Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành (Luật Thuế TNCN 2009 và các văn bản pháp luật liên quan), thu nhập chịu thuế của các nhân từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định theo tỷ lệ 0,1% trên giá bán chứng khoán tại mỗi lần giao dịch.
Ví dụ, nếu bán chứng khoán được 100 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 100.000 đồng, bao gồm cả trường hợp bán có lãi hay cắt lỗ.
Quy định này đã nhiều lần bị phản ánh là vô lý. Đã có nhiều kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý yêu cầu sửa đổi quy định này để phù hợp thực tiễn.
Mới đây, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách liên quan xây dựng Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện thu thuế TNCN với chuyển nhượng chứng khoán, có ý kiến cho rằng việc thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán từng lần, kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp.
Tại Tờ trình về đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN nói trên, Bộ Tài chính đưa ra một nội dung dự kiến sẽ xem xét điều chỉnh là "Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư/chuyển nhượng chứng khoán phái sinh; Sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân".
Theo đó, Bộ Tài chính dẫn giải: Khoản 4 Điều 3, Điều 13, khoản 2 Điều 21, Điều 23 Luật thuế TNCN quy định, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế; Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
Theo quy định hiện hành, thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan. Tuy nhiên, thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán lại được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải nộp thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng.
Theo Bộ Tài chính, quy định này đảm bảo sự đơn giản, minh bạch của chính sách, giảm chi phí tuân thủ cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
"Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có ý kiến cho rằng việc thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp, cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế", Tờ trình của Bộ Tài chính ghi nhận.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế TNCN những năm qua đã phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách điều tiết, phân phối lại thu nhập, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội.
Tuy nhiên cơ quan này cũng cho rằng cần cải cách và xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, khắc phục những vướng mắc và hạn chế, bất cập của chính sách thuế hiện hành.
Nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Theo Tờ trình Bộ Tài chính gửi Chính phủ về việc "Đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế)", Thuế TNCN hiện hành cần được rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng, của Nhà nước, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời, phát huy hiệu quả hơn vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế, thực hiện điều tiết thu nhập của các cá nhân một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển và bối cảnh kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mà Bộ Tài chính đề xuất xem xét vào tháng 10/2025 sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, căn cứ để nộp thuế TNCN, để phù hợp mức tiêu dùng đã thay đổi . |
Mục tiêu cụ thể của Luật Thuế TNCN (thay thế) sẽ nhằm nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với bối cảnh mới; giảm số bậc thuế của Biểu thuế suất lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Ngoài ra, Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thu nhập được miễn thuế, giảm thuế TNCN như: Miễn thuế TNCN đối với một số khoản thu nhập trong một số lĩnh vực ưu tiên, thu nhập của cá nhân nhằm đảm bảo an sinh xã hội; Giảm thuế trong một số trường hợp để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong một số lĩnh vực của nền kinh tế...
Tại Tờ trình này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Nhưng mức giảm trừ này đang được coi là bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả và mức sống dân cư. Song, mức giảm trừ "quá cao" sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập.
Bộ Tài chính cũng cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sẽ được đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, cụ thể sẽ trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2025 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp 11 Quốc hội khoá XV diễn ra vào tháng 5/2026.
Trước đó, Luật thuế TNCN hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.
Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) trong từng giai đoạn, Quốc hội đã ban hành các luật sau có nội dung điều chỉnh Luật Thuế TNCN 2009:
- Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN áp dụng từ 01/7/2013
- Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (trong đó có Luật thuế TNCN) áp dụng từ ngày 01/01/2015;
- UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.