Đầu năm nay, sau chuỗi giảm mạnh kể từ cuối năm 2014 và tháng đầu năm do chịu tác động của Thông tư 36, thị trường đã có chuỗi tăng mạnh trong vòng 1 tháng kể từ ngày 4/2. Tuy nhiên, trong phiên 4/3, thị trường có phiên tăng điểm với thanh khoản tăng vọt lên mức cao nhất hơn 1 tháng. Trong phiên này, VN-Index đã xác lập được mức cao nhất năm 602,4 điểm, trước khi đóng cửa ở mức 600,39 điểm. Nhiều nhận định cho rằng, đây chính là phiên phân phối đỉnh của thị trường trong giai đoạn tăng hơn 1 tháng qua, nhưng những nhà đầu tư lạc quan kỳ vọng với thanh khoản tốt lên, thị trường sẽ tiếp tục bứt phá.
Trong phiên giao dịch tiếp theo, thanh khoản của thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, nhưng chỉ số đã quay đầu giảm điểm, đánh dấu xu hướng tăng của thị trường kể từ đầu tháng 2 đã chấm dứt. Sau đó, thị trường bước vào xu hướng giảm điểm với thanh khoản lẹt đẹt trước khi có chuỗi tăng điểm ấn tượng trở lại trong hơn 1 tháng qua.
Với diễn biến 2 phiên giao dịch đầu tuần này, dường như phiên đầu tuần chính là phiên phân phối đỉnh của giai đoạn tăng trong hơn 1 tháng qua và mức đỉnh này thấp hơn đỉnh được xác lập trong phiên 4/3.
Trở lại với phiên giao dịch chiều nay, sau khi cố cầm cự trong khoảng 1 tiếng giao dịch, bên nắm giữ cố phiếu đã không còn đủ kiên nhẫn, lực bán mạnh đã liên tiếp được tung ra, đẩy cả 2 chỉ số giảm mạnh, trước khi kịp hồi nhẹ để hãm bớt đà rơi vào cuối phiên, nhưng đóng cửa, cả 2 chỉ số đều có mức giảm hơn 0,9%.
Cụ thể, kết thúc phiên 9/6, VN-Index giảm 5,36 điểm (-0,92%), xuống 574,47 điểm với 65 mã tăng và có tới 161 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162 triệu đơn vị, giá trị 2.558,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên đầu tuần. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,38 triệu đơn vị, giá trị 260,2 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,91%), xuống 87,05 điểm với 76 mã tăng và có tới 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,71 triệu đơn vị, giá trị 993,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,82 triệu đơn vị, giá trị 88,66 tỷ đồng.
Áp lực bán tăng mạnh khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng nới rộng đà giảm, trong đó MBB đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, giảm 1,43%, VCB giảm 2,43%, CTG giảm 1,51%, BID giảm 2,75%, EIB giảm 2,16%, STB giảm 1,63%.
Trong khi đó, kỳ vọng sẽ tiếp tục có phiên đảo chiều của HHS đã không thành sự thật, thậm chí mã này còn chịu áp lực bán rất lớn trong phiên chiều và đóng cửa ở mức giá sàn 28.400 đồng với hơn 5,85 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn.
FLC cũng không còn cầm cự được như phiên sáng khi đóng cửa giảm 2,15%, xuống 9.100 đồng với 15,28 triệu đơn vị được khớp. HAI giảm tới 4%, xuống 9.600 đồng với hơn 5,16 triệu đơn vị được khớp.
Một số mã đáng chú ý khác cũng đóng cửa trong sắc đỏ như VNM, GAS, MSN, SHI, GTN, trong khi một số mã penny như DLG, KBC lại đi ngược xu hướng thị trường.
Ngược dòng thành công phiên hôm nay còn phải kể đến HPG, HAG, DPM, KDC…Trong khi CII đóng cửa ở mức tham chiếu 23.200 đồng với hơn 10,3 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, thông tin sắp chuyển sàn không giúp FIT có diễn biến giá tốt hơn trong phiên chiều dù lực mua vào cũng khá mạnh. Chốt phiên, FIT giảm 4,22%, xuống 15.900 đồng với 5,84 triệu đơn vị.
Tương tự, các mã dẫn dắt dòng tiền trên sàn này đều đóng cửa trong sắc đỏ, ngoại trừ PVX hồi phục nhẹ 1 bước giá. Trong đó, SCR giảm 4,82%, xuống 7.900 đồng với 8,34 triệu đơn vị, KLF giảm 2,53% với 7,47 triệu đơn vị được khớp. PVX đứng sau FIT với hơn 5,35 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, PVL, ASA, SPI, thậm chí là BII, CTX cũng có được mức giá trần khi chốt phiên. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay vẫn là SHN bất chấp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng và thậm chí tại SHN, nhưng các lệnh bán ra đều được hấp thụ một cách nhanh chóng. Lượng dư bán giá trần trong phiên sáng cũng được hấp thụ hết, giúp SHN đóng cửa trong sắc tím 19.000 đồng với hơn 2,1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần và ATC tới gần 2,5 triệu đơn vị.