Sau khi nhích nhẹ đầu phiên, thị trường lao dốc mạnh và rơi xuống sát ngưỡng 660 điểm bởi sức ép đến từ các cổ phiếu bluechip. Tuy lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thị trường hồi nhẹ nhưng lực đỡ từ các cổ phiếu đầu cơ không đủ mạnh để giúp thị trường lấy lại đà tăng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu thận trọng khiến thị trường thiếu động lực để tăng điểm, các mã lớn vẫn đóng vai trò lực hãm chính, chỉ số VN-Index vẫn tiếp diễn xu hướng lình xình quanh mốc 665 điểm.
Thông tin chính thức điều chỉnh giá xăng tăng khá mạnh đã được dự báo từ trước và không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Cụ thể, từ 15h ngày 5/9, xăng RON 92 điều chinh tăng hơn 700 đồng, lên mức tối đa là 16.076 đồng/lít; xăng E5 tăng 611 đồng/lít; lên mức tối đa 15.836 đồng/lít và các mặt hàng dầu tăng khoảng 500 đồng/lít, kg.
Trong khi đó, vụ phá sản của Hanjin đang gây xáo trộn thương mại toàn cầu và phần nào tác động tới diễn biến các cổ phiếu trong nhóm logistics, nhiều mã trong nhóm ngành này như GMD, VSC, DVP, CLL… đang giảm khá mạnh.
Tuy nhiên, các cổ phiếu bluechip vẫn đóng vai trò là tác nhân chính khiến thị trường không thể bật tăng. Trong đó, VCB duy trì đà giảm 2.000 đồng (3,81%), BVH giảm 1.500 đồng (-2,44%), GAS, NT2 và SBT giảm 500 - 700 đồng…
Ngoài VCB, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường như CTG, STB, MBB đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể EIB rơi xuống giá sàn với mức giảm 6,3%.
Nhóm Vn30 có tới 18 mã giảm, chỉ 7 mã tăng và 5 mã đứng giá. Trong đó, HSG vẫn tỏa sáng nhờ thông tin được thêm vào rổ cơ cấu danh mục của quỹ ETF, với mức tăng 1.000 đồng (+2,27%) và chuyển nhượng thêm hơn 1,5 triệu cổ phiếu trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng khớp lệnh lên 4,88 triệu đơn vị.
VNM cũng dứt được đà giảm và quay về mốc tham chiếu nhờ lực cầu ngoại, tuy nhiên, giao dịch trong phiên chiều cầm chừng, chỉ khớp hơn 100.000 đơn vị, nâng thanh khoản lên 2,68 triệu đơn vị. Khối ngoại giao dịch khá mạnh cổ phiếu này với lượng mua vào hơn 1,3 triệu đơn vị và bán ra hơn 1 triệu đơn vị, tổng cộng, khối này đã mua ròng gần 0,3 triệu cổ phiếu VNM.
Bên cạnh HSG, thị trường còn nhận lực đỡ từ một số mã bluechip khác như PVD, KDC, MWG, tuy nhiên, đà tăng không đủ mạnh để giúp thị trường thoát khỏi phiên giảm điểm trước áp lực bán vẫn ở mức cao.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 103 mã tăng và 124 mã giảm, chỉ số Vn-Index giảm 4,64 điểm (-0,69%) xuống 664,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 110,45 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.750 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,26 triệu đơn vị, trị giá 225,4 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, lực đỡ từ một số mã lớn như NTP, PVS, VCG… giúp thị trường giữ vững sắc xanh. Chỉ số HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%) lên 84,17 điểm với tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt hơn 42 triệu đơn vị, giá trị 460,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,24 triệu đơn vị, trị giá 42,22 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực từ hơn 1,74 triệu cổ phiếu TH1, trị giá 35,32 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ vẫn là điểm nhấn của thị trường. Bên cạnh FLC bị chốt lời và chia tay sắc tím khi chỉ còn tăng 100 đồng với lượng khớp hơn 7 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường thì cặp đôi HAG và HNG rơi xuống mức giá sàn với lượng khớp tương ứng 6,13 triệu đơn vị và 1,71 triệu đơn vị.
Cổ phiếu mới gia nhập thị trường là ROS không có nhiều biến động so với phiên sáng khi giữ vững sắc tím với lượng khớp 341.000 đơn vị và dư mua trần 1,4 triệu đơn vị.
Một trong những cổ phiếu khác đáng chú ý trên sàn HOSE là TNT. Cổ phiếu này đã ghi nhận phiên giảm sàn thứ 16 liên tiếp, từ mức giá 29.900 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 11/8) xuống mức 9.900 đồng/Cp (giá đóng cửa phiên 5/9), với mức giảm lên tới 66,89% và khối lượng khớp trong phiên đầu tuần 5/9 chỉ 5.120 đơn vị, dư bán sàn 4,83 triệu đơn vị.
Mặt khác, PVX vẫn giữ vững sắc tím với khối lượng khớp 6,66 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị. Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX vẫn là điểm sáng KLF, cổ phiếu này duy trì sắc tím với mức tăng 9,52% và khớp 2,86 triệu đơn vị.