Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS
CTCK BIDV (BSC)
Quan điểm đầu tư dành cho cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam: Triển vọng việc làm từ mảng M&C được cải thiện kể từ năm 2023, nhờ tiếp tục thực hiện các dự án nước ngoài đã ký kết từ năm ngoái như Gallaf 3, Hải Long, và đóng góp từ các dự án trong nước như dự án mỏ khí Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2
Bên cạnh đó, Dự án Lô B – Ô Môn được triển khai sẽ đem lại nguồn công việc lớn cho PVS trong thời gian tới. Thỏa thuận khung cấp khí cho dự án nhà máy điện Ô Môn II được ký kết thành công sẽ thúc đẩy dự án đường ống Lô B – Ô Môn sớm được triển khai.
Triển vọng dài hạn từ mảng điện gió ngoài khơi. Việc ký kết hợp tác cùng các công ty năng lượng lớn của nước ngoài sẽ giúp mang lại việc làm cho PVS với các dự án điện gió ngoài khơi trong dài hạn.
BSC dự báo năm 2023, doanh thu thuần của PVS đạt 20.684 tỷ đồng (tăng 26% so với năm trước), và lợi nhuận sau thuế đạt 964 tỷ đồng (tăng trưởng 16%), EPS FW = 1.353 đồng/CP với giả định:(1) Giá dầu trung bình năm 2023 đạt 90 USD/thùng (giảm 10%); (2) Doanh thu mảng M&C đạt 12.000 tỷ đồng (tăng 40%) nhờ các dự án đang thực hiện như Gallaf 3, dự án điện gió Hải Long và các dự án mới như Sư Tử Trắng giai đoạn 2; (3) Các liên doanh FSO/FPSO hoạt động ổn định với đơn giá thuê duy trì ở mức cao, đóng góp 530 tỷ đồng vào lợi nhuận của PVS.
BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PVS với giá khuyến nghị 33.000 đồng/CP (tương đương upside 24.1% so với giá đóng cửa ngày 06/03/2023 là 26.600 đồng/CP) dựa trên hai phương pháp P/B (với P/B mục tiêu 1.1x) và FCFF với tỷ trọng 50%/50%.
Khuyến nghị theo dõiđối với cổ phiếu VNM
CTCK BIDV (BSC)
Quan điểm đầu tư dành cho cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam là sức mạnh từ nội tại doanh nghiệp đầu ngành sữa (khoảng 60% thị phần) với (1) các chỉ số tài chính tích cực hơn các doanh nghiệp cùng ngành (2) Giá cổ phiếu ít biến động hơn so với thị trường (3) tỷ suất cổ tức ổn định 5%/năm
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp năm 2023 được hỗ trợ 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022 nhờ (1) Mức tăng giá bán từ 1-2% so với cùng kỳ và (2) giá nguyên vật liệu có dấu hiệu hạ nhiệt về mức giá của năm 2021
Kỳ vọng năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số ước tính đạt lần lượt là 60.732 tỷ đồng (tăng 1,3%), và 9.417 tỷ đồng (tăng 11%), EPS FW 2023 = 4.016 đồng/CP, PE FW= 18,7 lần– Điều chỉnh giảm doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 0,6ppt và 0,9ppt so với báo cáo trước do nhu cầu yếu hơn kỳ vọng trong quý IV/2022 và biên lợi nhuận gộp được điều chỉnh giảm từ 43.6% về còn 41,6% do điều chỉnh kì vọng chốt giá nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ.
Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VNM với giá trị hợp lý năm 2023 là 84.500 đồng/CP (Upside +12,7% so với giá đóng cửa ngày 6/3/2023), dựa trên phương pháp DCF và PE với tỷ trọng 50%/50%.
Khuyến nghị mua cổ phiếu TPB, giá mục tiêu 33.000 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Năm 2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB – sàn HOSE) đạt 11.387 tỷ đồng (tăng 14,5% so với năm trước). Thu nhập ngoài lãi đạt 4.231 tỷ đồng (tăng trưởng 18,5%) giúp tổng thu nhập hoạt động đạt 15.617 tỷ đồng (tăng 15,5%). CIR đạt 38,1% (tăng 426 bps) trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm mạnh so với năm 2021 (giảm 36,6%) khiến lợi nhuận trước thuế đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 29,6%.
Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, với lợi thế cạnh tranh lớn nhờ sự hỗ trợ của cổ đông lớn là tập đoàn FPT – tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, TPB là 1 trong những ngân hàng thực hiện chuyển đổi số đầu tiên, đã ghi nhận những thành quả đáng chú ý và kì vọng sẽ có những bước tiến lớn về chuyển đổi số trong thời gian tới.
Năm 2022, trong bối cảnh chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động diễn ra, tăng trưởng huy động khách hàng của TPB đạt 39,7% YTD, cao hơn so với trung bình nhóm ngân hàng quan sát đạt 11.0%. Tăng trưởng huy động cao đem lại một số lợi thế cho TPB bao gồm: (1) Đáp ứng các chỉ tiêu về thanh khoản; (2) Áp lực lên NIM giảm nhờ không phải đẩy mạnh lãi suất huy động; (3) Kỳ vọng CASA phục hồi.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TPB. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 33.000 đồng/CP, cao hơn 40,4% so với giá tại ngày 07/03/2023.
Khuyến nghị mua cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 35.800 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Trong quý IV/2022, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) chỉ bán được 64 căn (giảm 81% so với quý trước) với tổng giá trị hợp đồng là 230 tỷ đồng (giảm 85%so với quý trước), đến từ hai dự án Akari City (150 tỷ đồng) và Southgate (80 tỷ đồng). Lũy kế cả năm, doanh số bán hàng đạt 10.152 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2021 nhờ kết quả bán hàng tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Chúng tôi cho rằng những khó khăn liên quan đến vấn đề kiểm soát tín dụng vào BĐS cũng như rủi ro liên quan đến tiến độ phê duyệt pháp lý kéo dài tại hai án Izumi và Cần Thơ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả bán hàng của Nam Long trong năm 2023. Tổng giá trị bán hàng năm 2023 ước tính đạt 6.615 tỷ đồng (giảm 35% so với năm trước) đến từ các dự án Mizuki Park, Akari City và Southgate, Izumi City và Cần Thơ.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của NLG năm 2023 đạt 696 tỷ đồng (tăng 25% so với năm trước) từ bàn giao dự án Southgate và đẩy mạnh bàn giao dự án Mizuki Park (giai đoạn 2) và chuyển nhượng 25% cổ phần còn lại tại dự án Paragon Đại Phước.
Mặc dù kết quả kinh doanh của Nam Long thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với cổ phiếu Nam Long nhờ (1) Nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn và (2) Các dự án căn hộ trung cấp tại TP HCM như Mizuki và Akari City hay căn hộ vừa túi tiền Ehome Southgate vẫn thu hút được người mua có nhu cầu ở thực.
Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 35.800 đồng/CP, cao hơn 40% so với giá đóng cửa ngày 06/03/2023.