Sau hai phiên giao dịch có biến động lớn đầu tuần, thị trường trở lại với diễn biến lình xình trong khoảng hẹp khi tâm lý thận trọng dâng cao, cùng với đó là sự hạn chế của dòng tiền.
Từ những diễn biến trên, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, tình trạng lình xình, giằng co sẽ vẫn tiếp diễn, khi động lực tăng của thị trường hiện vẫn chưa rõ ràng. Hơn nữa, phiên hôm nay 14/10 là phiên mà lượng hàng bắt đáy khá lớn hôm 11/10 về tài khoản được giao dịch, nên ít nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường.
Và thực tế thị trường trong phiên sáng 14/10 phần nào đã thể hiện nhận định trên. Ngay khi mở cửa, các chỉ số đã giảm điểm khi lượng cung giá thấp đương tung vào. Tuy nhiên, dư âm từ phiên hồi phục tích cực 13/10 dường như đã tạo bước đệm tâm lý khá tốt, nên sắc đỏ nhanh chóng được xua tan
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,17 điểm (-0,02%) xuống 685,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,27 triệu đơn vị, giá trị 384,89 tỷ đồng. Thanh khoản tăng vọt ngay đầu phiên chủ yếu là nhờ thỏa thuận của hơn 12 triệu cổ phiếu CII, giá trị 359 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lượng hàng giá thấp đầu phiên được hấp thụ một cách nhanh chóng và VN-Index cũng rất nhanh lấy lại được sắc xanh.
Các mã trụ như VNM, VIC, MWG, GAS cùng với PVD, SSI, HCM, KDC… đều đang tăng khá tốt. Ngoài ra, các cổ phiếu thép HPG, HSG cũng đang hồi phục khá mạnh trở lại sau phiên bị chốt lời, qua đó góp phần hỗ trợ đà tăng của VN-Index.
Ngược lại, một số mã như VCB, BID, BVH, FPT, NT2… lại đang tạo lực cản chỉ số.
Đối với các cổ phiếu đầu cơ, mặc dù không còn đồng loạt tăng trần như nửa phiên chiều qua, song đa phần đều giao dịch khá tích cực, chẳng hạn như FLC, HAG, DLG, HAR, HQC, VHG…, trong đó FLC đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 3,75 triệu đơn vị được khớp
TSC và TCH tăng trần ngay từ sớm và thanh khoản mạnh khi đều khớp hơn 1 triệu đơn vị. Riêng TCH đang hướng đến phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp.
Nhìn chung, thị trường khá tích cực về mặt điểm số khi các bluechips đang khá đồng thuận, trong khi thanh khoản vẫn chưa được cải thiện bởi dòng tiền vào thị trường vẫn tương đối thận trọng. Sau 1 giờ giao dịch, trên sàn HNX chưa có mã nào đạt mức khớp lệnh 1 triệu đơn vị.
Dần về cuối phiên, với đà tăng khá tốt của nhóm bluechips, VN-Index dần nới rộng đà tăng và tiến đến chinh phục mốc 690 điểm. Tuy nhiên, tại mốc cản mạnh này, chỉ số liên tục rung lắc, trước khi tạm thoái lui khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Hoạt động giao dịch trên sàn HOSE khá sôi động, nhất là tại nhóm cổ phiếu đầu cơ. Trong khi đó, diễn biến trầm lắng vẫn được duy trì trên HNX, mặc dù vậy, chỉ số HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh với bệ đỡ là nhóm cổ phiếu dầu khí.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 14/10, với 112 mã tăng và 103 mã giảm, VN-Index tăng 4,35 điểm (+0,63%) lên 689,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,3 triệu đơn vị, giá trị 1.647,18 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 14,64 triệu đơn vị, giá trị gần 441 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 12,208 triệu cổ phiếu CII, giá trị 364,9 tỷ đồng.
Tương tự, với 82 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,14%) lên 85,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,5 triệu đơn vị, giá trị 268,19 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 3,47 triệu đơn vị, giá trị gần 21 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 2,4 triệu cổ phiếu WSS, giá trị 11,04 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có sự đồng thuận khá cao với 17 mã tăng so với 9 mã giảm. Trong đó, các mã trụ như VNM, VIC, VCB, GAS, MSN hay MWG, BID, SSI, STB, FPT… đồng loạt tăng điểm.
Sức kéo của VNM là có ảnh hưởng nhất tới chỉ số với mức tăng 1,2% lên 144.000 đồng/CP và khớp lệnh 1,35 triệu đơn vị. Cùng với đó là MWG với mức tăng 1,1% lên 149.200 đồng, có thời điểm mã này tăng gần 2%.
Trong khi đó, áp lực chốt lời dường như vẫn chưa buông tha HPG. Sau khi được kéo lên khá mạnh ở đầu phiên, áp lực bán mạnh đã lại dồn tới, kéo HPG quay đầu giảm 0,6% về 41.050 đồng/CP và khớp 2,16 triệu đơn vị. Riêng HSG vẫn giữ được sắc xanh nhẹ.
Góp phần níu chân VN-Index cùng với HPG còn có BVH, CII, NT2, GMD, REE… Riêng CII bên cạnh được thỏa thuận mạnh cũng khớp được 1,28 triệu đơn vị.
Ngoài, VNM, HPG hay CII, thanh khoản của các bluechips chưa có nhiều cải thiện. Trong khi đó, tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là các mã đầu cơ, giao dịch vẫn khá tích cực cả về thanh khoản lẫn điểm số.
Sắc tím đã trải rộng hơn ở nhóm cổ phiếu này, tuy nhiên, khá bất ngờ là việc cặp đôi HAG-HNG đã đồng loạt tăng trần lên 5.630 đồng/CP và 6.320 đồng/CP. HAG khớp lệnh cao thứ 2 sàn HOSE với 5,1 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,33 triệu đơn vị, còn HNG khớp hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần 0,45 triệu đơn vị. Theo một số công ty chứng khoán, việc giá cao su tự nhiên trên thế giới tăng mạnh thời gian qua đã tác động lên giá cổ phiếu cao su trong nước và cổ phiếu HAG-HNG đã được hưởng lợi.
Ngoài ra, các mã HAR, VHG, TSC, TCH và ROS cũng có được sắc tím đậm, thanh khoản cao từ hơn 1-3 triệu đơn vị, riêng HAR, VHG và TSC còn lượng dư mua trần đều trên 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, bên cạnh nhóm dầu khí, thì NTP, VCS, HUT, DBC… đều tăng tốt để hỗ trợ chỉ số. SHB dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 4,41 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 5,1% lên 5.100 đồng/CP.
Ngoài ra, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn có PVX, HKB, SCR, KLF và DCS. Riêng DCS tăng trần lên 3.700 đồng/CP (+9,7%).