Theo quy định của Liên bộ Công thương – Tài chính, chiều nay, thông tin điều chỉnh giá xăng dầu đã chính thức được công bố. Đúng như dự báo trước đó, khi giá dầu thô thế giới liên tục rớt mạnh sẽ kéo theo mức giá xăng dầu trong nước có những điều chỉnh giảm, tuy nhiên, không như kỳ vọng, đợt điều chỉnh trong chiều nay ở mức khá hạn chế khi giá xăng RON 92 và E5 cùng giảm chưa tới 200 đồng/lít.
Việc giá xăng điều chỉnh trong biên độ hẹp đã không tác động tới thị trường chứng khoán trước tâm lý chốt lời vẫn ở mức khá cao.
Bên cạnh đó, mùa công bố thông tin báo cáo kết quả quý III/2015 của các doanh nghiệp đang dần khép lại. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thiếu tích cực, công bố cuối mùa của các doanh nghiệp lớn không mấy khả quan có thể khiến thị trường bước nhanh vào giai đoạn phân phối và điều chỉnh giảm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu thận trong tiếp tục duy trì, trong khi bên bán vẫn đẩy mạnh chốt lời khiến thị trường khá giằng co. Dòng tiền vào thị trường vẫn khá sôi động với tâm điểm vẫn là các cổ phiếu đầu cơ.
Bản tin Tài chính trưa 18/11
|
Sức ép của các cổ phiếu bluechip vẫn là tác nhân chủ đạo kéo thị trường đi xuống. Nhóm Vn30 có 16 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm 2,14 điểm (-0,35%) xuống 612,25 điểm.
Trong đó, VNM đóng vai trò lực hãm chính khi giảm 1,49% xuống mức 132.000 đồng/CP với thanh khoản tích cực đạt 1,39 triệu đơn vị. Các cổ phiếu bluechip khác cũng đỏ điểm như GAS, PVD, HSG, HCM, HPG, HAG…
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến đi ngang với giao dịch không mấy tích cực. Cụ thể, VCB, BID và EIB đứng giá tham chiếu, STB cùng CTG giảm nhẹ, trong khi MBB có được sắc xanh khi tăng 2 bước giá và là cổ phiếu duy nhất trong nhóm có thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu tí hon ngành thủy hải sản khởi sắc. Các mã như AGM, ATA, VNH lần lượt kéo trần. Ngoài ra, các mã vừa và nhỏ khác trên thị trường cũng đã tìm tới sắc tím như BGM, DXV, CCL, LDG, LHG, OGC, PNC, PXL, SHI…
Giao dịch sôi động trong phiên chủ yếu thuộc về các cổ phiếu thị trường. Trong đó, FLC dẫn đầu thanh khoản với hơn 12 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, đóng cửa, FLC giảm nhẹ 1,19%. Đáng chú ý, cổ phiếu chỉ giao dịch trong phiên chiều là OGC đã tăng mạnh cả về giá và thanh khoản khi đóng cửa tăng trần với lượng khớp 9,74 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 6,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu thị trường khác cũng có thanh khoản khá tốt như FIT khớp 7,17 triệu đơn vị, HHS khớp hơn 6 triệu đơn vị, HAI khớp gần 4 triệu đơn vị, SHI và ITA cùng khớp gần 3 triệu đơn vị…
Cổ phiếu đáng quan tâm DQC, sau báo cáo kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong quý III/2015 với lợi nhuận giảm tới 72,5% so với cùng kỳ đã liên tiếp giảm sàn. Chốt phiên 18/11, DQC giảm 6,5% xuống mức 58.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này.
Mặt khác, trên sàn HNX, điểm tựa từ nhóm cổ phiếu HNX30 đã giúp HNX-Index tìm lại sắc xanh. Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,28%) lên 81,36 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,82 triệu đơn vị, trị giá 452,23 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,16 điểm (+0,11%) lên 149,13 điểm với 12 mã tăng, 10 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Các cổ phiếu bluechip hỗ trợ tốt cho thị trường như ACB, BVS, CEO, VND, SHB…
Với báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 vừa công bố của NTP, mặc dù khoản nợ phải trả tính đến 30/9 tăng mạnh 28,9% so với đầu năm nhưng với kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng khá tốt so với cùng kỳ đã giúp cổ phiếu này lấy lại đà tăng khá mạnh. Cụ thể, 9 tháng, doanh thu NTP đạt 2.548,82 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 79,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 294,31 tỷ đồng, tăng 9,79% cùng kỳ và hoàn thành 76,44% kế hoạch năm. Đóng cửa, NTP đã tăng gần 1,7% lên 66.000 đồng/Cp và chuyển nhượng 92.780 đơn vị.
Bên cạnh đó, PVC báo lãi hợp nhất 167,4 tỷ đồng nhưng công ty mẹ lỗ gần 7 tỷ đồng đã đóng cửa ở mức giá tham chiếu 18.000 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị.