Phiên giao dịch sáng 10/6: Mong manh

(ĐTCK) Dùng dòng tiền vẫn chảy mạnh, nhưng áp lực chốt lời, nhất là từ nhóm ngân hàng, khiến thị trường tiếp tục có phiên giảm điểm, đẩy VN-Index về ngưỡng 570 điểm. Với áp lực bán như hiện nay, xem ra ngưỡng hỗ trợ này khá mong manh.
Phiên giao dịch sáng 10/6: Mong manh

Liên tiếp thất bại trước ngưỡng kháng cự mạnh ở mốc 580 điểm. Hôm qua thị trường lại có phiên điều chỉnh mạnh, VN-Index lùi về rất xa so với mốc kháng cự này. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chốt lời ngắn hạn, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi 2 chỉ số trên sàn đã tăng điểm khá nóng trong khoảng 3 tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, 3 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB, GAS và VNM đồng loạt giảm điểm cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chung.

Theo nhận định từ nhiều CTCK, trong phiên giao dịch hôm nay, áp lực sẽ còn lớn bởi nhà đầu tư sẽ có tâm lý e ngại lô hàng lớn về tài khoản. Nhưng đó lại là điểm để đánh giá tốt nhất tiềm năng của thị trường, bởi nếu như cầu mua vào vẫn ở thế chủ động, thì thị trường vẫn có cơ hội chinh phục thử thách 580 điểm.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,59 điểm (+0,28%) lên 576,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,74 triệu đơn vị, tương đương giá trị 46,5 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng tiếp tục được củng cố với thanh khoản tốt trong khoảng 30 phút giao dịch, sau đó, VN-Index bắt đầu đảo chiều khi chịu áp lực giảm từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà dẫn đầu là VCB (giảm 500 đồng). Bên cạnh đó, EIB, STB giảm 100 đồng; CTG giảm 200 đồng; BID giảm 300 đồng; MBB đứng giá.

Đà giảm từ nhóm ngân hàng đang tác động lan tỏa sang nhiều nhóm cổ phiếu khác, trong nhóm VN30, số mã giảm tăng đáng kể từ 3 mã đầu phiên lên 16 mã giảm, trong khi chiều tăng chỉ còn ghi nhận ở 4 mã. Trong đó, HPG là mã có mức tăng tốt nhất, tăng 700 đồng lên mức 27.700 đồng. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG, vừa công bố thông tin đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu công ty nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 23,78% (174,3 triệu cổ phiếu) lên 25,15% (184,3 triệu cổ phiếu).

Hai trụ đỡ khác là MSN (+1.500 đồng) và GAS (+500 đồng) nhưng thanh khoản quá thấp nên chỉ có tác dụng như mã phanh hãm bớt đà giảm cho chỉ số.

Đáng chú ý, dòng tiền đang hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời lớn đã đẩy nhiều mã rơi xuống kịch sàn, như HHS, JVC đều khớp hơn 1,6 triệu cổ phiếu và đang là mã có thanh khoản tốt nhất sàn thì đều rơi xuống giá sàn.

KSS cũng ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp sau thông tin Chủ tịch và kế toán trưởng bị khởi tố để điều tra về những sai phạm cá nhân. Thanh khoản giảm mạnh và gần như không có cầu mua.

Trên HNX, chỉ số sàn này vẫn chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch, đến 9h45, chỉ số VN-Index giảm 0,58 điểm (-0,66%) xuống 86,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,11 triệu đơn vị, tương đương giá trị 186 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, đà tăng được duy trì chủ yếu ở nhóm cổ phiếu dầu khí như PVS (+100 đồng); PVL, PVE, PLC (+200 đồng); PVC tăng 300 đồng…

SHN vẫn tăng khá tốt nhất là khi đối tác chiến lược thực hiện tái cấu trúc công ty đã được hé lộ. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch tại mức giá 20.400 đồng, trong khi giá trị sổ sách chỉ ở mức 800 đồng/CP.

Kết thúc phiên giao dịch, cả hai sàn vẫn chìm trong sắc đỏ, với thanh khoản đã giảm đáng kể so với hai phiên đầu tuần. Hai má phanh chính là MSN và GAS đã lùi về tham chiếu là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index bị đẩy lùi về mốc 570 điểm trước khi thị trường tạm dừng phiên sáng.

Cụ thể, VN-Index giảm 3,64 điểm (-0,63%) xuống 570,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.113 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,85 triệu đơn vị, trị giá 38,61 tỷ đồng.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,62%) xuống 86,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,75 triệu đơn vị, trị giá 419,21 tỷ đồng.

Về thanh khoản, FLC và CII là 2 mã có thanh khoản tốt nhất HOSE với hơn 5 triệu cổ phiếu được giao dịch, tuy nhiên, cả hai mã này đều không tránh khỏi xu hướng chung của sàn, khi giảm lần lượt 100 và 300 đồng/cổ phiếu.

Tiếp đến HHS khớp gần 4,3 triệu cổ phiếu nhưng vẫn ở mức giá sàn, trong khi đó JVC gần như không có cầu, còn dư bán sàn hơn 4 triệu cổ phiếu, khiến thanh khoản của mã này vẫn giữ nguyên như thời điểm đầu phiên, đạt hơn 1,7 triệu cổ phiếu.

Ở chiều tăng, trên HOSE vẫn chỉ một số điểm sáng ở HPG, HSG, GMD hay FPT; còn trên HNX tập trung vào nhóm dầu khí và một số mã đầu cơ.

Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm chủ đạo với số mã giảm điểm chiếm áp đảo, tuy nhiên, thị trường không giảm quá sâu cho thấy, dù áp lực bán là có, nhưng bên bán cũng không chấp nhận bán quá rẻ bởi nhiều cổ phiếu đã không còn lãi sau 2 nhịp điều chỉnh vừa qua. Điều này phần nào hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư, và nhịp điều chỉnh này phải chăng là cần thiết để thị trường có thể tích lũy đủ lực cho đợt sóng mới!

T. Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục