Sang phiên chiều, áp lực bán diễn ra trên diện rộng, đặc biệt trong đợt khớp ATC khiến đồ thị của VN-Index rơi thẳng đứng. Nhóm cổ phiếu trụ cột bluechip cũng lần lượt xuống dưới mốc tham chiếu là lực cản kéo thị trường giảm sâu hơn.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 179 mã giảm và chỉ 56 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 5,29 điểm (-0,89%) xuống 588,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 160,14 triệu đơn vị, trị giá 2.662,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2,3 triệu đơn vị, trị giá 40,33 tỷ đồng. VN30-Index giảm 5,06 điểm (-0,8%) xuống 623,74 điểm với 23 mã giảm và chỉ 5 mã tăng, 2 mã đứng giá.
Tương tự, trên sàn HNX cũng có tới 144 mã giảm và chỉ 63 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 1,29 điểm (-1,43%) xuống 89,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,17 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.053,01 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 9,81 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 2,78 điểm (-1,52%) xuống 180,28 điểm với 25 mã giảm, chỉ 3 mã tăng và 2 mã đứng giá.
Trên sàn HOSE, MSN, VCB đang tăng khá tích cực nhưng cũng không thể chống đỡ được đà giảm mạnh của các trụ cột như GAS giảm 2.500 đồng/CP, KDC và PVD cùng giảm 3.000 đồng/CP, VIC, SSI, HCM, BVH….
Trong khi đó, thông tin từ ngày 05/11/2014 đến ngày 17/11/2014, CTCP Chứng khoán Đại Dương đã bán giải chấp 35.773.640 cổ phiếu OGC thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (tổ chức có liên quan với ông Hà Văn Thắm, Nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương) vừa được HOSE công bố nhưng không tác động nhiều đến cổ phiếu OGC. Cùng chịu áp lực bán chung của thị trường, OGC đã không giữ được mốc tham chiếu mà giảm nhẹ 100 đồng xuống 9.100 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị.
Nếu phiên giao dịch hôm qua, lực cầu mạnh và giúp FLC tìm tới sắc tím với giao dịch khủng thì sang phiên hôm nay, áp lực đẩy bán một lần nữa kéo cổ phiếu này lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu FLC vẫn sôi đồn với khối lượng khớp lệnh hơn 33,16 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 300 đồng xuống 12.800 đồng/CP.
Bên cạnh FLC, các cổ phiếu trong nhóm bất động sản khác cũng hấp thụ dòng tiền khá mạnh, tuy nhiên giá của các cổ phiếu này vẫn tiếp tục giảm do áp lực bán ra trên diện rộng như KBC, HAR, HQC, ITA…
Điểm đáng chú ý khác trên sàn HOSE chính là VHG. Áp lực chốt lời mạnh đã kéo cổ phiếu VHG từ mốc tham chiếu xuống thẳng giá sàn. Tuy nhiên, với mức giá cổ phiếu xuống thấp, lực cầu hấp thụ cũng gia tăng mạnh. Nếu phiên trước, mọi con mắt chỉ đổ dồn vào FLC thì trong phiên cuối tuần, dòng tiền đã dịch chuyển một phần không nhỏ sang cổ phiếu VHG giúp thanh khoản tăng đột biến với 12,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Áp lực bán gia tăng mạnh cũng truyền sang sàn HNX khiến đồng loạt biến chuyển sắc đỏ. Hầu hết bảng điện tử đều nhuốm đỏ, trong đó, đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip là lực cản chính của thị trường. Cụ thể, PVS giảm tới 900 đồng/Cp, PVC giảm 1.500 đồng, SCR giảm 500 đồng, BVS, VND, ACB, PVX cũng lần lượt giảm từ 100-300 đồng/CP.
Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX tiếp tục thuộc về KLF với khối lượng khớp lệnh đạt gần 19 triệu đơn vị và đóng cửa, KLF giảm 300 đồng xuống 15.000 đồng/Cp.