Phiên giao dịch sáng 18/11: “Thu hoạch sớm“

(ĐTCK) Sau một vài phiên tăng giá, nhóm cổ phiếu thị trường đã nhanh chóng bị chốt lời trong phiên sáng nay, góp phần đẩy cả 2 sàn đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó VN-Index đang lùi dần về mốc 600 điểm.
Phiên giao dịch sáng 18/11: “Thu hoạch sớm“

Dù mức độ giảm mạnh hơn so với phiên đầu tuần ngày 16/11, nhưng phiên giảm ngày 17/11 lại có trạng thái tốt hơn hẳn. Áp lực bán không trải trên diện rộng, mà chỉ tập trung tại một số cổ phiếu lớn, nhất là tại các mã tăng tốt trong thời gian qua như VNM, FPT, BVH, ACB, NTP... nên độ rộng thị trường theo đó khá cân bằng.

Phiên này cũng đánh dấu mức thanh khoản tăng lên mức cao nhất trong thời gian tăng vừa qua, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt xấp xỉ 3.500 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường giảm khá mạnh, việc thanh khoản tăng mạnh nhờ dòng tiền đầu cơ gia tăng khiến nhà đầu tư phần nào e ngại về phiên phân phối đỉnh.

Đánh giá diễn biến này, có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vẫn đang duy trì được sự tích cực nhờ yếu tố dòng tiền, song về mặt xu hướng, thị trường chưa thể thoát ra khỏi xu hướng củng cố, tích lũy. Vì vậy, trong ngắn hạn, diễn biến giằng co trong biên độ hẹp vẫn là diễn biến chủ đạo, thị trường sẽ test lại mốc hỗ trợ 600 điểm trong một vài phiên tới, trước khi xác định xu hướng mới.

Bước vào phiên giao dịch sáng 18/11, áp lực bán đã xuất hiện sớm và vẫn tập trung tại một số mã lớn khiến các chỉ số đều giảm điểm ngay khi mở cửa. Thanh khoản trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa tăng vọt, nhưng chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,73 điểm (-0,29%) về 603,32 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 5,55 triệu đơn vị, giá trị 122,36 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường bắt đầu giằng co và nới dần đà giảm, hoạt động giao dịch cũng trở nên thận trọng hơn.

Nhóm các mã lớn như VNM, BV, MSN, VCB... đang đồng loạt điểm. Tương tự, nhóm dầu khí sau phiên hồi phục hôm qua cũng đang chịu sức ép, các mã như GAS, PVD, PVT... đang giảm điểm hoặc đứng tham chiếu.

Sắc xanh nhạt ở một số mã như VIC, MBB, KDC, SSI, HPG, DPM... đang giúp làm chậm lại đà rơi của chỉ số.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không nằm ngoài xu thế. Một số mã đầu cơ tăng tốt phiên hôm qua như FIT, FLC, HAI, CII... đang chịu sức ép bán ra nên đồng loạt giảm điểm, dù không mạnh. Riêng HHS đang đi ngược thị trường với mức tăng 300 đồng và thanh khoản dẫn đầu với 3,46 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, ngoại trừ PVB tăng nhẹ 1 bước giá, còn lại các mã dầu khí lớn khác đều giảm điểm, cùng với đà giảm khá mạnh của NTP, LAS nên HNX-Index vẫn giao dịch dưới tham chiếu.

Cũng như những “anh em” khác như FLC, HAI trên HOSE, mã KLF cũng đang giảm điểm tối thiểu và có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.

Dần về cuối phiên, áp lực bán tiếp tục được duy trì, trong khi sức cầu vẫn thận trọng nên chưa thể cải thiện sắc đỏ của thị trường, thanh khoản theo đó cũng sụt giảm mạnh trở lại.

Đóng cửa, với 114 mã giảm và 78 mã tăng, VN-Index giảm 1,84 điểm (-0,3%) về 603,21 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,78 điểm (-0,29%) về 612,61 điểm với 9 mã giảm và 8 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,65 triệu đơn vị, giá trị 1.471,52 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 7,7 triệu đơn vị, giá trị 416,84 tỷ đồng. Đáng chú ý có 1,5 triệu cổ phiếu VNM giá trị 208,5 tỷ đồng; 1,88 triệu cổ phiếu GMD giá trị 79,7 tỷ đồng; 1,9 triệu cổ phiếu HNG giá trị 54,34 tỷ đồng; 1,5 triệu cổ phiếu PNJ giá trị 56,25 tỷ đồng...

Với 96 mã giảm và 59 mã tăng, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,4%) về 80,81 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,52 điểm (-0,35%) về 148,45 điểm với 13 mã giảm và 5 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,15 triệu đơn vị, giá trị 238,85 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 16,86 tỷ đồng.

Các mã lớn tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh lên thị trường, nhất là tại VNM. Có thời điểm cổ phiếu này giảm 3.000 đồng, trước khi kết phiên giảm 2.000 đồng về 132.000 đồng/CP. Thanh khoản ở mức cao, ngoài giao dịch thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, VNM còn khớp 1,04 triệu đơn vị.

Ngoài VNM, góp phần dìm chỉ số còn phải kể đến MSN, STB, PVD, HSG, HPG... trong đó MSN giảm 1.000 đồng xuống 72.500 đồng/CP.

Chỉ sau 1 phiên, việc giá dầu thế giới có diễn biến xấu đã gây áp lực khá lớn trở lại tới các cổ phiếu dầu khí, trong đó GAS, PVD đều giảm.

Trong khi đó, một số cổ phiếu lớn khác như FPT, VIC, KDC, MBB, SSI... lại có được sắc xanh. KDC tăng mạnh 800 đồng lên 25.300 đồng/CP và khớp 1,56 triệu đơn vị. FPT tăng trở lại 500 đồng và khớp 0,72 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC, FIT và HAI vẫn có thanh khoản khá tốt nhờ hút mạnh dòng tiền, xong vẫn giảm điểm do chịu áp lực chốt lời khá mạnh.

FLC giảm 200 đồng xuống 8.200 đồng/CP và khớp lệnh trên 7,2 triệu đơn vị, FIT giảm 100 đồng xuống 10.600 đồng/CP và cũng khớp lệnh gần 5,4 triệu đơn vị.

Riêng HHS đi ngược thị trường khi có thông tin có thể được thêm vào danh mục đầu tư của hai quỹ ETF trong đợt cơ cấu tới đây, kết phiên tăng 300 đồng lên 16.700 đồng/CP và khớp hơn 4,46 triệu đơn vị.

Trên HNX, PVB đã lùi về mốc tham chiếu nên nhóm dầu khí đã không còn mã nào tăng. Cùng với LAS, NTP, VCG… vẫn giảm điểm khá mạnh nên đà giảm của chỉ số sàn này được nới thêm.

KLF cũng như các “anh em” trên HOSE vẫn giữ nguyên mức giảm 100 đồng về 4.700 đồng/CP và khớp 3,1 triệu đơn vị, tốt nhất HNX.

SCR đứng giá tham chiếu 8.500 đồng/CP và khớp 2,9 triệu đơn vị.

Ngoài ra, SHN và TIG cùng khớp trên 1,3 triệu đơn vị. TIG giảm 200 đồng về 11.200 đồng/CP, còn SHN tăng mạnh 600 đồng lên 13.200 đồng/CP

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục