Bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua gia tăng, đẩy VN-Index lần đầu trong phiên vượt qua mốc tham chiếu, vọt qua mốc 600 điểm. Sau đó, thị trường diễn ra trong xu thế giằng co quanh mốc điểm tâm lý này.
Dòng tiền đầu cơ dường như đã nhập cuộc trở lại khi các mã có tính dẫn dắt dòng tiền trong đợt tăng trước đó bắt đầu trở lại trạng thái giao dịch sôi động vốn có. Sắc xanh bao phủ bảng điện tử khi số mã tăng thắng thế trên sàn.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều phiên gần đây, kịch bản ép VN-Index lại được thực hiện trong đợt ATC và các mã vốn hóa lớn như GAS, VCB, BID chính là công cụ để thực hiện. Kịch bản này được lặp đi lặp lại trong suốt tuần giao dịch trước đó và 2 phiên giao dịch tuần này. Chính điều này khiến VN-Index không giữ được mốc 600 điểm trong phiên hôm nay, nên chấp nhận phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp, trong khi HNX-Index lại có được sắc xanh nhạt phiên thứ 2 trong tuần.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, VN-Index giảm 0,98 điểm (-0,16%), xuống 598,8 điểm. Trong khi đó, cũng giống như phiên sáng, VN30-Index nhờ không bị ảnh hưởng bởi GAS và BID nên tăng 1,27 điểm (+0,2%).
Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,77 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ ngày 19/9. Tổng giá trị giao dịch đạt 2.734,44 tỷ đồng, tương đương với các 7 phiên giao dịch gần đây. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,25 triệu đơn vị, giá trị 309,33 tỷ đồng với sự đóng góp chủ yếu của CTI, REE, VNE, SVC.
Trong khi đó, trên sàn HNX, diễn biến các chỉ số lại trái ngược với sàn HOSE. Trong khi HNX-Index lại có mức tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,07%), lên 88,63 điểm, thì HNX30-Index lại giảm 0,31 điểm (-0,17%), xuống 180,8 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,7 triệu đơn vị, giá trị 1.208,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 12,28 triệu đơn vị, giá trị 311,78 tỷ đồng, với những giao dịch lô lớn đáng chú ý ở OCH (gần 8,7 triệu đơn vị), PVS và DBC (cùng 1,5 triệu đơn vị).
Trong phiên chiều, dòng tiền chảy mạnh vào các mã vừa và nhỏ, đó chính là lý do giúp khối lượng giao dịch của thị trường tăng mạnh, trong khi giá trị giao dịch không tăng. Nhiều mã chứng khoán có tính chất đầu cơ cao đã hút mạnh dòng tiền như FLC, ITA, VHG, DLG, LCG, KSA, MCG, SAM…
Trong đó, FLC có lúc được kéo lên mức giá trần 11.900 đồng trước khi đóng cửa ở mức 11.700 đồng, tăng 500 đồng (+4,46%), với 22,36 triệu đơn vị được khớp. ITA được khớp hơn 7 triệu đơn vị với mức tăng nhẹ 100 đồng. VHG cũng được khớp gần 7 triệu đơn vị, đóng cửa với mức tăng 500 đồng (+4,35%), lên 12.000 đồng.
Dòng tiền chảy mạnh cũng giúp các mã còn lại như DLG, LCG, KSA, MCG tăng mạnh, ngoại trừ SAM giảm nhẹ 100 đồng.
Ngoài ra, SSI cũng thu hút dòng tiền khá mạnh, dù không bẳng một nửa của phiên đột biến hôm qua. Kết thúc phiên, SSI tăng 200 đồng (+0,65%), lên 30.900 đồng với 5,95 triệu đơn vị được khớp.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự sôi động của OGC với gần 7,1 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 300 đồng (+2,52%), lên 12.200 đồng.
Trong khi đó, GAS đóng cửa giảm 1.000 đồng, trong khi VCB và BID cũng đảo chiều giảm lại 100 đồng. VIC có thời điểm trong phiên chiều đã được kéo tăng lên 48.600 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 48.000 đồng, giảm 500 đồng (+1,03%) với 4,87 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, trong khi KLF vẫn duy trì vị trí số 1 về thanh khoản, nhưng đà tăng nhẹ hơn phiên sáng 1 bước giá, thì FIT lại được kéo lên mức cao nhất trong ngày 23.600 đồng, nếu còn thời gian, nhiều khả năng mã này sẽ lại có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp khi chỉ cách mức giá này 1 bước giá.
Kết phiên, KLF được khớp hơn 11 triệu đơn vị, trong khi FIT được khớp hơn 3,6 triệu đơn vị. Đứng giữa 2 mã này là PVX với 7,74 triệu đơn vị, nhưng mã này giảm nhẹ 100 đồng.
Trong khi đó, PVS đã quay đầu giảm trở lại, KSD cũng hạ nhiệt, trong khi các mã mới lên sàn là CEO và TVS vẫn được đẩy trần với dư mua khá lớn, trong khi bên bạn hạn chế ra hàng.
Một thông tin kinh tế có tác động tích cực tới thị trường là giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm 150 – 380 đồng/lít kể từ 15h hôm nay. Tuy nhiên, thông tin này chưa có ảnh hưởng tới thị trường hôm nay, bởi quá muộn, mà nhiều khả năng sẽ tác động tới thị trường từ phiên mai.
Cùng với sự trở lại của dòng tiền đầu cơ, thông tin hỗ trợ về việc giảm giá xăng sẽ là chất xúc tác để giúp thị trường có thể lấy lại xu thế tăng điểm với thanh khoản ở mức cao từ phiên mai.