“Vừa có công văn đôn đốc các DN lên UPCoM…”
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết như vậy tại cuộc họp báo chuyên đề về thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), do Bộ Tài chính vừa tổ chức.
Ông Tiến cho biết, trước khi có Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích các DNNN sau khi cổ phần hóa, nếu đủ điều kiện thì đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hoặc đăng ký niêm yết trên Sở GDCK.
Vì định hướng này nên các cấp quản lý không ban hành và áp dụng các các thể tài xử lý đối với các DN không niêm yết trên TTCK. Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định 51/2014 ban hành, mọi chuyện đã thay đổi. Việc DN không tuân thủ nghĩa vụ này được hiểu là DN không thực thi được các thay đổi về quản trị theo thông lệ thị trường về minh bạch thông tin.
Theo quy định tại Quyết định 51/2014, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, họ phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đồng thời thực hiện đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Theo ông Tiến, tuy số lượng các DN sau cổ phần hóa vi phạm quy định này không nhiều, nhưng để đảm bảo các DN tuân thủ nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi tất cả các bộ, ngành và các DN để đôn đốc triển khai nghiêm túc.
“Sau khi có công văn đôn đốc, hết tháng 6 này, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá về kết quả thực hiện Quyết định 51/2014. Khi đó nếu các DN không tuân thủ nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, lưu ký cổ phiếu và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các DN phải giải thích rõ nguyên nhân, có phải do không đủ điều kiện đăng ký giao dịch hay DN ‘trốn’ thực hiện nghĩa vụ này...”, ông Tiến nói và cho biết thêm, trên cơ sở này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay với các trường hợp cố tình không tuân thủ Quyết định 51/2014.
Quý III/2015 sẽ công khai danh sách DN chậm lên UPCoM
Để thúc đẩy các DN thực hiện đúng Quyết định của Thủ tướng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trước đây Bộ dự định công bố sớm danh sách các DN vi phạm nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phiếu tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, qua theo dõi việc tổ chức triển khai của các DN, Bộ Tài chính nhận thấy cần có thêm thời gian cho các DN tuân thủ, nên chưa công khai danh sách. Nhưng đến cuối tháng 6 này, nếu các DN vẫn không nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ này, đồng thời không có lý do giải thích rõ ràng nguyên nhân chậm lên sàn, Bộ Tài chính sẽ công khai danh sách các DNNN đã cổ phần hóa, nhưng không tuân thủ nghĩa vụ đăng ký giao dịch cổ phiếu.
“Bộ Tài chính đang yêu cầu Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM cập nhật danh sách các DN vi phạm nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Ngay đầu quý III/2015, Bộ Tài chính sẽ công khai danh sách này ra thị trường, cũng như tới các bộ, ngành…”, ông Tiến nói và cho biết thêm, việc chậm trễ này trước hết là thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN. Bởi vậy, để khắc phục sự chậm trễ này, các bộ, ngành phải vào cuộc thúc đẩy DN tuân thủ quy định đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.
Để hỗ trợ các DN thuận lợi trong quá trình đăng ký công ty đại chúng, lưu ký cổ phiếu tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang chỉ đạo UBCK, Sở GDCK, VSD tiếp tục rà soát, để đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tránh tình trạng DN e ngại thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Liên quan đến việc buộc DN sau cổ phần hóa phải lên sàn, từ thị trường, câu hỏi đặt ra là Chính phủ, Bộ Tài chính có cho phép DN sau cổ phần hóa được quyền lên niêm yết ngay (như trường hợp Đạm Cà Mau) hay bắt buộc phải lên UPCoM trước? ĐTCK sẽ đề cập tiếp vấn đề này trong các số báo sau.