Phiên giao dịch sáng 10/6: Cổ phiếu lớn níu kéo VN-Index

(ĐTCK) Dù dòng tiền chảy rất mạnh vào thị trường, nhất là ở các mã thị trường, nhưng với việc cổ phiếu dầu khí bị chốt lời, cùng với sức nặng của VNM, nên VN-Index không thể bứt phá trong phiên sáng nay.
Phiên giao dịch sáng 10/6: Cổ phiếu lớn níu kéo VN-Index

Sau chuỗi tăng giá tốt vừa qua, VN-Index đã vượt qua mức đỉnh ngắn hạn được thiết lập trong tháng 5/2016 (mức 628 điểm) đạt trên 630 điểm. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên VN-Index chạm được đến vùng điểm này, song điều đáng chú ý là, VN-Index đều bị đẩy lùi trở lại bởi đây được đánh giá là vùng kháng cự rất mạnh.

Điều này cho thấy, dù tăng điểm tốt, nhưng động lực tăng của VN-Index vẫn chưa thực sự đủ mạnh để có thể bứt phá. Một trong những dấu hiệu đó là sự “phập phù” của dòng tiền, khiến thanh khoản thị trường thiếu sự ổn định. Nói như vậy không có nghĩa là dòng tiền thiếu tích cực, trái lại còn khá tích cực, nhất là từ khối ngoại. Song rõ ràng, sự tích cực đó là chưa đủ để giúp thị trường có thể vượt qua ngưỡng kháng cực ngắn hạn tại vùng 630-635 điểm như hiện tại.

“Phiên 9/6 cho tín hiệu xu thế tăng vẫn tiếp tục, nhưng có sự tái khẳng định mức 633 có tồn tại lực kháng cự. Điều này không khó hiểu khi nó trùng với cận trên của dải bollinger và sẽ gây áp lực đáng kể đến xu hướng như đã đề cập trong báo cáo ngày 8/6. Ngoài ra, phiên bứt phá này đang đưa VN-Index lấn sâu hơn vào khu vực kháng cự được cho là rất mạnh, đã tồn tại từ tháng 9/2014 đến nay. Với các tổng hợp về xung lực của xu thế kết hợp với sự bứt phá khỏi khu vực cản 630 điểm trong phiên 906, du địa tăng điểm được cho là vẫn còn và trước mắt có thể đưa VN-Index trở lại khu vực đỉnh cũ tại 640 điểm với xác suất bứt phá là chưa đáng tin cậy”, CTCK FPT (FPTS) nhận định.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng cuối tuần 10/6, đúng như nhận định trên, áp lực bán tại vùng kháng cự quanh 630 điểm đã xuất hiện ngay khi mở cửa khiến cả 2 chỉ số đều khởi động trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu bluechips đa phần giao dịch dưới tham chiếu khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 4 điểm.

Kết thúc đợt khớp lệnh ATO, chỉ số VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,21%) về 629,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,2 triệu đơn vị, giá trị 63,93 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của VN-Index được thu hẹp dần, song lại diễn biến giằng co khá mạnh khi tâm lý thận trọng tăng cao, nhóm cổ phiếu dẫn dắt có sự phân hóa mạnh.

Các mã VNM, BVH, KDC, STB… giảm điểm, song một số mã như MSN, VIC, VCB, HSG, HPG… cho thấy sự phục hồi khá tốt, qua đó giúp chỉ số dần thu hẹp khoảng cách với mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí, động lực chính trong đà tăng tích cực của VN-Index vừa qua, lại đang chịu sức ép khá lớn ngay từ đầu phiên, khiến thị trường có phần khởi động thiếu tích cực. Việc giá dầu thế giới quay đầu giảm trở lại đã tác động đến nhóm cổ phiếu này. Các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVS… đều đang giao dịch dưới tham chiếu.

Thị trường giao dịch khá thận trọng khiến thanh khoản tăng chậm. Nhóm cổ phiếu hút mạnh dòng tiền vừa quan là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hay đầu cơ diễn biến lình xình. HHS gây chú ý khi vẫn hút mạnh dòng tiền, có thời điểm đã tăng trần, khớp lệnh hơn 3,4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.

Tại thời điểm 10h30, với việc dòng tiền chảy mạnh, các chỉ số đều đã tăng điểm trở lại.

Trong thời gian còn lại của phiên, áp lực một lần nữa được gia tăng trở lại, song chủ yếu tập trung tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hay các mã đầu cơ. Tuy nhiên, trong khi HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh do được các mã lớn hỗ trợ tốt, thì VN-Index tiếp tục diễn biến trồi sụt và chỉ kịp hồi lại trước khi chốt phiên. Thanh khoản thị trường vẫn khá tích cực khi dòng tiền cởi mở hơn.

Kết thúc phiên sáng, với 99 mã tăng và 100 mã giảm, VN-Index tăng 0,25 điểm (+0,04%) lên 631,51 điểm. Chỉ số VN-Index tăng 1,48 điểm (+0,23%) lên 632,14 điểm với 14 mã tăng và 8 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,13 triệu đơn vị, giá trị 1.457,18 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,97 triệu đơn vị, giá trị gần 219 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 2,02 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 140,39 tỷ đồng.

Tương tự, với 80 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,16%) lên 84,77 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,14 điểm (+0,09%) lên 153,53 điểm với 12 mã tăng và 7 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,67 triệu đơn vị, giá trị 463,12 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn, chỉ 6,73 tỷ đồng.

Ở những thời điểm cuối phiên, áp lực bán đã tăng tại nhóm cổ phiếu tăng tốt vài phiên vừa qua là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó mạnh hơn tại các mã đầu cơ.

Vì vậy, đa phần các mã trong nhóm này đã giảm điểm hoặc đứng tham chiếu như DHM, KSA, VHG, HQC, HAR, KBC, HAG, FLC, PTL…

Tuy nhiên, các mã HHS, LCG, TSC, GTN, SHI… vẫn tăng điểm. Trong đó, HHS tiếp tục dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với 5,2 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, các mã này có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

Đối với nhóm cổ phiếu lớn, áp lực đã còn mạnh như thời điểm đầu phiên, một số mã đã có sự hồi phục tốt. Trong đó, tích cực nhất phải kể đến nhóm chứng khoán với SSI, HCM và thép với HPG, HSG, TLH. SSI và TLH đều khớp trên 2 triệu đơn vị, còn HPG, HSG khớp trên 1 triệu đơn vị.

MBB gây bất ngờ với việc thanh khoản tăng vọt nhờ cầu ngoại mạnh mẽ. MBB khớp lệnh 4,6 triệu đơn vị, chỉ sau HHS, riêng khối ngoại mua vào hơn 4 triệu đơn vị. MBB khép phiên tăng nhẹ 100 đồng lên 15.600 đồng/CP.

HVG cũng khớp lệnh mạnh bất ngờ với hơn 2,7 triệu đơn vị được khớp, tăng 600 đồng lên 10.800 đồng/CP.

Ngược lại, áp lực trên nhóm dầu khí vẫn được duy trì. Các mã dầu khí lớn GAS, PVD, PVS, PVC… vẫn giảm điểm. PVD và PVS khớp trên 1 triệu đơn vị.

Mặc dù nhóm dầu khí đang “gặp khó”, song nhờ các mã bluechips khác vẫn tăng khá ổn, nên các chỉ số duy trì được sắc xanh. Chẳng hạn tại HNX, các mã như NTP, BVS, CEO, AAA, PVB, PGS, PLC, VND… khá tích cực. Trong đó, PGS và VND khớp trên 1 triệu đơn vị.

SCR là mã khớp lệnh mạnh nhất HNX với 2,73 triệu đơn vị được khớp, song kết phiên đứng giá tham chiếu 9.900 đồng/CP. Cũng lùi về đứng ở mức giá này là VCG và SHB, đồng thời khớp trên 1 triệu đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục