Phiên giao dịch chiều 7/2: Bất ngờ

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng khiến đà tăng của thị trường bị hãm lại. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn cho thấy sự luân chuyển tích cực và bất ngờ đã xảy ra trong phiên chiều khi TTF có cú đảo chiều ngoạn mục.
Phiên giao dịch chiều 7/2: Bất ngờ

Trong phiên giao dịch sáng, sau những nhịp rung lắc, thị trường đều có được sự hồi phục tốt khi sức cầu thể hiện sự hào hứng. Các chỉ số chính đều kết phiên sáng ở mức điểm cao nhất, thanh khoản có sự cải thiện mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự tích này không còn được duy trì trong phiên giao dịch chiều. Áp lực chốt lời đã trở lại với một số mã bluechips có tính dẫn dắt khiến đà tăng của thị trường bị hãm lại.

Mặc dù đã “hạ nhiệt”, nhưng xét về toàn cục, thị trường vẫn có một phiên giao dịch tích cực, đặc biệt là về thanh khoản, khi tổng giá trị giao dịch trên HOSE tăng tới hơn 34% so với phiên trước đó.

Bản tin tài chính trưa 7/2

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2, với 119 mã tăng và 132 mã giảm, VN-Index chỉ còn tăng 1,87 điểm (+0,27%) lên 701,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 158,63 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 3.334 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,57 triệu đơn vị, giá trị 510,8 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu SAB, giá trị 215 tỷ đồng; 2,019 triệu cổ phiếu FPT ở mức giá trần, giá trị hơn 91 tỷ đồng và 0,619 triệu cổ phiếu VNM, giá trị gần 83 tỷ đồng.

Còn với 67 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,51%) lên 85,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,49 triệu đơn vị, giá trị 379,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá khiêm tốn với gần 30 tỷ đồng, đáng chú ý là thỏa thuận của hơn 1 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 5,2 tỷ đồng.

Trước áp lực chốt lời, nhóm ngân hàng, ngoại trừ VCB, đã giảm trở lại. Các mã dầu khí GAS, PVD cũng lùi về tham chiếu. Cụ thể, BID giảm 0,6%, CTG giảm 0,8%, khớp lệnh lần lượt 3,5 triệu và 3,2 triệu đơn vị. PVD và DPM cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã VNM, VCB, VIC, SAB, ROS hay HPG, HSG, FPT, SSI, HCM… vẫn duy trì sắc xanh, góp phần giúp VN-Index hồi phục sau 2 phiên giảm.

Đáng chú ý, HPG tiếp tục thể hiện sự tích cực trong phiên chiếu với hơn 3 triệu đơn vị được sang tên, nâng mức tổng khớp cả phiên lên 8,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau FLC, chốt phiên tăng 1,1%, lên 44.600 đồng và là phiên tăng giá thứ 6 liên tục. Các cổ phiếu thép khác như HSG, SMC, NKG cũng giao dịch tích cực.

Trong khi đó, giao dịch ở HVG đã chững lại do không còn nhà đầu tư mạo hiểm xuống tiền. Chốt phiên, HVG khớp  8,46 triệu đơn vị,  giảm sàn xuống 6.750 đồng.

Ở nhóm chứng khoán, SSI nổi bật với mức tăng 1,5% lên 20.900 đồng/CP và khớp tới 3,15 triệu đơn vị.

VCB giữ vững đà tăng từ đầu phiên với mức tăng 1,4% lên 39.500 đồng/CP và khớp 1,52 triệu đơn vị. Mã SAB chỉ còn tăng 0,5%, trong khi ROS duy trì mức tăng 0,8%. ROS khớp 2,16 triệu đơn vị.

Cũng giống như một vài phiên vừa qua, dòng tiền tiếp tục cho thấy sự luân chuyển tốt giữa các nhóm cổ phiếu trong phiên giao dịch này. Bên cạnh các bluechips hay vốn hóa lớn nêu trên, nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ tiếp tục hút mạnh dòng tiền.

Đáng chú ý là TTF sau 2 phiên giảm sàn với thông tin kết quả kinh doanh bết bát, cũng giảm sàn xuống 4.360 đồng khi mở đầu phiên giao dịch chiều nay. Tuy nhiên, ngay sau đó, mã này đã có cú đảo chiều ngoạn mục lên mức giá trần 5.000 đồng khi chốt phiên với 1,2 triệu đơn vị được khớp, còn dư mua trần và còn dư mua giá trần.
Ngược lại, FLC bị chốt lời nên giảm 1,2%, xuống 5.680 đồng với 12,7 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, "người anh em" KLF trên sàn HNX lại tiếp tục duy trì được sắc tím với mức tăng trần lên 2.700 đồng với 8,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
Ngoài 3 mã trên, các mã nhỏ khác như HAG, HNG, ITA, KBC, SCR, OGC, VHG, HQC… đều có mức khớp từ 2-6 triệu đơn vị và đa phần là tăng điểm. Đáng chú ý, khoảng 30 mã tính trên 2 sàn đã tăng trần như LGC, CDO, KSA, ATG, ANV, KAC, PPI, NHP, ACM, KSQ, PV2…

Trên HNX, ngoài KLF, VCG cũng là điểm sáng với 5,46 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 4,9% lên 14.900 đồng/CP. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của VCG kể từ khi con số lợi nhuận kỷ lục kể từ khi niêm yết được công bố.

Đối với UPCoM, chỉ số sàn này đã có sự hồi phục và đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,05%) lên 54,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị, giá trị 65,35 tỷ đồng.

Cũng như các cổ phiếu thép trên 2 sàn chính, cổ phiếu TIS được giao dịch mạnh và có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 680.800 đơn vị được khớp và tăng 4,4% lên 9.400 đồng/CP.

ACV vươn lên vị trí thứ 2 với 287.100 đơn vị được khớp và vẫn là mã được khối ngoại giao dịch mạnh nhất khi mua vào 1.086.400 đơn vị và bán ra 997.600 đơn vị.

Các mã lớn khác như HVN, QNS, VOC, MSR, MCH… cũng chưa có nhiều cải thiện.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục