
Về mặt thông tin tác động, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), TPP sẽ giúp tăng GDP Việt Nam từ 8 - 10% cho đến năm 2030, tương đương 0,5 - 0,67% GDP/năm. Báo cáo trước đó của Petersons Institute cho rằng, GDP sẽ tăng 13% đến năm 2025 và xuất khẩu tăng 37%.
Theo tổ chức này, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước tham gia TPP do: Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày hiện bị đánh thuế cao; Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc để đầu tư vào các nước hưởng lợi từ TPP do cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau; Việt Nam sẽ được bảo hộ lâu nhất sau khi gia nhập TPP (do là nền kinh tế kém nhất trong TPP); sản xuất theo quy mô tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Tăng trưởng của TTCK gắn liền với tăng trưởng GDP nên TTCK nói chung xứng đáng được định giá cao hơn khoảng 10%, trong đó các công ty xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và sớm nhất (ngành dệt may được dự báo sẽ tăng trưởng 20% năm cho tới năm 2017).
Những thông tin đáng chú ý khác là tỷ giá tuần qua có sự hạ nhiệt đáng kể trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, cho thấy các chính sách đối với thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, đồng tiền của các nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đã có một tuần tăng giá mạnh so với USD do ngày càng có nhiều dấu hiệu không chắc chắn về khả năng Fed nâng lãi suất trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, giúp tỷ giá ổn định hơn.
Ngoài ra, việc giá dầu hồi phục lên gần 50 USD/thùng là thông tin tích cực tác động đến nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS, PXS...), giúp nhóm cổ phiếu này có mức tăng khá tốt trong tuần qua. Mặc dù lượng cung vẫn ở mức cao so với nhu cầu, nhưng diễn biến giá dầu tạo đáy và tăng dần đều cho thấy, giá dầu khó có thể giảm sâu thêm, nhất là sau tín hiệu giá dầu đã quay lại kiểm nghiệm kháng cự trung hạn MA200.
Về động thái của nhà đầu tư nước ngoài, niềm tin vào thị trường Việt Nam đã được thể hiện sau khi TPP được ký kết, khiến chỉ số CDS (chỉ số đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ) giảm từ mức 300 điểm xuống còn 260 điểm.
Đồng thời, sau giai đoạn bán ròng cổ phiếu trước đó, khối ngoại đã chuyển sang mua ròng mạnh vào 3 phiên cuối tuần qua với tổng giá trị 481 tỷ đồng (đã loại trừ 644 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận MBB khi hở room).
Quỹ VNM ETF cũng đã hút ròng vốn trở lại hơn 6 triệu USD sau giai đoạn bị rút vốn và giá chứng chỉ quỹ này tăng 13%, đạt trạng thái premium 1,2% (thị giá cao hơn giá trị tài sản ròng). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, dòng vốn ngoại thông qua ETF có thể gia tăng vào thị trường trong thời gian tới.
Nếu ngưỡng 575 điểm của VN-Index được phá vỡ thì xu hướng tăng trung và dài hạn sẽ hình thành, có thể thị trường sẽ sớm trở lại vùng cân bằng 600 điểm. Trong ngắn hạn, áp lực chốt lời và phân hóa sẽ ở mức cao và dòng tiền có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp cơ bản có kết quả kinh doanh quý III/2015 khả quan. Xu hướng trung và dài hạn, chúng tôi lạc quan cho rằng, thị trường có thể lên mốc 670 điểm trong 6 tháng đầu năm 2016.
Triển vọng lạc quan của TTCK Việt Nam còn đến từ kỳ vọng dòng FDI và FII có thể tiếp tục gia tăng mạnh về cuối năm nay và từ năm 2016 trở đi. Giai đoạn này khá giống với giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, mặc dù bối cảnh có khác nhau, nhưng khả năng đón nhận dòng vốn đầu tư mới là rất rõ.
Việc đẩy mạnh mở room cho khối ngoại và tăng cường IPO các doanh nghiệp nhà nước có vốn hóa lớn như MobiFone, Vinaphone... sẽ là tiền đề để tăng quy mô thị trường, qua đó thu hút dòng tiền lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, chúng tôi lạc quan về triển vọng của các cổ phiếu blue-chip vốn hóa lớn trong VN30 và HNX30 trong trung và dài hạn. Đây là nhóm có thể tác động trực tiếp tới dòng tiền vào thị trường và điểm số của VN-Index cũng như HNX-Index.