Thị trường đã có phiên giao dịch sáng khá tích cực. Dưới sự đồng thuận của các bluechips, đặc biệt là hầu hết các mã vốn hóa lớn như VNM, VIC, MSN, MWG, GAS, VCB… đều tăng điểm, VN-Index đã có cơ hội trở lại mốc 690 điểm. Tuy nhiên, ngay khi chạm mốc đỉnh này, áp lực bán đã gia tăng, nên đà tăng của chỉ số bị chững lại.
Áp lực tại vùng giá cao cũng đã ảnh hưởng khá nhiều lên thị trường trong phiên giao dịch chiều. Sức cầu đã suy giảm rõ rệt, thể hiện ở mức thanh khoản giảm sút so với phiên sáng, trong khi đồ thị diễn biến VN-Index gần như đi ngang trong nửa đầu phiên.
Dường như trạng thái thăm dò này không nhận được sự hưởng ứng, nên phần nào khiến nhà đầu tư trở nên sốt ruột và bắt đầu đẩy bán. Do vậy, VN-Index càng về cuối càng trở nên đuối sức. Mặc dù vậy, sắc xanh của chỉ số vẫn được bảo toàn, bên cạnh mức thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể.
Trong khi đó, diễn biến trên HNX vẫn không có nhiều biến chuyển, vẫn là nhịp lình xình, đi ngang của chỉ số HNX-Index, đi kèm việc nhúc tăng của thanh khoản.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 14/10, với 117 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 1,77 điểm (+0,26%) lên 687 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162,6 triệu đơn vị, giá trị 3.100 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tới hơn 1/3 tổng giá trị giao dịch toàn sàn với 29,9 triệu đơn vị, giá trị gần hơn 1.237 tỷ đồng. Đáng chú ý, bên cạnh thỏa thuận của 12,408 triệu cổ phiếu CII, giá trị 364,9 tỷ đồng, trong phiên chiều này còn có thêm thỏa thuận của 10,67 triệu cổ phiếu VIC, giá trị hơn 448 tỷ đồng và 1,864 triệu cổ phiếu VCF, giá trị hơn 279 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, với 107 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 85,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,19 triệu đơn vị, giá trị 503,49 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 4,5 triệu đơn vị, giá trị gần 64,15 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 2,4 triệu cổ phiếu WSS, giá trị 11,04 tỷ đồng.
Áp lực bán gia tăng không quá mạnh, song ở trên diện tương đối rộng, khiến độ rộng tăng giá thu hẹp trở lại, nhất là những thời điểm cuối phiên, khi số lượng mã giảm giá nhanh chóng vượt qua số mã tăng.
Mặc dù thị trường trở nên kém tích cực, song VN-Index vẫn tăng điểm, cùng với đó là sự cải thiện về thanh khoản. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò trụ đỡ của các mã vốn hóa lớn như VNM, MSN, MWG hay BID đối với chỉ số. Đồng thời cho thấy, dòng tiền đang quay trở lại với nhóm cổ phiếu này sau một vài phiên chững lại.
VNM tiếp tục cho thấy vai trò trụ đỡ quan trọng nhất, với mức tăng 1,4% lên 144.000 đồng/CP và khớp lệnh 2,09 triệu đơn vị. BID cũng tăng 1,2% lên 17.000 đồng/CP và khớp 2,34 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã CII, STB, MBB cũng đã hồi phục để hỗ trợ chỉ số. CII ngoài thỏa thuận hơn 12 triệu đơn vị, phiên này còn khớp 2,27 triệu đơn vị. STB khớp 1,2 triệu đơn vị.
Ngược lại, trụ đã VIC lùi về tham chiếu, còn VCB và GAS thậm chí quay đầu giảm điểm cùng với một loạt các mã bluechips khác như SSI, FPT, PVD, BVH…, trong đó PVD và SBT cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
HPG tiếp tục bị bán mạnh nên giảm 2,2% về 40.400 đồng/CP, khớp lệnh 4,37 triệu đơn vị. HSG cũng lùi về tham chiếu, song thanh khoản không cao.
Trong khi nhóm bluchips suy yếu thì nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn giữ được nhiệt. Trong đó, sắc tím tiếp tục được giữ tại các mã như HAG, HNG, HAR, TSC, TCH, ROS, BCG, BGM, KSH…Riêng HAG, HNG, HAR, TSC, TCH có thanh khoản trội hơn hẳn với lượng khớp từ 2-4 triệu đơn vị, trong khi vẫn còn dư mua trần lớn.
Các mã có thanh khoản cao khác là HHS với hơn 7 triệu đơn vị; VHG, HQC, DLG cùng khớp hơn 6 triệu đơn vị; KBC hơn 4 triệu đơn vị…
Dẫn đầu thanh khoản thị trường vẫn là FLC với 19,3 triệu đơn vị được khớp, song đã quay đầu giảm mạnh 3,5% về 6.320 đồng/CP.