Giao dịch chứng khoán sáng 27/8: Lực cầu tăng mạnh, thị trường tìm lại thăng bằng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu gia tăng mạnh cuối phiên đã giúp thị trường bật mạnh đi lên và tiến sát vùng giá tham chiếu. Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu dược phẩm và tiện ích.
Giao dịch chứng khoán sáng 27/8: Lực cầu tăng mạnh, thị trường tìm lại thăng bằng

Mặc dù trong phiên giao dịch hôm qua ngày 26/8, mốc hỗ trợ 1.300 điểm đã phát huy hiệu quả nhưng với bối cảnh thị trường thiếu thông tin hỗ trợ cùng dòng tiền dường như đang “mất hút” khiến thị trường tiếp tục phát đi những tín hiệu kém tích cực.

Theo các phân tích thì, xu hướng giảm điểm vẫn chiếm ưu thế hơn, nếu không có sự hỗ trợ từ thanh khoản ở nhóm bluechips thì khả năng tăng điểm cũng chỉ là những phiên hồi kỹ thuật. Chiều hướng giảm, VN-Index có thể test ngưỡng hỗ trợ 1.278 - 1.286 điểm, mức Fibonacci thoái lui 0,618.

Trong trường hợp xấu hơn, các mã vốn hóa lớn không nhận được dòng tiền đáng kể mua vào thì thị trường có thể giảm sâu hơn các ngưỡng nói trên. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội mua gom dần bởi xu hướng trung hạn của thị trường vẫn là tăng điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 27/8, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ trước áp lực bán vẫn duy trì trên diện rộng. Mốc 1.300 điểm vốn được cho là mốc hỗ trợ cứng của thị trường trở nên mong manh và dễ bị phá vỡ hơn sau phiên mất điểm hôm qua.

Chỉ số VN-Index nhanh chóng rơi xuống sát ngưỡng 1.290 điểm ngay khi mở cửa với hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi chỉ còn vài ba mã giao dịch trên mốc tham chiếu.

Xét về các nhóm ngành, bộ 3 trụ cột chính là bank – chứng – thép đều trong xu hướng giảm chung của thị trường. Trong đó, dòng bank vẫn là điểm trừ lớn nhất của thị trường khi đồng loạt đều bị bán ra, đáng kể các mã lớn như TCB, CTG, BID giảm trên dưới 2%, VPB và VCB giảm gần 1%, các mã khác như HDB, ACB, VIB giảm sâu hơn.

Bên cạnh đó, điểm sáng trong phiên hôm qua là nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón nhanh chóng đuối sức trong phiên hôm nay với các mã DPM, DCM, BFC… rung lắc và đảo chiều giảm.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển vẫn là điểm sáng của thị trường dù sức nóng đã giảm nhiệt, điển hình như GMD, SFI rung lắc và sau khoảng 1 giờ giao dịch chỉ có được sắc xanh nhạt, hay STG đang để mất gần 2%, trong khi đó, VOS tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên mức giá 14.450 đồng/CP với giao dịch sôi động ngay từ đầu phiên và hiện khớp lệnh gần 6 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần gần 1,7 triệu đơn vị.

Mặc dù có thời điểm giảm khá sâu về mốc 1.285 điểm, nhưng lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên giúp thị trường cân bằng hơn. Chỉ số VN-Index bật ngược đi lên và tiến sát về vùng giá tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 1,58 điểm (-0,12%) xuống 1.299,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 372 triệu đơn vị, giá trị 11.395,51 tỷ đồng, tăng 37,17% về khối lượng và 28,16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,4 triệu đơn vị, giá trị 298,68 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng bớt tiêu cực hơn khi cổ phiếu đầu ngành VCB đã lấy lại sắc xanh, ghi nhận mức tăng hơn 1%, ngoài ra EIB tăng hơn 2%, VPB lấy lại mốc tham chiếu, còn lại chủ yếu vẫn giao dịch trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm đã được thu hẹp với các mã BID, CTG, TCB, MBB, ACB, STB, MSB, SSB, OCB, TPB giảm nhẹ trên dưới 1%, chỉ HDB, LPB giảm hơn 2%.

Nhóm chứng khoán cũng đã trở nên cân bằng hơn. Ngoài APG và VIX nới rộng biên độ, các mã khác như AGR, CTS, VIG, WSS, HAC cũng đã có được sắc xanh, hay các mã khác như VCI, IVS, EVS, BSI, AAS trở lại mốc tham chiếu.

Nhóm bảo hiểm có thể là điểm sáng của ngành tài chính. Bên cạnh BVH tăng nhẹ gần 1%, các mã khác như BIC tăng trần, BMI tăng 3,2% lên 34.000 đồng/CP, ABI tăng 5,6% lên 62.400 đồng/CP…

Trong khi đó, nhóm bất động sản và xây dựng khá phân hóa với các mã lớn đầu ngành như VIC, VHM, NVL, BCM đang điều chỉnh nhẹ, trong khi KBC, DIG, LCG, ASM, DXG… tăng khá tốt.

Điểm sáng trong phiên hôm qua là nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất và cảng biển tiếp tục diễn biến trái chiều. Trong khi hầu hết các cổ phiếu phân bón như DPM, DCM, BFC, LAS đều đảo chiều giảm, thì ở nhóm cảng biển vẫn giữ được đà tăng, trong đó GMD tăng nhẹ, HAH và VTO tăng 2-3%, VOS duy trì sắc tím khá vững với khối lượng dư mua trần 1,57 triệu đơn vị.

Một trong những điểm sáng khác của thị trường là nhóm tiện ích và dược phẩm. Trong đó, nhóm dược phẩm với các mã như DMC, DB, DHG tăng kịch trần, AMV tăng 8,3% lên 11.800 đồng/CP, IMP tăng 6,1% lên 72.800 đồng/CP, DCL tăng 4,6% lên 43.400 đồng/CP, DHT tăng 5,3% lên 49.500 đồng/CP…

Ở nhóm tiện tích, điển hình như REE tăng 4,5% lên 64.900 đồng/CP, BTW tăng trần, BWE tăng hơn 2%, DNC tăng 9,8% lên sát mức giá trần 57.100 đồng/CP…

Nhóm tác động mạnh nhất tới chỉ số chung của thị trường là VN30 bớt tiêu cực hơn khi chỉ còn giảm hơn 6 điểm với 9 mã tăng và 18 mã giảm. Bên cạnh các mã lớn như BVH, GAS, MSN, MWG, VRE, PLX tăng nhẹ, cổ phiếu POW là điểm sáng của rổ này với giao dịch khá bùng nổ cả về giá và thanh khoản.

Tạm chốt phiên sáng nay, POW tăng 5,3% lên mức 11.95 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên mức 20,18 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.

Trên sàn HNX, lực cầu tăng mạnh cuối phiên cũng giúp thị trường hãm đà rơi mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 70 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 1,38 điểm (-0,41%) xuống 335,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,66 triệu đơn vị, giá trị 1.508,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,15 triệu đơn vị, giá trị 99,33 tỷ đồng.

Các mã lớn trong nhóm ngân hàng và chứng khoán vẫn là gánh nặng chính lên thị trường khi chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh. Trong đó, điển hình là cặp đôi SHB và VND dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 6 triệu đơn vị và 5,38 triệu đơn vị, đều tạm chốt phiên sáng giảm hơn 1%.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác như VCS, NTP, SHS, BAB, DXS… vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trái lại, một số mã lớn đảo chiều thành công như PVS, IDC, PAN… đã hỗ trợ giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Cổ phiếu dệt may TNG cũng là một trong những mã tăng tốt của rổ HNX30 khi chốt phiên sáng nay tiếp tục tăng 3,5% lên mức 32.300 đồng/CP.

Một trong những mã đáng chú ý trên HNX là BII khi xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên mức giá 14.000 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt 3,93 triệu đơn vị chỉ trong phiên sáng nay, gấp 5,5 lần so với cả phiên giao dịch hôm qua ngày 26/8.

Trên UPCoM, thị trường cũng cân bằng hơn về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index chỉ còn giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,13%) xuống 91,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,18 triệu đơn vị, giá trị 815,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,41 triệu đơn vị, giá trị 7,38 tỷ đồng.

Cũng thuộc nhóm ngành dược, cổ phiếu DVN có phiên giao dịch khởi sắc khi có thời điểm được kéo kịch trần và chốt phiên tăng 12,6% lên mức 26.900 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt 2,36 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một trong những mã đáng chú ý trên UPCoM trong thời gian gần đây là DDV. Sau vài phiên tích lũy quanh vùng giá 16, cổ phiếu DDV đã tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 19.600 đồng/CP, tăng 5,9%, sau phiên tăng gần sát mức giá trần ngày hôm qua 26/8.

Ấn tượng nhất thuộc về LMH. Mặc dù mở cửa đỏ điểm và có thời điểm bị kéo về mức giá sàn nhưng dường như thông tin tích cực từ việc Chủ tịch HĐQT đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu, đã giúp LMH đảo chiều tăng mạnh. Tạm chốt phiên sáng nay, LMH tăng 5,1% lên mức giá 8.500 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt 6,37 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản UPCoM.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục