
Dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa lớn
Tuần qua, VN-Index tăng hơn 34 điểm, vượt 1.300 điểm, mốc tâm lý then chốt. Thanh khoản cũng cải thiện rõ rệt, cho thấy dòng tiền tham gia mạnh mẽ.
Sắc xanh trải khắp các nhóm ngành. Trong đó, ngân hàng là tâm điểm, thay thế bất động sản để dẫn dắt thị trường. Các mã TCB, VPB, BID, CTG và VCB đóng góp gần 13 điểm cho chỉ số chung. Bên cạnh đó, nhiều nhóm ngành khác luân phiên khởi sắc như công nghệ, bán lẻ, chứng khoán, xây dựng, hóa chất, đầu tư công, góp phần mở rộng đà tăng trên thị trường. Mã VPL của Vinpearl, doanh nghiệp mới lên sàn, có 3 phiên tăng trần liên tiếp, tạo điểm nhấn không nhỏ trong tuần qua. Tuy nhiên, nhóm bất động sản bắt đầu có dấu hiệu chững lại. VHM và VRE chịu áp lực bán mạnh, kéo chỉ số giảm hơn 4 điểm.
Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ xu hướng tăng khi mua ròng khá mạnh trong tuần. Dòng tiền tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng và VN30, nổi bật là các mã FPT, MBB, MWG, PNJ, VPB, CTG, SHB. Ở chiều ngược lại, VHM, VCB, VRE và GEX là những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.
![]() |
Đà tăng của thị trường đang được duy trì nhờ sự tham gia tích cực của nhóm vốn hóa lớn và dòng vốn ngoại. Mặc dù vậy, sau chuỗi tăng kéo dài hơn hai tuần mà chưa có các phiên điều chỉnh đủ sâu, việc chỉ số tiệm cận vùng cản kỹ thuật quanh 1.320 điểm đồng nghĩa với rủi ro ngắn hạn gia tăng. Hiện tại, thị trường có dấu hiệu sẽ điều chỉnh để kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.278 - 1.300 điểm. Nếu giữ vững vùng này, nhiều khả năng VN-Index sẽ thiết lập lại sự cân bằng và bước vào xu hướng tăng mới.
Bất động sản công nghiệp đáng quan tâm
Việc Mỹ gần đây đạt được thỏa thuận thuế quan song phương với một số nền kinh tế lớn cho thấy chính quyền Washington đang dần chuyển từ đối đầu thương mại sang đàm phán có điều kiện. Đây là tín hiệu tích cực cho triển vọng hạ nhiệt căng thẳng thuế quan toàn cầu và mở ra khả năng thiết lập các hiệp ước song phương mới, trong đó Việt Nam là một đối tác tiềm năng.
Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán với Mỹ liên quan đến cơ chế thuế đối ứng. Bối cảnh này khiến dòng vốn FDI mới ghi nhận tình trạng chững lại, khi nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả đàm phán cuối cùng để đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu kịch bản Việt Nam đạt được thỏa thuận với mức thuế 15 - 20%, đây có thể xem là một mức thuế “chấp nhận được”, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng hiện tại (trên 25%), giúp hàng hóa Việt Nam giữ lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Trung Quốc và Mexico.
Quan trọng hơn, kịch bản mức thuế 15 - 20% có thể trở thành cú huých niềm tin, thúc đẩy dòng vốn FDI quay trở lại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, thiết bị công nghiệp, logistics và hạ tầng phụ trợ.
Trong bối cảnh đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vốn đang chịu áp lực định giá thấp do tâm lý tiêu cực từ thông tin thuế quan, có thể sẽ dẫn dắt nhịp hồi phục mạnh mẽ nếu thỏa thuận được ký kết. Với mặt bằng giá cổ phiếu hấp dẫn, quỹ đất lớn và vị trí chiến lược, nhóm này sẽ được hưởng lợi kép từ sự phục hồi đầu tư và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.