Trong số 964 doanh nghiệp mà Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) thu thập được qua báo cáo tài chính năm 2015, có 42 doanh nghiệp đạt EPS lớn hơn 7.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều tên tuổi quen thuộc như Bến xe Miền Tây (WCS), CotecCons (CTD), Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT)... thường xuyên góp mặt trong danh sách EPS “khủng” ở các năm trước, tiếp tục lọt vào nhóm doanh nghiệp có EPS cao năm 2015.
Tuy nhiên, ngôi vị quán quân không trao cho các doanh nghiệp trên mà thuộc về KDC của Kido. Đây cũng là một trong những cổ phiếu có tăng trưởng EPS mạnh nhất, gần 10 lần so với EPS năm 2014. Điều này ít nhiều được thị trường nhìn thấy khi mảng bánh kẹo - mảng kinh doanh trọng yếu của Công ty - được chuyển nhượng cho đối tác khác là Mondelez International qua hình thức bán 80% vốn tại Kinh Đô Bình Dương, sau đó ghi nhận doanh thu tài chính hơn 6.697 tỉ đồng.
Đối với á quân WCS, phong độ có phần ổn định hơn. Từ năm 2010 đến nay, EPS của WCS luôn trên 7.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, năm 2014 EPS của công ty này còn đạt hơn 21.000 đồng. Sang năm 2015, dù bị sụt giảm nhẹ thì EPS của WCS vẫn chỉ xếp sau KDC.
Điều khiến nhà đầu tư an tâm là kinh doanh của WCS vẫn tăng trưởng, với doanh thu tăng 14,8% và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 20,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vì không còn thu nhập bất thường từ khoản hoàn tiền thuế đất gần 18 tỉ đồng như trong năm 2014 nên lãi sau thuế của WCS giảm nhẹ, dẫn tới EPS suy giảm.
Bến xe Miền Tây (WCS) tiếp tục lọt vào nhóm doanh nghiệp có EPS cao trong năm 2015 - Ảnh: Sơn Phạm
CotecCons không phải là quán quân hay á quân về EPS nhưng công ty này lại kết hợp được sự ổn định của WCS và sự đột biến của KDC. Suốt 9 năm liền, CotecCons luôn trong nhóm doanh nghiệp có EPS khủng. Con số 14.770 đồng/cổ phiếu mà CotecCons đạt được vào năm 2015 đã hơn cả mức EPS đỉnh thiết lập trong năm 2007. Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng về EPS, năm 2015 còn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của CotecCons về doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền.
Những doanh nghiệp có EPS khủng còn phải kể đến TV2 của Tư vấn Xây dựng điện 2, MAS của Dịch vụ Hàng không Đà Nẵng, NCT của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài, SLS của Mía đường Sơn La, BMP của Nhựa Bình Minh, HTL của Ôtô Trường Long, VCF của Vinacafe Biên Hòa, PSL của Phú Sơn, VGG của May Việt Tiến... Nhưng nếu như BMP thường xuyên duy trì EPS cao và tăng mạnh vào năm 2015 thì bước nhảy vọt về EPS của TV2, HTL và PSL chỉ bắt đầu năm 2014.
Trước đó, EPS của TV2, PSL chỉ loanh quanh ở mức dưới 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lúc dưới 1.000 đồng/cổ phiếu, như ở HTL. Đối với MAS là sự trồi sụt thất thường. Riêng NCT khiến nhiều nhà đầu tư phải chú ý. Bởi lẽ, dù lúc tăng lúc giảm thì EPS của NCT chưa bao giờ rớt xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đãi “sàn” tìm EPS
Ngôi vị á quân của WCS cũng có thể bị đe dọa bởi “những kẻ giấu mặt”. Còn nhớ năm ngoái, Kido đã bất ngờ vượt qua hàng loạt tên tuổi để giành vị trí số 1 trong bảng xếp hạng EPS.
Năm nay, dù trật tự ngôi vị EPS dự báo có thể sẽ dịch chuyển đôi chút nhưng nhìn chung, trừ Kido, Mía đường Sơn La (SLS) và vài trường hợp đặc biệt, hầu hết các công ty có EPS trên 10.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2015 đều có một vài lần góp mặt trong nhóm EPS “khủng”.
Đa số các doanh nghiệp này đều làm ăn khá tốt, với doanh thu trung bình 500-700 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận khoảng 15-20% và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) bình quân ở mức 30-40% (xem bảng Các doanh nghiệp có EPS trên 10.000 đồng/cổ phiếu năm 2015). Chính vì thế, căn cứ kế hoạch lợi nhuận cũng như biến động số lượng cổ phiếu sẽ xảy ra trong năm 2016, giới đầu tư có thể nhận ra, đây cũng sẽ là các công ty đạt EPS khủng. Cụ thể, EPS kỳ vọng cả năm 2016 của WCS là hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, của TV2 là 13.600 đồng, của MAS là hơn 12.000 đồng...
Các công ty đạt EPS cao cũng là những doanh nghiệp hào phóng chi trả cổ tức cho cổ đông. Năm ngoái, Kido là doanh nghiệp đứng đầu về mức trả cổ tức, lên đến 200% vốn điều lệ, tức 20.000 đồng/cổ phiếu. MAS, HTL không kém cạnh khi tiền bỏ ra cho các lần trả cổ tức bằng tiền cũng rất lớn. Một số doanh nghiệp mạnh tay chi cho cổ tức năm 2016 cũng thuộc nhóm công ty có EPS cao. Đơn cử, NCT dự kiến chia cổ tức năm 2015 là 110% bằng tiền và tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức 106% cho năm 2016.
Tuy nhiên, nếu tính trên giá cổ phiếu giao dịch, mức cổ tức này không cao. Chẳng hạn, nếu tính trên thị giá cổ phiếu thì cổ tức của NCT trong năm 2015 chỉ khoảng 10%. Bởi thị giá của NCT nói riêng và hầu hết các cổ phiếu có EPS khủng nói chung thường ngất ngưỡng, với hơn phân nửa có giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu cũng được giao dịch trong ngưỡng 70.000-80.000 đồng/cổ phiếu.
Rõ ràng, EPS là tiêu chí lựa chọn quan trọng của giới đầu tư và họ sẵn sàng trả một mức giá cao hơn so với mặt bằng giá chung trên thị trường chứng khoán để sở hữu các cổ phiếu có EPS tốt. Điều này lý giải vì sao những cổ phiếu có EPS cao lại không nằm trong nhóm có P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) thấp nhất thị trường.
Xét về yếu tố ngành, các cổ phiếu có EPS cao trước hết nằm ở nhóm ngành đặc thù. Chẳng hạn, WCS hiện đang một mình khai thác kinh doanh bến xe cho khu vực TP.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên Công ty không phải chịu áp lực cạnh tranh. Cũng vậy, ngành dịch vụ sân bay mà MAS, NCT đang hoạt động là lãnh địa riêng, chỉ một số ít công ty, đi từ doanh nghiệp nhà nước mới có thể đặt chân vào.
Hay loại hình tàu cao tốc trên sông của Công ty Tàu Cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) cũng rất đặc biệt. Nếu phải cạnh tranh, SKG chỉ lo ngại các hãng hàng không sẽ đẩy mạnh tuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội ra Phú Quốc. Nhưng SKG đã có giải pháp bằng cách kết hợp với công ty du lịch tổ chức những tour du lịch bằng tàu. Ngoài ra, ưu điểm giá rẻ, có thể kết hợp du lịch nhiều địa điểm… cũng giúp SKG duy trì tăng trưởng doanh thu.
Bên cạnh những ngành đặc thù kể trên, xây dựng cũng là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đạt EPS cao. Trong 30 doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường chứng khoán, nhóm xây dựng chiếm khoảng 10 công ty. Điểm chung của các doanh nghiệp xây dựng có EPS cao, hoặc là đầu ngành, như trường hợp ở CotecCons, hoặc thuộc tổng công ty nhà nước như TV2 là công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Những công ty đạt EPS cao cũng hoạt động phổ biến trong lĩnh vực thực phẩm, phân phối bán lẻ, vật liệu cơ bản, kinh doanh ô tô/xe máy...
Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong
Tuy nhiên, theo Trưởng Bộ phận phân tích ở một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM (không muốn nêu tên), có những thông tin liên quan đến EPS cao cần phải lưu tâm. Chẳng hạn, nhà đầu tư cần quan tâm đến nguồn gốc lợi nhuận. Nếu lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính của công ty thì không đáng ngại, nhưng đến từ các khoản đột biến, nhờ bán tài sản hay đầu tư ngoài ngành thì cần lưu ý.
Hanic (SHN) là trường hợp như vậy. Cũng như Kido, SHN có lợi nhuận vượt cả doanh thu. Nhưng SHN đáng ngại hơn vì nửa năm đầu năm 2015, Công ty đang trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Dù vậy, khoản doanh thu tài chính ở SHN, đến từ việc “lướt sóng” cổ phần của 2 doanh nghiệp Sapa Hưng Yên và Tân Hoàng Cầu chỉ trong 2 tuần cuối tháng 11.2015, đã cứu SHN khỏi lỗ lũy kế. Hai thương vụ này đều có bóng dáng của Geleximco, cổ đông chiến lược ở SHN.
Một lưu ý khác liên quan đến quy mô doanh nghiệp. Các công ty có EPS cao thường không phải là doanh nghiệp có vốn hóa lớn. Một số doanh nghiệp trong nhóm EPS khủng thậm chí vốn hóa rất thấp, chỉ khoảng 390 tỉ đồng như ở WCS. Dù đã niêm yết 6 năm nhưng WCS chưa một lần tăng vốn. Vốn điều lệ chỉ ở mức 25 tỉ đồng là nguyên nhân khiến cho WCS dù đạt lãi chưa tới 50 tỉ đồng vẫn giữ ngôi vị á quân trong nhóm EPS khủng. Các chuyên gia còn cho rằng, việc xem xét đến dòng tiền, vấn đề nợ nần, các kế hoạch đầu tư… cũng rất quan trọng. Bởi đây là những cơ sở để xác lập thêm tính bền vững, tiềm năng khi tham gia đầu tư cổ phiếu.
Rõ ràng, EPS là chỉ số mà nhà đầu tư luôn phải xem xét khi tham gia đầu tư nhưng đây không phải là cơ sở duy nhất. Một phân tích trọn vẹn, nhìn từ các thông tin khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra một chiến lược đúng đắn hơn.