Thị trường đã trở lại bình tâm hơn sau cơn loạn nhịp bởi thông tin điều chỉnh tỷ giá được phát ra từ Ngân hàng Nhà nước vào tối ngày 18/6. Cụ thể, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng 1% từ 21.036 đồng/USD lên 21.246 đồng/USD kể từ ngày 19/6.
Theo NHNN, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm và tỷ giá đã duy trì ổn định trong gần 1 năm qua nên việc điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Với thông tin tăng tỷ giá, bên nắm giữ cổ phiếu đã ồ ạt bán ra, kéo thị trường giảm mạnh trong phiên sáng, có lúc VN-Index mất hơn 10 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy cũng tận dụng cơ hội này chảy vào rất mạnh, nên sau đó, vào nửa cuối phiên sáng, bên bán đã dịu lại, giúp thị trường hãm thu hẹp số điểm bị mất.
Bước vào phiên giao dịch chiều, cung giá thấp tiếp tục bị tiết giảm, giúp nhiều mã trên 2 sàn hồi phục tăng trở lại, tuy nhiên, bên mua cũng không quá vội vàng, khiến diễn biến thị trường không sôi động như phiên sáng.
Đóng cửa, VN-Index giảm 2,68 điểm (-0,47%) xuống 567,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 124,33 triệu đơn vị, trị giá 1.761,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,32 triệu đơn vị, trị giá 107,36 tỷ đồng. HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,54%) xuống 76,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch 68,66 triệu đơn vị, trị giá 690,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,57 triệu đơn vị, trị giá hơn 32 tỷ đồng. Riêng SHB thỏa thuận 1,16 triệu đơn vị ở mức giá tham chiếu 9.200 đồng/Cp đem lại tổng giá trị 29,95 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30 hầu hết vẫn giảm điểm. Trong nhóm VN30 có tới 20 mã giảm và chỉ 4 mã tăng, đóng cửa VN30-Index giảm 4,79 điểm (-0,77%) xuống 613,82 điểm. Trong khi HNX30-Index giảm 1,13 điểm (-0,73%) xuống 152,98 điểm với 20 mã giảm và chỉ 2 mã tăng.
GAS vẫn là trụ cột chính nâng đỡ sàn HOSE với mức tăng duy trì hơn 0,95% đứng giá 105.000 đồng/CP. Trong khi đó, các cổ phiếu lớn khác gồm MSN, VIC và VNM giảm điểm khá mạnh đã kìm hãm đà tăng của chỉ số Vn-Index khiến chỉ số này không thể vượt qua được mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm hút dòng tiền với sự dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE là FLC. Áp lực bán giá thấp đã bắt đầu giảm khiến cổ phiếu FLC có lúc bật tăng trên mốc tham chiếu, tuy nhiên, bên mua vẫn chủ yếu đặt lệnh mua giá đỏ khiến FLC đóng cửa vẫn giảm nhẹ. Hiện FLC giảm 0,93% xuống 10.800 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 12,95 triệu đơn vị.
HQC cũng không thua kém với lực cầu đã giúp cổ phiếu lấy lại được mốc tham chiếu và có thêm gần 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công trong phiên chiều nâng tổng khối lượng khớp lệnh của HQC lên 7,34 triệu đơn vị. Tương tự, ITA cũng đã hãm đà giảm điểm và chỉ đứng dưới mốc tham chiếu một bước giá với lượng khớp gần 6,92 triệu đơn vị.
Ngoài các cổ phiếu hấp thụ mạnh dòng tiền trên, trong nhóm còn có các cổ phiếu khác cũng có khối lượng khớp khá cao như DLG (2,45 triệu đơn vị), HAR (2,4 triệu đơn vị)…
Bên cạnh VNE tiếp tục nhà đầu tư săn đón với lượng dư mua trần còn gần 810.000 đơn vị và khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,16 triệu đơn vị, trên sàn HOSE còn xuất hiện thêm cổ phiếu nóng là ATA. Lực cầu mạnh đã kéo cổ phiếu ATA từ mức giá sàn lên thẳng trần và đóng cửa trong sắc tím với mức giá 7.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,61 triệu đơn vị.
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vẫn giữ nhiệt với tâm điểm là STB trên sàn HOSE và PVS trên sàn HNX. Cụ thể, khối này đã mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu STB và hơn 841.000 cổ phiếu PVS.
Trên sàn HNX, bên cạnh PVX vẫn giữ được sắc vàng thì PVS nhờ lực cầu ngoại mạnh cũng đã giúp cổ phiếu lấy lại được mốc tham chiếu.
Thanh khoản trên sàn HNX với sự dẫn đầu của KLF với khối lượng khớp đạt gần 8,4 triệu đơn vị, PVX lùi về vị trí thứ hai với hơn 7,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công..
Điểm tích cực trên sàn chính là PVC, trong khi hầu hết các bluechip đang giao dịch dưới mốc tham chiếu thì cổ phiếu này tăng điểm khá mạnh. Đóng cửa, PVC tăng 2,98% lên 16.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,15 triệu đơn vị.