Phiên giao dịch chiều 6/9: Kẻ phá đám

(ĐTCK) Số mã tăng giá chiếm ưu thế và sự hỗ trợ của nhóm dầu khí giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong suốt phiên giao dịch, nhưng về cuối phiên, lực cung mạnh từ khối ngoại đẩy VNM xuống mức giá thấp nhất ngày đã phá hỏng hết nỗ lực của thị trường.
Phiên giao dịch chiều 6/9: Kẻ phá đám

Trong phiên giao dịch sáng, với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí và một số cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã hồi phục trở lại sau phiên giảm điểm đầu tuần. Chỉ số này có lúc vượt qua ngưỡng 668 điểm để hướng tới mốc 670 điểm, tuy nhiên áp lực bán tại ngưỡng 668 điểm khá lớn, khiến VN-Index quay đầu và thu hẹp đà tăng dần về cuối phiên. Nhân tố chính khiến VN-Index gặp khó trong nỗ lực phục hồi là VNM khi cổ phiếu lớn này bị chốt lời khá mạnh, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài sau chuỗi tăng giá ấn tượng trước đó.

Phiên hôm nay là phiên đầu tuần MSN bắt đầu thực hiện mua cổ phiếu quỹ với khối lượng từ 600.000 đơn vị đến 2 triệu đơn vị mỗi phiên. Trong phiên sáng, thanh khoản của MSN khá thấp, chưa tới 200.000 đơn vị, nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có đột biến lực cầu tại MSN trong phiên chiều, qua đó tạo sự hứng khởi, giúp thị trường giao dịch sôi động hơn. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trong phiên hôm nay.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu dầu khí, cùng một số bluechip, cũng đa số mã khác giúp VN-Index nới rộng đà tăng, chinh phục lại ngưỡng 668 điểm như phiên sáng. Tuy nhiên, ngay khi vừa chạm mốc điểm này, áp lực bán đã gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui trở lại trong nửa cuối phiên.

Trong những phút cuối phiên, đặc biệt là trong đợt ATC, lực bán gia tăng tại VNM, nhất là từ lực cung ngoại, khiến mã này giảm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, khiến VN-Index mất nốt số điểm tích lũy ít ỏi còn lại và đóng cửa với phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, chốt phiên, VN-Index giảm 0,65 điểm (-0,1%), xuống 663,9 điểm với 118 mã tăng, 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109 triệu đơn vị, giá trị 2.915,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,93 triệu đơn vị, giá trị 714,74 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đột biến trong phiên chiều không phải đến từ MSN, mà là FPT trong những giây cuối cùng của phiên hôm nay. Cụ thể, trước khi đóng cửa giao dịch ít phút, FPT được sang tên 9,66 triệu đơn vị, giá trị gần 460 tỷ đồng. Trong khi đó, MSN được chuyển nhượng 340.000 đơn vị trong phiên thỏa thuận, giá trị 23,12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giao dịch lô lớn trong phiên thỏa thuận còn kể đến STG với 4,89 triệu đơn vị, giá trị 94,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù độ rộng thị trường rất cân bằng với 97 mã tăng và 98 mã giảm, nhưng HNX-Index lại đóng cửa tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,22%), lên 84,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,3 triệu đơn vị, giá trị 517,67 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 27 tỷ đồng.

ROS và HHS tiếp tục duy trì sắc tím do lực cung không nhiều, trong đó HHS được khớp 2,75 triệu đơn vị, còn ROS hơn 0,86 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của ROS kể từ ngày chào sàn, với mức tăng hơn 36%.

DRH sau ít phút rung lắc trong phiên sáng, cũng đã nhanh chóng trở lại sắc tím khi chốt phiên hôm nay, lên 22.400 đồng. Có diễn biến tương tự DRH là HTI khi đóng cửa ở mức trần 19.500 đồng.

LCG với lực cầu ngoại tốt (mua ròng gần 0,44 triệu đơn vị), cũng đóng cửa ở mức trần 5.100 đồng với 1,17 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc được giao dịch dưới tham chiếu. Có sắc tím trong phiên chiều còn phải kể đến LM8, TAC, TSC…

HNG và HAG hồi phục trở lại sau phiên giảm sàn hôm qua và đều đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày là 6.900 đồng và 5.800 đồng. Tuy nhiên, thanh khoản của HAG gấp hơn 5 lần HNG với lượng khớp hơn 1,83 triệu đơn vị.

Các mã bluechip như REE, GMD, HPG, KDC, MSN, PVD, GAS vẫn duy trì được đà tăng, trong đó PVD nới rộng đà tăng lên 3,83%, đóng cửa ở mức 27.100 đồng với 2,78 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, HSG đã không thể giữ được sắc xanh nhạt có được từ những nỗ lực của cuối phiên sáng khi đóng cửa giảm 2%, xuống 44.100 đồng với gần 3,1 triệu đơn vị được khớp.

FPT ngoài sự đột biến trong giao dịch thỏa thuận, cũng khá sôi động trong phiên khớp lệnh với 1,39 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa giảm 0,67%.

Mã có thanh khoản tốt nhất là KBC với gần 5 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 1,14%, lên 17.800 đồng.

Trong khi đó, lực cung lớn của khối ngoại đẩy VNM xuống mức giá 150.000 đồng khi chốt phiên, cũng là mức giá thấp nhất ngày, giảm 2,6% với 1,73 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng 334.530 đơn vị.

Trên HNX, PVX dù chịu rung lắc trong phiên sáng do áp lực chốt lời gia tăng, nhưng với lực cầu lớn, mã này đã trở lại sắc tím trong phiên chiều, đóng cửa ở mức 2.600 đồng với 11,98 triệu đơn vị được khớp. Đây là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp của PVX với tổng mức tăng 44,44%.

Tuy nhiên, việc HNX-Index có được sắc xanh hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ của ACB và SHB sau khi có thông tin sẽ được Moody’s nâng bậc tín nhiệm, hay NTP, VCS và PVS.

Trong đó, dù bị khối ngoại bán ròng khá mạnh, hơn 1 triệu đơn vị, nhưng PVS vẫn duy trì đà tăng tốt khi chốt phiên ở mức 21.400 đồng, tăng 1,9% với 2,93 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, dù cũng có lực cầu khá tốt, nhưng VCG lại đóng cửa giảm 4,76% với 3,23 triệu đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 300.000 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục