Phiên giao dịch chiều 19/11: Cổ phiếu đầu cơ đua nhau tăng trần

(ĐTCK) Dù nỗ lực hồi phục khá tốt trong suốt phiên giao dịch chiều, nhưng áp lực bán trong đợt khớp ATC đã kéo thị trường đảo chiều, chỉ số Vn-Index lùi về sát mốc 600 điểm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phiên chiều là nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ đua nhau tăng trần.

Bước vào phiên giao dịch chiều nay, điểm sáng là các cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhiều mã trong nhóm đã đua nhau kéo trần, mở ra cánh đồng tím trên thị trường. Tuy nhiên, diễn biến thiếu tích cực ở các mã bluechip là tác nhân chính khiến xu thế diễn biến lình xình của thị trường tiếp diễn.

Bản tin tài chính trưa
 
(Nguồn: VTV)

Sau khi lình xình đi ngang và không thể bứt lên mốc 605 điểm, thị trường đã chịu áp lực bán mạnh trong đợt khớp ATC khiến chỉ số VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, chỉ số Vn-Index giảm 1,44 điểm (-0,24%) xuống 601,9 điểm với thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước đạt 122,67 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.021,47 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,43 triệu đơn vị, trị giá 136,33 tỷ đồng.

Nếu trong phiên giao dịch sáng, sự trở lại mốc tham chiếu của nhiều cổ phiếu lớn đã giúp thị trường cân bằng hơn và lấy lại sắc xanh thì sang phiên chiều, cán cân đã mất thăng bằng, kéo thị trường đi xuống. Trong nhóm Vn30 có tới 16 mã giảm, chỉ 6 mã tăng và 8 mã đứng giá, chỉ số Vn30-Index giảm 3,2 điểm (-0,52%) xuống 609,05 điểm.

Đáng chú ý, ông lớn VNM đã không đủ sức cầm cự và rơi xuống mức giá thấp nhất trong phiên với mức giảm 1,52%. Ngoài ra, sắc đỏ của các mã khác như FPT, VIC, VCB, SSI, HCM, HPG… đã góp sức kéo thị trường đi xuống.

Ngoài VCB, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng như STB, MBB, CTG cũng đã rớt giá, chỉ còn BID và EIB giữ được mốc tham chiếu.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu hỗ trợ thị trường, BVH không còn giữ đà tăng mạnh như phiên sáng và lùi về mức tăng 0,88%; cặp đôi PVD và GAS không còn tương sức khi PVD giữ mức tăng 1,52%, còn GAS lùi về mốc tham chiếu.

Cổ phiếu thị trường FLC vẫn là tâm điểm của dòng tiền. Sau thời gian dài của phiên sáng chịu áp lực chốt lời ở mức trần lớn khiến FLC không giữ được sắc tím thì sang phiên chiều, cổ phiếu này đã nhanh chóng chạm trần. Đóng cửa, FLC tăng  5,68% lên 8.800 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt hơn 20 triệu đơn vị.

Người anh em cùng họ là FIT vẫn giữ sắc xanh nhạt với mức tăng nhẹ 1 bước giá và đã chuyển nhượng thành công 6,24 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu thị trường khác cũng tô đậm sắc tím trên sàn là OGC. Tuy chỉ giao dịch trong phiên chiều nhưng OGC khá sôi động khi chuyển nhượng thành công 4,93 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, GTN và JVC cũng đua trần với giao dịch sôi động, cụ thể, GTN khớp 2,89 triệu đơn vị và dư mua trần 0,12 triệu đơn vị, còn JVC khớp 2,14 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tí hon trong nhóm khoáng sản cũng khoe sắc tím như KSA, KSS, KTB, trong đó, KSA giao dịch khá sôi động khi khớp 1,63 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index vẫn duy trì đà giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,15%) xuống 81,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 41,95 triệu đơn vị, trị giá 418,51 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,68 triệu đơn vị, trị giá 44,97 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,78 điểm (-0,53%) xuống 148,35 điểm với 13 mã giảm, 8 mã tăng và 9 mã đứng giá.

Các cổ phiếu đóng vai trò lực hãm chính của thị trường như ACB, NTP, SHB, VND…

Trong khi đó, đà tăng của các cổ phiếu dầu khí đã có dấu hiệu chững lại khi PVS lùi về mốc tham chiếu, PVC chỉ còn tăng nhẹ 1,11%.

Cổ phiếu đầu cơ KLF vẫn là vua thanh khoản trên sàn khi chuyển nhượng thành công hơn 5 triệu đơn vị và đóng cửa với mức tăng nhẹ 1 bước giá.

Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay đã có sự phân hóa, trong khi trên sàn HNX, dòng vốn ngoại chuyển sang trạng thái mua ròng thì trên HOSE, khối này vẫn duy trì xu thế bán ròng nhẹ. Tổng cộng, khối này vẫn ròng nhẹ trên hai sàn và ghi nhận phiên thứ 7 bán ròng liên tiếp.

Thông kê, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng đến nay, chỉ tập trung bán các mã lớn với kết quả kinh doanh không nổi bật như MSN, MWG, trái lại, khối này vẫn mua vào những mã đang trong tầm ngắm của các quỹ ETF hay các mã bất động sản được định giá thấp như FLC, KBC, DLG. Như vậy, có thể nói hiện tượng bán ròng của khối ngoại chỉ đơn thuần là hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư sau kết quả kinh doanh quý III và xu hướng này sớm chấm dứt trong thời gian tới. 

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục