Chịu tác động từ đà sụt giảm của chứng khoán thế giới trong phiên tối hôm trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, có thể tiếp tục duy trì chính sách tăng mạnh lãi suất, chứng khoán Việt Nam mở cửa giảm khá mạnh, có lúc giảm hơn 10 điểm với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, gấp 3 lần sắc xanh.
Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, lực cầu nhập cuộc tích cực đã kéo nhiều mã quay đầu đảo chiều trở lại, qua đó thị trường thu hẹp đà giảm.
Bước vào phiên giao dịch chiều, tiếp nối đà đi lên từ cuối phiên sáng, thị trường tiếp tục tiến dần về tham chiếu. Sau một vài nhịp gặp khó, từ 14h, lực cầu đã được tung vào dứt khoát hơn, trong khi lực cung giá thấp được tiết giảm lại, giúp VN-Index bứt tốc và nhảy vọt lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa, vượt qua ngưỡng cản tại đường MA20 (1.047). Trên bảng điện tử, từ chỗ sắc đỏ gấp 3 lần sắc xanh đầu phiên sáng, khi đóng cửa số sắc đỏ đã bớt đi một nửa, trong khi số sắc xanh nhiều hơn gấp 3 lần phiên sáng, qua đó lấy lại thế áp đảo, gấp hơn 2 lần sắc đỏ.
Chốt phiên, VN-Index tăng 11,34 điểm (+1,09%), lên 1.049,18 điểm với 256 mã tăng và 123 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 510,3 triệu đơn vị, giá trị 8.537,9 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 5,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,6 triệu đơn vị, giá trị 719,3 tỷ đồng.
Nhóm VN30 từ chỗ có 7 sắc xanh trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, đóng cửa phiên hôm nay có tới 27 mã tăng, trong khi chỉ còn 3 mã giảm là MWG, PLX và SAB, nhưng mức giảm rất khiêm tốn, chỉ trên dưới 0,5%. Trong khi đó, MSN nới đà tăng lên 2,7%, đóng cửa ở mức 80.400 đồng với gần 1,5 triệu đơn vị được khớp. VJC cũng nới nhẹ đà tăng khi đóng cửa tăng 1,2% lên 98.300 đồng, trong khi VPB bật mạnh với mức tăng 4,3% lên 18.150 đồng, khớp 27,2 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. ACB cũng nới đà tăng lên 2%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 25.000 đồng, khớp 2,78 triệu đơn vị. POW tăng 1,6% lên 12.750 đồng. VRE cũng lên mức cao nhất ngày 27.250 đồng, tăng 2,4%, trong khi VIC vẫn giữ mức tăng khiêm tốn như phiên sáng.
Trong nhóm này, nổi bật nhất là cú đảo chiều của PDR khi đóng cửa với mức tăng cao nhất nhóm 4,9% lên 11.850 đồng, cũng là mức giá cao nhất ngày, khớp 6,63 triệu đơn vị. NVL cũng đảo chiều tăng 1,8% lên 11.050 đồng, khớp 14,53 triệu đơn vị. HPG cũng đảo chiều tăng 0,5% lên 21.200 đồng, khớp 16,16 triệu đơn vị.
Xét về các nhóm ngành, trong nhóm ngân hàng tất cả đều được nhuộm xanh, trong đó EIB là mã tăng mạnh nhất 4,6% lên 20.400 đồng. Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn TVB yếu đà dừng lại ở mức tham chiếu, còn lại đều tăng giá, trong đó VCI tăng mạnh nhất 4,5% lên 28.100 đồng, tiếp đến là VND tăng 3,5% lên 14.700 đồng, khớp 20,44 triệu đơn vị, cao nhất nhóm. Trong 2 mã lớn khác, HCM tăng 3,1% lên 24.850 đồng và SSI tăng 2,1% lên 19.800 đồng.
Nhóm thép ngoài HPG, có thêm HSG, TLH, SMC, NKG tăng giá, trong đó NKG tăng mạnh nhất 1,2% lên 16.700 đồng, trong khi vẫn còn 4 mã giảm. Về thanh khoản, không phải HPG mà HSG là mã có khối lượng khớp lớn nhất với 18,07 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,9% lên 16.250 đồng, ngược lại hoàn toàn với phiên sáng.
Ấn tượng nhất là nhóm bất động sản và xây lắp khi số mã giảm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, còn lại sắc xanh bao trùm. Trong đó, DXS là mã tạo nhiều dấu ấn khi từ dưới tham chiếu được kéo thẳng lên mức trần 11.200 đồng khi đóng cửa, khớp tới 24,61 triệu đơn vị, chỉ đứng sau VPB và còn dư mua giá trần. LCG dù không giữ được ngôi vị số 1 về thanh khoản của phiên sáng khi đứng ở vị trí thứ 4, nhưng giá lại được kéo lên mức trần 13.050 đồng, khớp 19,94 triệu đơn vị.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự khi được kéo từ sau thời điểm 14h để leo lên đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,18 điểm (+0,57%), lên 208,68 điểm với 92 mã tăng và 57 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 102 triệu đơn vị, giá trị 1.292 tỷ đồng, tăng tới 126,8% về khối lượng và 85,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, hôm nay giao dịch thỏa thuận đóng lớn, chiếm tới hơn 40% với 44,3 triệu đơn vị, giá trị 389 tỷ đồng.
Lực cầu mạnh không chỉ giúp SHS đảo chiều tăng giá, mà còn giúp mã này vượt lên dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HNX. Chốt phiên, SHS tăng 2,4% lên 8.700 đồng, khớp hơn 15 triệu đơn vị. PVS khớp 8,43 triệu đơn vị, đứng ở vị trí tiếp theo và nới đà tăng lên 2,6%, đóng cửa ở mức 27.500 đồng. CEO cũng đảo chiều tăng giá 2,5% lên 20.900 đồng, khớp 6,16 triệu đơn vị. Trong khi PVC có giao dịch trầm hơn trong phiên chiều nên khớp chỉ 2,31 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 5, đóng cửa giữ mức tăng 1,9% lên 16.500 đồng. TNG trong khi đó lại vượt mạnh lên cả về thanh khoản và giá khi khớp 2,48 triệu đơn vị, đứng trên PVC, đóng cửa tăng mạnh 4,6% lên 18.300 đồng. MBS và TAR là 2 mã tiếp theo có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng tốt 3% và 2,4%. Ngoài ra, còn có 4 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, là AMV, IDC, IDJ và HUT, trong đó chỉ có AMV đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng.
UPCoM cũng bứt lên trong phiên chiều để hòa cùng nhịp vui của 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,42%), lên 76,49 điểm với 143 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,5 triệu đơn vị, giá trị 307,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 92,3 tỷ đồng.
Ngoài BSR, C4G và LMH, chiều nay chỉ có thêm 1 mã gia nhập nhóm thanh khoản triệu đơn vị là ABB. Trong đó, đứng đầu vẫn là mã quen thuộc BSR với 7,27 triệu đơn vị, đóng cửa đảo chiều 180 độ, từ giảm 0,6% của phiên sáng thành tăng 0,6% khi đóng cửa, lên 16.700 đồng. Tiếp đến là C4G khớp 3,62 triệu đơn vị, đóng cửa tăng gấp đôi phiên sáng 3,6% lên 11.500 đồng, LMH khớp 2,19 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn tăng 2,3% lên 4.500 đồng, ABB khớp 1,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 8.000 đồng.
Dù không có thanh khoản tới 1 triệu đơn vị, nhưng AMS lại gây ấn tượng về giá khi đóng cửa ở mức kịch trần 9.400 đồng, khớp hơn 0,7 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, nhưng mức tăng nhẹ hơn thị trường cơ sở. Theo đó, VN30-Index tăng 13,43 điểm (+1,31%), lên 1.040,59 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 3 tăng 10,1 điểm (+0,98%), lên 1.038 điểm với 358.994 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 50.658 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế nhưng không quá áp đảo. Về thanh khoản, hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 chứng quyền của HPG và mã còn lại của MBB. Trong đó, CHPG2221 do SSI phát hành có thanh khoản tốt nhất với gần 3,06 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 50% lên 30 đồng. Tiếp đến là CHPG2227 do HSC phát hành với hơn 1,3 triệu đơn vị và cũng đóng cửa tăng, nhưng chỉ ở mức nhẹ 1,3% lên 2.300 đồng. Mã còn lại là CMBB2210 do SSI phát hành với 1,02 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 10 đồng.