Phiên giao dịch chiều 29/5: "Trận chiến" tại OGC

(ĐTCK) Không nằm ngoài dự đoán, sau những nhịp tăng khá nóng và tiến gần đến các ngưỡng kháng cự mạnh, cả 2 chỉ số đã có sự điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay chính là "cuộc chiến" của các "tay to" tại OGC.  

Trong phiên sáng nay, chỉ sau ít phút đầu hứng khởi, áp lực bán đã gia tăng mạnh khiến thị trường ngay lập tức bị kéo tụt xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu cũng khá tốt nên đà giảm được thu hẹp, đồng thời đưa trạng thái thị trường trở về diễn biến giằng co trong khoảng hẹp và nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là lực đỡ chính của thị trường.

Nhờ cầu mua khá tích cực, thanh khoản thị trường dù giảm so với phiên bùng nổ trước đó, nhưng vẫn được giữ ở mức tương đối cao. Sự tích cực này cũng có công đóng góp của khối ngoại khi họ đã đẩy mạnh vào trên HOSE trong phiên sáng nay và tập trung nhiều ở nhóm VN30.

Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực chốt lời một lần nữa được gia tăng ngay từ sớm, kéo các chỉ số lùi sâu. Lúc này, cầu bắt đáy lại được khởi động nhưng không mạnh, vì vậy đà giảm của các chỉ số chỉ được thu hẹp lại.

Áp lực bán trên diện rộng, trong khi cầu mua lại không thực sự tốt nên cả 2 chỉ số dao động dưới tham chiếu trong cả phiên chiều nay. Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn được giữ ở mức cao.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 88 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index giảm 3,41 điểm (-0,6%) xuống 572,37 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 4,95 (-0,83%) xuống 589,32 điểm với 6 mã tăng và 20 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 136 triệu đơn vị, giá trị 1.923 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,4 triệu đơn vị, giá trị gần 175 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các giao dịch thỏa thuận của 2,1 triệu cổ phiếu GIL trị giá 56,7 tỷ đồng; 1,5 triệu cổ phiếu PDR ở mức giá trần trị giá 29,1 tỷ đồng và hơn 416.000 cổ phiếu VIC trị giá gần 20 tỷ đồng.

Trên HNX, với 78 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,5%) xuống 83,23 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,97 điểm (-0,61%) xuống 158,01 điểm với 4 mã tăng và 20 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,35 triệu đơn vị, giá trị 554,65 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn chỉ 7,23 tỷ đồng.

Dưới áp lực bán mạnh và trên diện rộng, không chỉ nhóm ngân hàng đảo chiều, mà nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng giảm điểm.

Với nhóm ngân hàng, chỉ còn VCB và EIB còn giữ được sắc xanh nhẹ, còn lại STB, MBB, BID và CTG đều là sắc đỏ, trong đó STB giảm mạnh nhất 500 đồng. VCB khớp lênh thấp nhất nhưng vẫn đạt hơn 1 triệu đơn vị, MBB khớp mạnh nhất nhóm với 3,5 triệu đơn vị, các mã khác đều có mức thanh khoản cao gần 3 triệu đơn vị.

Sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo ở nhóm VN30 và ở hầu hết các mã lớn như VNM, VIC, MSN, BVH, PVD, SSI, FPT... và cả ở GAS. Trong đó SSI giảm 400 đồng và khớp 2,3 triệu đơn vị.

Hai mã HVG và HSG là 2 mã tăng hiếm hoi trong nhóm này, trong đó HVG khớp 1,1 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, sắc xanh chỉ còn lại ở một vài mã như KBC, IJC, DXG, IDI, NTL thanh khoản từ 1 triệu đến hơn 2 triệu đơn vị.

Còn lại đa phần giữ sắc đỏ như FLC, CII, ITA, ASM, HAI, HAR, HHS, HQC, GTN... đều giữ sắc đỏ, thanh khoản đều trên 1 triệu đơn vị.

Riêng FLC, đợt khớp ATC giúp mã này lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản trên HOSE từ tay OGC với 14,7 triệu đơn vị được khớp.

Nhưng OGC mới thực sự là mã gây chú ý. Lượng dư bán giá trần hơn 5 triệu đơn vị trong phiên sáng bị hấp thụ hết trong phiên chiều, kéo OGC về giá sàn. Tuy nhiên, về cuối phiên, một lần nữa lực cầu mạnh đã kéo OGC lên lại mức giá trần với dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị. Thanh khoản theo đó tăng cao, đạt 14,3 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 4 của OGC.  

Một vài mã cũng có được mức tăng trần như TDC, CDO, NVT, GTT, trong đó TDC, CDO khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trên HNX, trong nhóm HNX30 chỉ còn vài mã như ACB, DBC, BII và VCG là giữ được sắc xanh. DBC tăng mạnh 2.200 đồng. VCG khớp 2,79 triệu đơn vị và tăng 200 đồng.

Còn lại các mã khác đều chìm trong sắc đỏ. SHB giảm 200 đồng và khớp 4,1 triệu đơn vị. SHS giảm 100 đồng và khớp 1,4 triệu đơn vị. SCR đứng tham chiếu và khớp 4,8 triệu đơn vị.

PVB là mã giảm mạnh nhất trong nhóm dầu khí khi mất 800 đồng. PVS giảm 400 đồng.

KLF vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 6,6 triệu đơn vị được khớp và giảm 200 đồng.

Các mã FIT, BAM, ITQ, PVX cũng đều giữ sắc đỏ, khớp lệnh cùng hơn triệu đơn vị.

SHN vẫn giữ sắc tím, nhưng lượng cung gần như cạn kiệt nên chỉ khớp thêm được vài chục nghìn cổ phiếu, đạt 1,7 triệu đơn vị.

Về giao dịch khối ngoại, phiên này họ vẫn duy trì việc mua ròng dù cường độ đã giảm. Nhóm được tập trung mua nhiều nhất vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhiều mã trong nhóm này giảm điểm. Khối ngoại mua ròng tổng cộng gần 1,9 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng hơn 18 tỷ đồng.

Không nằm ngoài dự đoán, sau những nhịp tăng khá nóng và tiến gần đến các ngưỡng kháng cự mạnh, thị trường đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, tạo điều kiện để thị trường bước vào nhịp tăng mới trong tuần giao dịch tới.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục