Phiên giao dịch chứng khoán chiều 1/9: Thiếu người dẫn dắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhưng mức tăng khiêm tốn khi thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Phiên giao dịch chứng khoán chiều 1/9: Thiếu người dẫn dắt

Sau phiên mở Gab đầu tuần, thị trường có 2 phiên giao dịch lình xình trong biên độ hẹp 1.330 - 1.335 điểm khi các nhóm có ảnh hưởng tới thị trường có sự phân hoá, nhất là nhóm ngân hàng đang khá yếu và không tìm được sự đồng thuận để giúp VN-Index bứt lên. Ngược lại, lực cung giá thấp cũng không quá mạnh để khiến nhóm này cũng như nhóm chứng khoán, thép hay một số nhóm khác sụt giảm mạnh để VN-Index lấp Gab đã mở trong phiên đầu tuần, mà chỉ lình xình trong biên độ hẹp.

Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, trong phiên sáng, sau những phút đầu khó khăn, với sự hồi phục của VCB, HPG và sự chắc chắn của VHM, VIC, sự khởi sắc của GVR giúp VN-Index leo lên trên ngưỡng 1.335 điểm, sau đó không đủ lực để đi tiếp mà bị đẩy trở lại xuống tham chiếu. Tuy nhiên, những mã trụ trên một lần nữa phát huy tác dụng, kéo VN-Index trở lại và đóng cửa trên ngưỡng 1.335 điểm.

Bước vào phiên chiều, diễn biến của thị trường rất giống với nửa cuối phiên sáng khi VN-Index được kéo lên test thử đỉnh của phiên sáng, nhưng bị đẩy lại khá xa, xuống dưới tham chiếu khi nhóm ngân hàng với sự dẫn dắt của VCB yếu đà, VIC, HPG mất đà tăng, MSN nới đà giảm. Tuy nhiên, thêm một lần nữa VN-Index lại kéo lên về cuối phiên, đóng cửa ở ngưỡng MA50 với sự trợ giúp của một vài mã trụ như VHM, CTG, BID, GVR, VNM, VRE, POW.

Chốt phiên, VN-Index tăng 3,18 điểm (+0,24%), lên 1.334,65 điểm với 219 mã tăng và 173 mã giảm, cùng 41 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 720 triệu đơn vị, giá trị 24.495,5 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% về khối lượng, nhưng tăng hơn 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 40,2 triệu đơn vị, giá trị 3.598 tỷ đồng.

Như đã đề cập ở trên, thị trường hiện nay đang thiếu đi sự dẫn dắt một vài nhóm trụ. Trong đó, các nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường trong quý II như ngân hàng, chứng khoán, thép đã điều chỉnh trở lại từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, trong khi nhóm chứng khoán, thép đã trở lại sau nhịp điều chỉnh, thì nhóm ngân hàng vẫn khá yếu và không còn có được sự đồng thuận, dù có một vài phiên hồi phục kỹ thuật hỗ trợ cho VN-Index có những phiên bứt phá bất ngờ như phiên cuối tuần trước và đầu tuần này.

Chốt phiên hôm nay, dòng bank chỉ còn 4 sắc xanh ở CTG, BID, TPB và MSB, trong đó chỉ có MSB tăng hơn 1%, còn lại đều dưới mức này. Trong khi đó, VCB, ACB, MBB không giữ được đà tăng ở phiên sáng mà đóng cửa ở tham chiếu, số còn lại giảm giá. Trong đó, có 3 mã giảm trên 1% là HDB, LPB, EIB, còn lại cũng chỉ có mức giảm khiêm tốn.

Trong dòng bank, CTG là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 15,3 triệu đơn vị, tiếp đến là MBB hơn 12,7 triệu đơn vị và STB hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán khá hơn khi số mã tăng nhiều hơn, nhưng cũng không quá lớn và không tạo ra lực đỡ đáng kể nào cho thị trường khi số mã tăng chủ yếu là cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, SSI, VIX giảm giá, VCI đứng giá, số tăng giá đáng chú ý chỉ có HCM nhưng cũng chỉ tăng nhẹ 0,55%.

Nhóm cổ phiếu thép, mã đầu ngành HPG quay đầu giảm nhẹ 0,2%, cùng POM giảm 0,9%, còn lại các mã HSG, NKG, TLH, SMC, trong đó SMC tăng mạnh nhất 4,7% lên 50.000 đồng, HSG tăng 0,4% lên 40.050 đồng, NKG tăng 2,6% lên 39.450 đồng. Ba mã HPG, HSG và NKG có thanh khoản từ hơn 10 triệu đơn vị đến hơn 15 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm bất động sản cũng có sự phân hoá khi PDR, KDH, NLG, DXG, SJS, HDG, VPI, VCG, DXG, FLC chìm trong sắc đỏ, trong khi VIC không giữ được sắc xanh như phiên sáng mà chỉ có được mức tham chiếu khi chốt phiên. Thay vào đó, VRE đã thay thế với mức tăng tốt 2,2% lên 27.900 đồng, VHM dù chịu áp lực nhưng cũng giữ được đà tăng nhẹ 0,56% lên 107.000 đồng, khớp gần 22 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 2,6 triệu đơn vị.

Các mã tăng khác có NVL, DIG, HDC, SCR, KOS và các mã bất động sản công nghiệp như BCM, ITA, D2D...

Tạo lực cản lớn nhất cho VN-Index hôm nay lại là MSN -vốn là lực đỡ chính cho thị trường trong những phiên gần đây khi quay đầu điều chỉnh 1,26% xuống 133.300 đồng. Tiếp đến là GAS giảm 0,89% xuống 88.600 đồng.

Ở các mã đơn lẻ khác, TCH vẫn duy trì mức tăng 0,77% như phiên sáng, lên 19.650 đồng, trong khi BCG lại tăng vọt lên mức trần 18.850 đồng. Cũng có mức tăng trần là ASM, LCG, KSB, hay nhóm logistic VOS, HAH...

Trong khi đó, POW vẫn là mã hút dòng tiền nhất thị trường với thanh khoản gần 30 triệu đơn vi, đóng cửa tăng mạnh 5,1% lên mức cao nhất ngày 12.450 đồng.

Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường đã bật trở lại xác lập mức đỉnh của ngày trước khi hạ nhiệt trong đợt ATC.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,18%), lên 343,42 điểm với 147 mã tăng, 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 141 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 2.832 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và hơn 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 7 triệu đơn vi, giá trị 180,8 tỷ đồng.

Trên sàn này, SHB phiên chiều đã nhận được lực cầu tốt hơn, nhưng áp lực bán cũng còn mạnh nên vẫn đóng cửa giảm 2,2% xuống 26.900 đồng, mức thấp nhất ngày, thanh khoản 12,7 triệu đơn vị, đứng đầu san.

Trong khi đó, đà tăng của PVS cũng hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 0,8% lên 26.100 đồng, khớp 8,9 triệu đơn vị. IDC tăng 3,5% lên 41.400 đồng, khớp 6,9 triệu đơn vị và DL1 duy trì đà tăng 8,4% lên 9.000 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị, có lúc đã lên trần 9.100 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng đã có giao dịch tích cực hơn khi sắc xanh xuất hiện tại MBS, BVS, EVS, trong khi SHS đứng giá tham chiếu, chỉ còn một số mã nhỏ giảm.

Nhóm vận tải và khó bãi vẫn giữ được đà tăng tốt, thậm chí nhóm khai thác mỏ còn có nhiều sắc tím hơn.

Trên UPCoM, dù rung lắc nhưng cuối cùng chỉ số chình của thị trường vẫn trở lại sắc xanh khi đóng cửa phiên hôm nay.

Trên UPCoM-Index tăng 0,24 (+0,25%), lên 94,01 điểm với 195 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 106 triệu đơn vị, giá trị 1.954 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 9,8 triệu đơn vị, giá trị 170,5 tỷ đồng.

Trên thị trường này, nhóm cổ phiếu lớn vẫn không có nhiều sự thay đổi khi phân chia 2 cực giống như phiên sáng, nhưng bên tăng giá nới đà tăng hơn như MSR tăng 8,87% lên 22.100 đồng, PGV vẫn giữ mức trần, trong nhóm bất động sản xây dựng, SSH nới đà tăng lên 3,8% lên 103.900 đồng, còn nhóm vận tải và kho bãi ngoài ACV giảm nhẹ, đa số còn lại đều tăng tốt.

Trong khi đó, ở nhóm giảm, ngoài ACV, các mã MCH, VEA, MML, VGI, CTR cũng chỉ còn giảm nhẹ dưới 1%.

Về thanh khoản, HHV vượt qua KSH trở thành mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 9,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,4% lên 22.300 đồng. KSH vẫn giữ mức trần 2.900 đồng, khớp 7,34 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị. BSR trở lại tham chiếu 18.300 đồng, khớp 6,1 triệu đơn vị, đứng thứ 3.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hoạt động tốt hơn thị trường cơ sở khi có 2 hợp đồng tăng giá, 1 hợp đồng đứng giá và 1 giảm giá, nhưng biên độ nhỏ hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,12% xuống 1.426,94 điểm với 10 mã tăng, 15 mã giảm và 5 mã đứng giá. Trong khi, hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng 0,11% lên 1.428,6 điểm với thanh khoản 210.501 hợp đồng, khối lượng mở 29.633 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm ưu thế so với số mã tăng. Trong các mã tăng, 3 mã tăng mạnh nhất đều do KIS phát hành và đều dựa vào chứng khoán cơ sở của họ nhà Vingroup, là CVHM2101, CVIC2101 và CVRE2101 tăng lần lượt 16,7%, 15% và 6,3%. Trong khi đó, 5 mã giảm mạnh nhất cũng do KIS phát hành, trong đó có 2 mã dựa vào chứng khoán cơ sở là VNM. Mã giảm mạnh nhất là CVNM2101 giảm 33,3% xuống 120 đồng. Trong khi 2 mã thanh khoản tốt nhất do SSI phát hành là CHPG2111 với 2,3 triệu đơn vị, CVHM2107 với hơn 1 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục