Phiên giao dịch ngày 2/12: Chưa dám mạnh dạn
Nhóm dầu khí lớn đã trở lại, giúp thị trường duy trì đà tăng, nhưng thanh khoản chưa được cải thiện do sự thận trọng vẫn còn rất lớn trong nhà đầu tư.
Theo tính toán của một số công ty chứng khoán, ngày 4/12 các quỹ ngoại sẽ kết thúc việc thoái vốn khỏi GAS, PVD và một số bluechip khác. Dù lực bán của khối ngoại vẫn còn, nhưng tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở các mã lớn trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Đà giảm GAS, PVD, PVS đã nhẹ hơn so với 3 phiên cuối tuần trước, thậm chí trong phiên các mã này đã có lúc đảo chiều tăng trở lại.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, sự vững vàng của các mã này sẽ giúp VN-Index duy trì sắc xanh, qua đó giữ tâm lý tốt cho nhà đầu tư.
Đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư, GAS và PVD đã được kéo tăng ngay đầu phiên, giúp VN-Index có được sắc xanh khi mở cửa phiên sáng nay (2/12). Dù vậy, sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn rất lớn, khiến thanh khoản thị trường chưa được cải thiện.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,43 điểm (+0,43%), lên 570,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 54,3 tỷ đồng. Tương tự, HNX-Index cũng có sắc xanh ngay từ đầu phiên, thậm chí có lúc đã bứt lên 88 điểm, trước khi bị đẩy lùi trở lại.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục trên HOSE, giao dịch vẫn diễn ra thận trọng. Mặc dù GAS và PVD vẫn duy trì sắc xanh, nhưng lượng cung chờ bán ở các mã khác khá lớn, nhất là các mã có tính chất đầu cơ cao, khiến VN-Index không thể nới rộng đà tăng, mà chỉ lình xình quanh mốc 570 điểm. Trong khi HNX-Index 2 lần thử thách chinh phục lại mốc 88 điểm nhưng không thành công và đều bị đẩy lùi về gần sát mốc tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 2/12, VN-Index tăng 1,99 điểm (+0,35%), lên 570 điểm với số mã tăng, giảm khá cân bằng (87 mã tăng và 82 mã giảm). Tương tự, VN30-Index cũng tăng nhẹ 1,06 điểm (+0,17%), lên 615,5 điểm với 10 mã tăng và 7 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,64 triệu đơn vị, giá trị 1.120,1 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên sáng qua. Tuy nhiên, phiên sáng nay, giao dịch thỏa thuận cao hơn nhiều so với phiên sáng qua với 4 triệu đơn vị, giá trị 173,91 tỷ đồng, với sự đóng góp chủ yếu đến từ FPT khi có 2,63 triệu cổ phiếu, giá trị 118,32 tỷ đồng được sang tay.
HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,14%), lên 87,57 điểm với số mã tăng, giảm cũng khá cân bằng, giống như sàn HOSE (75 mã tăng, 79 mã giảm). HNX30-Index tốt hơn với mức tăng 1,16 điểm (+0,66%), lên 175,62 điểm khi số mã tăng gấp hơn 3 lần số mã giảm (13 mã tăng so với 4 mã giảm).
Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,63 triệu đơn vị, giá trị 466,75 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,8 triệu đơn vị, giá trị 20,76 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao luôn có lực cung chờ bán khá lớn, khiến thị trường không thể tăng mạnh, dù GAS và PVD đã tăng trở lại như chờ đợi của nhà đầu tư trong 4 phiên qua.
GAS duy trì mức tăng 1.000 đồng (+1,18%), lên 86.000 đồng, PVD cũng tăng 1.000 đồng (+1,35%), lên 75.000 đồng. Cả 2 mã này đều duy trì sắc xanh trong suốt phiên giao dịch sáng nay.
Trong khi đó, FLC, KBC, ITA, HQC, VHG chỉ quanh quẩn ở mốc tham chiếu. Trong đó, FLC đóng cửa giảm 100 đồng với 11,56 triệu đơn vị, ITA đứng ở tham chiếu với 2,78 triệu đơn vị, VHG và KBC tăng nhẹ 100 đồng với tổng khớp lần lượt 2,53 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.
Các mã bluechip tăng mạnh phiên hôm qua cũng chỉ còn DPM, VIC, VNM là giữ được chút ít phong độ, còn lại VCB, BVH, EIB, MSN chỉ ở tham chiếu, HAG thậm chí giảm 200 đồng.
Tuy nhiên, thị trường sáng nay lại nhận được sự hỗ trợ của một số bluechip khác như GMD, KDC, SSI. Trong đó, SSI tăng 300 đồng (+1%), lên 30.300 đồng với 3,35 triệu đơn vị được khớp.
Trong nhóm cổ phiếu nóng, trong khi chuỗi 11 phiên tăng trần của SBC chấm dứt với phiên giảm sàn xuống 31.600 đồng, thì DRH, LGC, PNC, VST vẫn duy trì sắc tím. Ngoài ra, phiên sáng nay còn có thêm LGL, TCL nhập cuộc.
Trên HNX, PVS và PVC đã trở lại khá mạnh mẽ với mức tăng 1.100 đồng (+3,35%), lên 33.900 đồng và 700 đồng (+2,25%), lên 31.800 đồng. FIT cũng lấy lại được sắc xanh với mức tăng 300 đồng sau phiên giảm mạnh trước đó, trong khi KLF vẫn giảm 400 đồng (-3,08%), xuống mức thấp nhất phiên 12.600 đồng với 5,43 triệu đơn vị được khớp.
Nhìn chung, thị trường trên cả 2 sàn trong phiên sáng nay không có nhiều điểm chú ý, vẫn là sự dè dặt của nhà đầu tư, bởi áp lực bán từ khối ngoại ở các mã lớn vẫn còn, trong khi khối này thường có “thói quen” giao dịch mạnh trong những phút cuối phiên. Vì vậy, dù thị trường đang có đà tăng tốt, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể cười khi ngày giao dịch chưa kết thúc.