Phiên giao dịch chiều 27/8: Thị trường bỏ qua cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có phiên giao dịch cuối tuần đầy ấn tượng với khoảng cách điểm số cao nhất và thấp nhất trong ngày của VN-Index lên tới 20 điểm, nhiều nhà đầu tư thậm chí lãi gần 10% nếu mua vào phiên sáng.
Phiên giao dịch chiều 27/8: Thị trường bỏ qua cổ phiếu ngân hàng

Về mặt kỹ thuật, mốc hỗ trợ 1.278-1.286 của VN-Index tỏ ra hiệu quả, lực bán giảm mạnh khi đến ngưỡng này trong phiên sáng nay, và khi đó chỉ cần lực cầu xuất hiện là thị trường có phiên tăng điểm khá ấn tượng.

Dù bên mua vẫn còn khá thận trọng trước những đà xóc nảy mạnh ở trước đó, nhưng thị trường lại một lần cho thấy dòng tiền chưa hề rút đi, mà chỉ chờ những cơ hội. Trong phiên chiều sau thoáng lưỡng lự đầu giờ khi VN-Index vượt qua mốc tâm lý 1.300 điểm, dòng tiền đã vào mua quyết liệt giúp thị trường có phiên cuối tuần vui vẻ.

Điểm nhấn của phiên hôm nay chính là thanh khoản, dòng tiền quay lại khiến giá trị giao dịch trên HOSE vượt 21.000 tỷ đồng, tăng khá so với 2 phiên trước. Nhưng quan trọng hơn, dòng tiền tiếp tục lan tỏa khi số mã tăng cao hơn đáng kể so với số mã giảm giá, tiếp tục củng cố nhận định từ những phiên trước rằng thị trường đã “tạm quên” nhóm cổ phiếu ngân hàng, tác nhân chính tạo đợt sụt giảm mạnh từ cuối tuần trước.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn rất thận trọng khi đánh giá thị trường trên cơ sở diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Điều này dễ hiểu vì đây là nhóm có tỷ trọng lớn trong VN-Index, thị trường muốn tăng hay giảm cần phải rất lưu tâm tới nhóm này.

Tuy nhiên, có thể đây sẽ là một sai lầm, vì diễn biến thực tế trong đợt giảm điểm bắt đầu từ 20/8, bất chấp nhóm ngân hàng kéo giảm thị trường chung thì nhiều nhóm cổ phiếu vẫn đang viết câu chuyện riêng của mình. Trong các nhóm bất động sản, cảng biển, vật tư y tế, dệt may, dầu khí, vận tải, bán lẻ, bảo hiểm… vẫn có nhiều mã tăng rất tốt.

Điều này được xác nhận trong phiên hôm nay, nhóm kéo giảm VN-Index lớn nhất chính là ngân hàng với 8/10 cái tên trong top đầu là CTG, OCB, MBB, VIB, ACB, HDB, TCB, LPB. Phần ghi điểm cho chỉ số của khối này chỉ có 1 gương mặt trong top đầu là VCB.

Thời gian tới, những “nhà hát” HOSE và HNX có thể sẽ công diễn một vở khác so với 6 tháng đầu năm bởi không còn diễn viên chính mang tên ngân hàng.

Hôm nay cũng là phiên kết thúc tuần giao dịch. Trên đồ thị tuần, xuất hiện một cây nến giảm điểm thứ 2 liên tiếp, nhưng là một cây nến rút chân với điểm nghỉ nằm sát đường trung bình giá 20 tuần. Các tín hiệu kỹ thuật tuần chưa hoàn toàn là tích cực, tuy nhiên đã phát tín hiệu về lực bán giảm đi, và quan trọng hơn vẫn xác nhận xu thế tăng trung hạn của thị trường còn tiếp tục.

Chốt phiên, sàn HOSE có 260 mã tăng và 115 mã giảm, VN-Index tăng 12,08 điểm (+0,93%) lên 1.313,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 685 triệu đơn vị, giá trị 21.406 tỷ đồng, tăng 20,57% về lượng và 20,37% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 26 triệu đơn vị, giá trị 1.217,82 tỷ đồng.

Cũng như những phiên giao dịch gần đây, nhóm VN30-Index vẫn “chậm chân” hơn VN-Index với mức tăng chỉ hơn 6 điểm và sắc xanh phần lớn đã trở lại với 21 mã ghi nhận đà tăng và chỉ còn 8 mã giảm.

Cổ phiếu tăng mạnh nhất và góp phần khá tích cực vào việc hỗ trợ đà tăng của chỉ số chung thị trường là GVR. Mặc dù trong suốt cả phiên sáng GVR chỉ đứng dưới mốc tham chiếu nhưng sang phiên chiều, sau ít phút mở cửa, cổ phiếu này đã đảo chiều và dần nới rộng đà tăng. Kết phiên, GVR tăng 5,4% lên mức cao nhất ngày 37.400 đồng/CP, đây cũng là mã có biên độ tăng lớn nhất trong rổ VN30.

Bên cạnh GVR, nhiều mã lớn khác cũng đã hồi phục hoặc nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều Như VIC, VHM, BID, BVH, GAS, MSN, SAB…

Một cổ phiếu khác trong nhóm này cũng là điểm sáng với giao dịch bùng nổ đó là POW. Kết phiên, POW tăng 4,8% lên mức 11.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 26,37 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Xét về nhóm ngành, ở dòng bank chưa có nhiều chuyển biến với sự phân hóa nhẹ. Bên cạnh VCB vẫn giữ mức tăng hơn 1%, nhiều mã cũng đã hồi phục sắc xanh như BID, VPB, STB, MSB, EIB dù biên độ tăng khá hạn chế chỉ trên dưới 1%, trong khi CTG, TCB, MBB, ACB, VIB, HDB, TPB, OCB, LPB giảm nhẹ.

Nhóm chứng khoán phát đi tín hiệu khá tích cực khi đồng loạt đều hồi phục từ các mã lớn đầu ngành như HCM và VCI tăng hơn 2%, SSI nhích nhẹ 0,2%, đến các mã AGR, APG, FTS, TVB, VDS, CTS đều có được sắc xanh. Đặc biệt, VIX sau thông tin chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và thực hiện quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/CP, cổ phiếu này đã có được sắc tím khi kết phiên tăng 6,8% lên mức 28.100 đồng/CP.

Trong ngành tài chính, nhóm cổ phiếu bảo hiểm tỏa sáng nhất với các mã như MIG và BIC cùng kết phiên trong trạng thái trắng bên bán và tăng kịch trần, ABI tăng 10% lên mức 65.000 đồng/CP, cổ phiếu lớn BVH cũng nới rộng biên độ khi tăng 1,5% lên 53.400 đồng/CP.

Ở nhóm bất động sản và xây dựng, bên cạnh các mã lớn như VIC, VHM, NVL, nhiều mã ở top sau đã lần lượt nới rộng biên độ tăng mạnh, điển hình như KBC tăng 5,9% lên 39.400 đồng/CP, DIG tăng 3,5% lên 33.700 đồng/CP, IJC tăng 4,8% lên 27/200 đồng/CP, FCN tăng 5% lên 13.750 đồng/CP, HBC tăng 3,6% lên 14.500 đồng/CP, NTL tăng 4,9% lên 34.000 đồng/CP…, hay các mã LCG, BCG, HT1, ASM, BCC tăng kịch trần.

Trong nhóm cổ phiếu dược, các mã DHG, AMV, DBT, DMC đều giữ vững sắc tím khi kết phiên, cùng các mã IMP tăng sát trần 6,9% lên mức 73.300 đồng/CP, DCL tăng 5,3% lên 43.700 đồng/CP, DHT tăng 4,9% lên 49.300 đồng/CP…

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu khác như công nghệ thông tin, bán lẻ, tiện ích, sản xuất sắc xanh cũng lan tỏa, cùng các điểm sáng trong nhóm điện như NT2, PC1, PPC đua nhau tăng trần.

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên rung lắc và diễn biến lình xình nhẹ ở vùng tham chiếu, thị trường cũng bật mạnh đi lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ dòng tiền sôi động.

Đóng cửa, sàn HNX có 132 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 1,94 điểm (+0,58%), lên 338,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 133,78 triệu đơn vị, giá trị 2.988,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,68 triệu đơn vị, giá trị 159,81 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 phần lớn đã lấy lại sắc xanh, ngoại trừ một số mã chi phối ít hơn tới chỉ số chung của thị trường còn điều chỉnh nhẹ cùng SHB vẫn giữ mức giảm nhẹ 1,1% xuống 27.900 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với 12,12 triệu đơn vị khớp lệnh.

Mặc dù hầu hết các cổ phiếu chứng khoán trên thị trường chung đều đã khởi sắc trở lại nhưng vẫn còn một vài mã chưa thoát xu hướng điều chỉnh nhẹ như VND giảm 0,4% và kết phiên tại mức 50.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 9,44 triệu đơn vị.

Trái lại, nhiều mã như SHS, PVS, LAS, NVB, MBS, BVS… đều đã hồi phục sắc xanh với mức tăng chủ yếu hơn 1%.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng tiếp sức cho đà tăng của thị trường như IDC tăng 4,1% lên 38.100 đồng/CP, PAN tăng 2,2% lên 28.200 đồng/CP, PVI tăng 6,7% lên 44.300 đồng/CP, PHP tăng 1% lên 31.200 đồng/CP…

Trên UPCoM, thị trường cũng diễn biến tích cực càng về cuối phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,63%), lên 92,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 118,55 triệu đơn vị, giá trị 1.628,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 34,66 tỷ đồng.

Sau tín hiệu tích trong phiên giao dịch sáng, cổ phiếu LMH nhanh chóng được kéo trần trong phiên chiều, lên mức giá 8.900 đồng/CP cùng thanh khoản đột biến, lên tới hơn 10,9 triệu đơn vị được giao dịch thành công, dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM.

Bên cạnh đó, BSR cũng đã le lói sắc xanh khi kết phiên tăng nhẹ 0,6% lên mức 17.600 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 2 trên sàn, đạt 7,81 triệu đơn vị.

Một trong những mã đáng chú ý khác là HHV đã hồi phục và tăng khá tốt lên mức giá 20.800 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt 6,73 triệu đơn vị.

Trong khi đó, DDV có phần đuối sức và kém sôi động hơn trong phiên chiều khi kết phiên tăng 5,4% lên mức 19.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai phiên này đều hồi phục, với VN30F21019 tăng 13,3 điểm, tương ứng tăng 0,9% lên 1.420 điểm, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 351.830 đơn vị, khối lượng mở hơn 37.430 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo, nhưng mã khớp lệnh cao nhất với hơn 1,12 triệu đơn vị là CHPG2111 lại tăng 11,4% lên 1.850 đồng/CP. Tiếp theo là CFPT2105 tăng 20,6% lên 4.040 đồng/CQ, khớp 267.700 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục