Phiên giao dịch sáng 1/10: Tắc thanh khoản

(ĐTCK) Sắc xanh vẫn tiếp diễn trên hai sàn trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 nhờ các thông tin tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa chính thức nhập cuộc khiến giao dịch buồn tẻ, thanh khoản ở thấp.
Phiên giao dịch sáng 1/10: Tắc thanh khoản

Tưởng chừng hấp thụ hàng loạt thông tin hỗ trợ tích cực như rút ngắn thời gian giao dịch T+3 còn T+2, GDP tăng mạnh, TPP có thể kết thúc trong cuộc họp 2 ngày đang diễn ra tại Mỹ, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc, cùng với sự khởi sắc trở lại của chứng khoán toàn cầu… sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc. Tuy nhiên, dù sắc xanh được duy trì, nhưng diễn biến của thị trường vẫn khá thất vọng bởi tâm lý sợ hãi vẫn đang chi phối nhà đầu tư.

Cùng với đó, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng cũng tạo sức ép tác động tới đà tăng giá của nhiều cổ phiếu, đặc biệt trong những phiên gần đây là những mã chủ chốt có tính dẫn dắt thị trường. Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, đây là tháng bán ròng kỷ lục nhất từ đầu năm với tổng giá trị lên tới gần 1.050 tỷ đồng.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (ngày 1/10), hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường vẫn còn khá rủi ro khi tâm lý nhà đầu tư đang bi quan, thể hiện qua việc các thông tin mang tính chất hỗ trợ gần đây không thuyết phục được dòng tiền quay trở lại.

Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng nhẹ 0,75 điểm (+0,13%) lên 563,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,11 triệu đơn vị, trị giá 28,18 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip, sắc xanh nhạt tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, lực cầu vẫn khá yếu, dòng tiền chủ yếu vẫn đứng ngoài quan sát.

Các nhóm cổ phiếu chủ chốt là ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đều tăng nhẹ từ 100-400 đồng/Cp và là lực đỡ chính cho thị trường. Trong đó, MBB đang là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản của các cổ phiếu lớn với khối lượng khớp sau 1 giờ giao dịch đạt 1,5 triệu đơn vị.

Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu thị trường, JVC tiếp tục chịu sức ép từ cung ngoại khá mạnh và giảm sàn. Hiện JVC giảm 300 đồng xuống mức sàn 4.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 1,82 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1,1 triệu đơn vị.

Tương tự, HNX-Index giữ nhịp tăng nhẹ nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu trong nhóm HNX30 như PVC, PVS, HUT, LAS…

Đáng chú ý, cổ phiếu VMI tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Hiện VMI đã chuyển nhượng thành công 0,16 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 0,4 triệu đơn vị.

Diễn biến thị trường không nhiều biến động, trong khi VN-Index chưa thể chinh phục lại ngưỡng 565 điểm, thì HNX-Index lại giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, cũng như những phiên trước đó, điều đáng lo ngại chính là thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp khi tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn trong phiên sáng chỉ đạt 725 tỷ đồng.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,59 điểm (+0,28%) lên 564,23 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,9 triệu đơn vị, trị giá 596,29 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,37 triệu đơn vị, trị giá 105,52 tỷ đồng. Riêng LDG thỏa thuận 4,78 triệu đơn vị, trị giá 62,68 tỷ đồng.

HNX-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,12%) lên 78,06 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 11 triệu đơn vị, trị giá chỉ 128,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa tới 1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực đỡ chính của thị trường. VN30-Index tăng 2,33 điểm (+0,4%) lên 582,65 điểm với 16 mã tăng và 6 mã giảm, HNX30 tăng 0,42 điểm (+0,3%) lên 143,98 điểm với 11 mã tăng và 8 mã giảm.

Trong khi các cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán tiếp tục giữ nhịp tăng nhẹ thì hai cổ phiếu lớn ngành dầu khí là PVD và GAS có phần khởi sắc khi PVD tăng 400 đồng, GAS tăng 600 đồng. MBB vẫn là cổ phiếu hấp thụ dòng tiền tốt nhất trong nhóm với khối lượng khớp lệnh đạt 1,97 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi cổ phiếu lớn là VNM và MSN có cùng mức tăng 1.000 đồng/Cp là điểm tựa chính cho thị trường.

Cổ phiếu đáng chú ý JVC vẫn giảm sàn và không có thêm giao dịch. Đóng cửa, JVC duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp gần 2 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,22 triệu đơn vị.

Giao dịch ảm đảm được thể hiện qua lượng cổ phiếu chuyển nhượng thành công ở mức thấp. Trên sàn HOSE, ngoài MBB và JVC, chỉ còn HHS khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn lại các cổ phiếu thị trường thường giao dịch sôi động như FLC, FIT, DLG, GTN, PDR… chỉ khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Tương tự, thanh khoản trên sàn HNX cũng sụt giảm mạnh. Toàn sàn chỉ có duy nhất KLF có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. Chốt phiên KLF nhích nhẹ 1 bước giá và chuyển nhượng thành công 1,36 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu hỗ trợ tốt giúp HNX-Index lấy lại sắc xanh là PVS, PVC, PLC, LAS, VCG… Tuy nhiên, đà tăng của các cổ phiếu này hầu hết chỉ ở mức 1-2 bước giá, ngoại trừ PLC tăng 1.100 đồng (+3,19%).

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục