Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index một lần nữa rớt xuống dưới ngưỡng 620 điểm. Tuy nhiên, nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index không giảm quá sâu, thị trường lình xình quanh mốc tham chiếu trong suốt phiên giao dịch chiều.
Đóng cửa, VN-Index giảm 1,07 điểm (-0,17%) xuống 622,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 148,19 triệu đơn vị, trị giá 2.839,08 tỷ đồng, giảm 22,54% về lượng và 18,11% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 19,45 triệu đơn vị, trị giá 511,08 tỷ đồng. Các cổ phiếu thỏa thuận lượng lớn như SSI đạt 2 triệu đơn vị, trị giá 48 tỷ đồng; MHC đạt 2,11 triệu đơn vị, trị giá 29,87 tỷ đồng; HDG đạt 2,92 triệu đơn vị, trị giá 84,96 tỷ đồng; HAG đạt 1,91 triệu đơn vị, trị giá 35,4 tỷ đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,24%) xuống 87,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,86 triệu đơn vị, trị giá 599,14 tỷ đồng, giảm 29,82% về lượng và 28,64% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,25 triệu đơn vị, trị giá tương ứng đạt 41,06 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, nếu VCB, CTG, EIB, MBB, STB vẫn duy trì được đà tăng, thì BID tiếp tục nới rộng đà giảm tới 2,32%. Thanh khoản ở nhóm "cổ phiếu vua" vẫn ở mức cao với MB khớp 5,57 triệu đơn vị; BID khớp 5,26 triệu đơn vị; CTG khớp 2,72 triệu đơn vị; VCB khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu chứng khoán cũng đã trở lại sau phiên giảm do chịu áp lực chốt lời trước đó. Trong đó, các cổ phiếu chủ chốt như SSI và HCM cùng gia tăng mạnh với mức tăng tương ứng 1,95% và 4,3%, AGR cũng về lại được tham chiếu, trong khi BSI được kéo lên mức trần với lượng dư mua trần khá lớn. Cùng với đó, thanh khoản của các cổ phiếu này cũng khá tích cực với SSI chuyển nhượng thành công hơn 6 triệu đơn vị, HCM đạt hơn 1,35 triệu đơn vị trong khi BSI khớp gần 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã tích cực hơn trong phiên sáng. Trong khi GAS chỉ còn giảm nhẹ 0,79%, thì PVD vươn lên mốc tham chiếu cùng các cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành như PXI, PXL, PXS, PTL.
Trong khi các cổ phiếu lớn đã ổn định trở lại thì ở nhóm cổ phiếu thị trường vẫn chịu áp lực bán khá lớn.
OGC sau khi nhận quyết định bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã giảm mạnh giao dịch với khối lượng chỉ đạt 2,23 triệu đơn vị khi sắc xanh mắt mèo vẫn ngự trị. FLC lình xình quanh mốc tham chiếu và đóng cửa với mức giảm nhẹ 1 bước giá và chuyển nhượng thành công 8,5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sau 2 phiên tăng trần, HAI đã chịu áp lực chốt lời khiến đà giảm tiếp tục được nới rộng trong phiên chiều nay. Tuy nhiên, lực cầu vẫn duy trì khá tốt giúp thanh khoản cổ phiếu này ở mức cao. Đóng cửa, HAI giảm 5,26%, xuống sát mức sàn với khối lượng khớp lệnh đạt 9,26 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.
Cuộc gặp gỡ và chia sẻ từ Ban lãnh đạo mới của JVC chưa đủ để làm “ấm” lòng nhà đầu tư khiến cổ phiếu này giảm trở lại sau 3 phiên tăng trần trước đó. Cổ phiếu JVC đã xuống sát sàn với mức giảm 5,56% và khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tỏa sáng trên sàn HNX. Trong khi hầu hết các cổ phiếu dầu khí đang tiến về mốc tham chiếu, các mã bluechip khác vẫn duy trì đà giảm nhẹ thì các cổ phiếu chứng khoán càng nới rộng đà tăng điểm hơn. Cụ thể, BVS tăng 5,4%; VND tăng 3,68%; SHS tăng 3,66%...
KLF là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 4,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa với mức giảm nhẹ 100 đồng (-1,45%). Tiếp đó, các cổ phiếu đỏ điểm khác như SHB, SCR, FIT cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Diễn biến thị trường trong 2 phiên vừa qua khá đúng với nhận định của một số chuyên gia và công ty chứng khoán, rằng nhóm cổ phiếu midcap và penny sẽ chịu tác động tiêu cực khi áp lực chốt lời diễn ra ở các mã lớn. Trong khi đó, ở đợt tăng mạnh vừa qua của các chỉ số, nhóm cổ phiếu này không hề được nâng đỡ. Do đó, những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu vừa và nhỏ đang cảm thấy bất an và trách thị trường quá bất công.