Phiên giao dịch chiều 21/5: Cổ phiếu bất động sản nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác phân hóa, lình xình, thì nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ nổi sóng trong phiên giao dịch chiều với nhiều sắc tím xuất hiện trên bảng điện tử.
Phiên giao dịch chiều 21/5: Cổ phiếu bất động sản nổi sóng

Trong phiên giao dịch sáng, tiếp nối đà hứng khởi của phiên giao dịch hôm qua (20/5), thị trường mở cửa với sắc xanh chiếm thế chủ đạo, VN-Index tăng hơn 15 điểm, vượt qua mốc 1.330 điểm. Tuy nhiên, sau đó áp lực chốt lời gia tăng đã đẩy chỉ số này quay đầu, có lúc xuống dưới tham chiếu trước khi bước vào giờ nghỉ trưa với sắc xanh nhạt.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt đà tăng mạnh nửa đầu phiên sáng đều hạ nhiệt hoặc quay đầu giảm, dù mức giảm không lớn, trong đó STB không còn duy trì được sắc tím, dù có thời điểm còn dư mua giá trần tới 6,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm dẫn dắt dòng tiền khi Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất có tới 4 mã ngân hàng.

Trụ đỡ của thị trường trong các phiên gần đây là các các cổ phiếu họ Vingroup cũng hạ nhiệt với VHM mất sắc tím, VIC, VRE, VPL đều quay đầu giảm.

Các nhóm dẫn dắt khác như bất động sản, chứng khoán, thép đều có sự phân hóa nhưng chủ yếu giằng co quanh tham chiếu.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VHM nổi sóng trở lại, lên mức kịch trần 67.300 đồng, sau đó dòng tiền bắt đầu lan tỏa dần ra các nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng khác, kéo theo nhiều mã bứt tốc, tăng vọt lên mức kịch trần như NVL (lên 12.650 đồng), VCG (23.350 đồng), TEG (5.370 đồng), CII (15.200 đồng), GEX (32.500 đồng). Tất cả đều còn dư mua giá trần, trong đó còn dư mua nhiều nhất là GEX hơn 8 triệu cổ phiếu, NVL còn dư mua trần 7,55 triệu cổ phiếu, VCG còn dư mua trần 1,57 triệu cổ phiếu, CII hơn 1,33 triệu cổ phiếu… Trong khi đó, VIC cũng đảo chiều lấy lại sắc xanh với mức tăng 2,19%, lên 93.500 đồng. Nhiều mã khác trong nhóm cũng có mức tăng mạnh hơn 3% như LHG, HDG, VRC, CCI. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, CTD giảm mạnh nhất 3,55% xuống 78.800 đồng, các mã giảm hơn 2% có CCL, QCG, HPX, CIG, KBC cũng giảm 1,67% xuống 26.450 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, STB vẫn giữ được mức tăng tốt như phiên sáng, đóng cửa tăng 5,82% lên 41.800 đồng, vượt trội so với phần còn lại khi 3 mã tăng mạnh tiếp theo chỉ tăng hơn 1% là EIB tăng 1,76%, lên 20.250 đồng, VPB tăng 1,37% lên 18.450 đồng và SHB đảo chiều tăng 1,12% lên 25.050 đồng. MBB, HDB và ACB cũng có được sắc xanh, trong khi BID, MSN, NAB, TPB, VCB và VIB đứng tham chiếu, số còn lại giảm nhẹ, trong đó mạnh nhất là LPB giảm 1,21% xuống 32.550 đồng.

Trong nhóm công ty chứng khoán, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng mức giảm không mạnh, trong đó giảm lớn nhất là ORS giảm 2,28% xuống 8.580 đồng, tiếp đến là VDS giảm 1,67% xuống 14.700 đồng, số khác chỉ giảm nhẹ. Trong 5 mã tăng, APG tăng mạnh nhất 2,12% lên 12.050 đồng, VND tiếp theo tăng 1,65% lên 15.400 đồng, VIX tăng 0,75% lên 13.400 đồng, TVB tăng 0,68% lên 7.430 đồng và VCI tăng 0,14% lên 37.000 đồng.

Nhóm thép cũng chỉ có 3 sắc xanh tại HSG (tăng 0,61% lên 16.400 đồng), HPG (tăng 0,39% lên 25.750 đồng) và VCA (tăng 0,10% lên 10.000 đồng), số còn lại giảm nhẹ.

Trong các mã đơn lẻ, HVN của Vietnam Airlines hôm nay cũng bất ngờ cất cánh khi đóng cửa ở mức kịch trần 36.450 đồng, khớp hơn 7 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,28 triệu đơn vị.

Một mã khác cũng gây ấn tượng là HAH của Hải An cũng tăng kịch trần lên 75.400 đồng, khớp gần 3,25 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, dù nhóm bất động sản nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền và nhiều mã nổi sóng chiều nay, nhưng nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về thanh khoản. Trong đó, lớn nhất là SHB khớp 78,34 triệu đơn vị, VPB khớp 68,31 triệu đơn vị, VIX khớp 49,4 triệu đơn vị, STB khớp 39,1 triệu đơn vị. Sau 3 mã ngân hàng – chứng khoán này là 3 mã bất động sản là NVL khớp 36,23 triệu đơn vị, CII khớp 35,85 triệu đơn vị và VCG khớp 32,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, GEX khớp 22,25 triệu đơn vị và VHM khớp 14,97 triệu đơn vị.

Sự trở lại của VHM, VIC và nhóm bất động sản đã giúp VN-Index nới rộng đà tăng, nhưng không quá mạnh khi không nhận được sự đồng thuận từ các nhóm dẫn dắt khác.

Chốt phiên, VN-Index tăng 7,9 điểm (+0,60%), lên 1.323,05 điểm với 137 mã tăng và 183 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.065,4 triệu đơn vị, giá trị 25.241,2 tỷ đồng, tăng 11,8% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 91 triệu đơn vị, giá trị 2.620,9 tỷ đồng.

Trong khi VHM khởi sắc trở lại, VIC cũng tìm lại được sắc xanh, thì 2 mã cổ phiếu khác trong họ Vingroup là VRE và VPL vẫn giảm, dù đà giảm được hãm bớt. Trong đó, VRE giảm nhẹ 0,19% xuống 25.750 đồng, VPL cũng chỉ còn giảm 1,51% xuống 98.000 đồng, dù có lúc giảm 3,8%.

Các mã cổ phiếu trong nhóm Bamboo Capital là BCG và TCD vẫn án binh ở mức sàn 3.070 đồng, khớp 26,95 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 8 triệu đơn vị và 2.210 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 3,14 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX cũng đã nỗ lực phục hồi trở lại theo tín hiệu tích cực trên sàn HOSE. Tuy nhiên, khi vừa chạm tới tham chiếu, lực cầu yếu khiến chỉ số này không thể có sắc xanh khi đóng cửa phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,11%), xuống 217,46 điểm với 65 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,1 triệu đơn vị, giá trị 1.061,7 tỷ đồng, tăng 20,9% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 4,4 triệu đơn vị, giá trị 54,7 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất HNX vẫn là SHS (15,2 triệu) và CEO (8,91 triệu đơn vị) đã trở lại tham chiếu sau khi giảm nhẹ trong phiên sáng.

Trong nhóm có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, ngoài SVN (5.500 đồng), có thêm DST đóng cửa ở mức kịch trần 6.600 đồng, trong đó SVN còn dư mua trần hơn 1,47 triệu đơn vị.

UPCoM lại lội ngược dòng thành công trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,15%), lên 95,83 điểm với 150 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,6 triệu đơn vị, giá trị 820 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng 25 triệu đơn vị, giá trị 301,3 tỷ đồng.

Cũng giống BCG, TCD các mã trong hệ sinh thái Bamboo Capital trên UPCoM vẫn duy trì mức giảm mạnh như phiên sáng, trong đó BCR giảm kịch sàn về 2.300 đồng, khớp 9,75 triệu đơn vị, dẫn đầu UPCoM. Trong khi BGE lại thu hẹp đà giảm khi đóng cửa chỉ còn giảm 4,08% xuống 4.700 đồng, khớp 1,86 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, ngoài BCR, cổ phiếu ngân hàng hút tiền khi 3 mã đứng sau đều 3 mã trong nhóm này là BVB (5,15 triệu), VAB (3,82 triệu) và ABB (2,96 triệu). Cả 3 mã này đều đóng cửa tăng giá, lần lượt là 2,44% lên 12.600 đồng, 6,56% lên 13.000 đồng và 1,32% lên 7.700 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng thấp hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 6 là VN30F2506 tăng 6,5 điểm (+0,46%), lên 1.414,5 điểm (VN30-Index tăng 0,84% lên 1.419,36 điểm) với 186.564 hợp đồng được giao dịch, tương ứng giá trị 26.387,9 tỷ đồng; khối lượng mở 51.997 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 2 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị, đều do SSI phát hành và đều đóng cửa giảm, trong đó CACB2504 giảm sàn 50% xuống 10 đồng, còn CHPG2508 giảm 1,54% xuống 1.280 đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay có khối lượng giao dịch hơn 2 triệu đơn vị, giá trị gần 3.078 tỷ đồng. Trong đó, mã có giá trị giao dịch lớn nhất là TNU12101 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH với 807,7 tỷ đồng, tương ứng 8.000 trái phiếu. Tiếp đến là CPL12301 của Công ty TNHH Capitaland Tower với 509,1 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 5.000 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục