Dòng tiền bất ngờ chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu ngân hàng phần nào giúp VN-Index “thoát hiểm” trong thời gian cuối phiên sáng. Tuy nhiên, điều này đã không lặp lại trong phiên chiều này khi việc chốt lời được thực hiện một cách dứt khoát.
Trong phiên sáng, khi thị trường lùi sâu, dòng tiền đã có sự luân chuyển khá tích cực, qua đó giúp các chỉ số hồi phục. Nhưng sự tích cực này đã không còn được duy trì ở phiên chiều, thay vào đó là tâm lý dè dặt, không dứt khoát.
Có lẽ chính bởi sự e dè này mà nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra sốt ruột, dẫn đến động thái đẩy bán một cách nhanh chóng và dứt khoát trong nửa cuối phiên.
Áp lực bán là không quá mạnh, song lại tập trung vào các mã lớn, vì vậy, các chỉ số đều thoái lui dần, thanh khoản cũng giảm trở lại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/5, với 100 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index giảm 2,3 điểm (-0,37%) xuống 622,45 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 0,99 điểm (+0,16%) lên 623,92 điểm với 13 mã tăng và 14 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 135,28 triệu đơn, giá trị 2.524,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 20,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 573 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài HHS và GMD, còn có các giao dịch thỏa thuận lớn khác như hơn 5 triệu cổ phiếu VIC, giá trị gần 262 tỷ đồng; 2 triệu cổ phiếu KBC, giá trị 27 tỷ đồng và 1 triệu cổ phiếu NLG, giá trị 23,5 tỷ đồng.
Tương tự, với 80 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) về 82,19 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,22 điểm (-0,14%) về 148,64 điểm với 8 mã tăng và 9 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,44 triệu đơn, giá trị 624,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,57 triệu đơn vị, giá trị gần 73 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,3 triệu cổ phiếu LAS, giá trị 38,87 tỷ đồng.
Lực bán gia tăng khiến nhiều mã lớn nới rộng đà giảm. VNM giảm 2.000 đồng, VIC giảm 1.000 đồng, BVH giảm 1.500 đồng…
GAS quay đầu giảm 1.000 đồng về 58.000 đồng/CP và khớp 1,12 triệu đơn vị. Các mã dầu khí khác cũng đa phần giảm điểm.
PVT giảm 100 đồng về 12.100 đồng/CP và khớp 1,95 triệu đơn vị. PXS cũng giảm 1 bước giá về 13.600 đồng/CP và khớp 1,86 triệu đơn vị. PVS giảm 500 đồng về 18.500 đồng/CP và khớp 3,73 triệu đơn vị.
Chỉ còn PVD và PLC là tăng điểm, song cũng không còn mạnh như phiên sáng. PVD còn tăng 900 đồng lên 29.700 đồng/CP và khớp được 5,14 triệu đơn vị. PVD có sự đột biến về thanh khoản một phần do cầu ngoại mạnh mẽ khi mua vào tới gần 2,5 triệu đơn vị. Mã PGD tăng 500 đồng lên 47.000 đồng/CP và khớp 1,4 triệu đơn vị.
Tương tự, trụ đỡ chính là nhóm ngân hàng cũng yếu đi đáng kể. “Đầu tàu” VCB còn tăng 700 đồng lên 49.000 đồng/CP và khớp 1,25 triệu đơn vị. MBB còn tăng 300 đồng lên 15.300 đồng/CP và khớp được 3,48 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào hơn 1,2 triệu đơn vị.
Còn BID đã lùi về tham chiếu 19 đồng/CP và khớp 1,9 triệu đơn vị. STB và CTG quay đầu giảm 1 bước giá, khớp lệnh lần lượt 2,68 triệu và 1,64 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, EIB vẫn giữ vững sắc tím và khớp 1,88 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào 0,92 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép cũng bị chốt lời mạnh. Các mã HSG và HPG cùng giảm 500 đồng và khớp lệnh tương ứng 1,03 và 1,7 triệu đơn vị. TLH thậm chí còn “đo sàn” tại mức giá 8.200 đồng/CP và khớp 3,12 triệu đơn vị.
Đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ, dòng tiền vẫn chảy khá mạnh. Sắc tím vẫn được duy trì tại các mã HAG, HNG, FIT, TSC. Thanh khoản của HNG và HAG ít cải thiện hơn so với TSC và FIT.
TSC khớp 2,54 triệu đơn vị; FIT khớp 4,3 triệu đơn vị. HAG khớp 1,7 triệu đơn vị.
TSC còn dư mua trần tới hơn 5,58 triệu đơn vị, HAG là 3,38 triệu đơn vị, HNG là hơn 2,1 triệu đơn vị.
FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 8,1 triệu đơn vị được khớp, song chỉ còn tăng 100 đồng lên 6.600 đồng/CP. Một vài mã có thanh khoản từ 2-4 triệu đơn vị là HQC, VHG, KSA, BHS.
Trên HNX, dẫn đầu thanh khoản là vẫn là SHB với 4,83 triệu đơn vị được khớp, nhưng đã lùi về mốc tham chiếu 6.700 đồng/CP.
Các mã SCR và KLS cùng khớp lệnh 3,8 triệu đơn vị. SCR giảm nhẹ về 9.100 đồng/CP, KLF đứng giá tham chiếu 3.300 đồng/CP.
VCG phiên này tăng 300 đồng lên 10.700 đồng/CP và khớp 2,48 triệu đơn vị.