Phiên giao dịch chiều 14/1: Cầu bắt đáy gia tăng, VN-Index vẫn giảm sâu

(ĐTCK) Lực cầu bắt đáy gia tăng giúp thanh khoản thị trường cải thiện tích cực, nhưng không giúp các chỉ số thoát được phiên giảm sâu.
Phiên giao dịch chiều 14/1: Cầu bắt đáy gia tăng, VN-Index vẫn giảm sâu

Trong khi các yếu tố bên ngoài như chứng khoán quốc tế tiếp tục lao dốc, giá dầu thô vẫn chưa dừng rơi thì trên thị trường chứng khoán Việt, nhóm cổ phiếu bluechip đang là gánh nặng hãm đà hồi phục của thị trường. Trong đó, nhóm Vn30 có duy nhất VIC le lói sắc xanh nhạt, còn trên HNX30 cũng chỉ có 3 mã tăng, còn lại hầu hết đang giao dịch dưới mốc tham chiếu với đà giảm khá mạnh.

Mặt khác, sau đợt lao dốc mạnh trong phiên sáng, thị trường đã hồi nhẹ vào cuối phiên nhờ tín hiệu cầu bắt đáy xuất hiện. Và hiện tượng này càng thể hiện rõ hơn ở phiên chiều, giúp thị trường có những nhịp hồi cùng thanh khoản cải thiện mạnh.
Bản tin tài chính trưa 14/1
Mặc dù lực cầu bắt đáy gia tăng nhưng sự điều chỉnh giảm sâu của các mã bluechip cùng áp lực bán ở các cổ phiếu thị trường vẫn còn khá lớn, trong đó, nhiều mã lùi sâu ở mức giá sàn khiến VN-Index không thể thoát khỏi phiên giảm mạnh và chính thức rời mốc 555 điểm.

Đóng cửa, diễn biến thị trường khá xấu khi trên hai sàn có tới 289 mã giảm và 104 mã tăng.

Chỉ số VN-Index giảm 7,34 điểm (-1,31%) xuống 553,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 149,7 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.320,22 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 20,66 triệu đơn vị, trị giá 612,1 tỷ đồng với đóng góp tích cực của 11,55 triệu cổ phiếu EIB, trị giá 147,84 tỷ đồng và 4,67 triệu cổ phiếu MSN, trị giá 342,07 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,95 điểm (-1,24%) xuống 75,71 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 45,85 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 425,25 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,56 triệu đơn vị, trị giá hơn 60 tỷ đồng. Riêng SHB thỏa thuận 4,6 triệu đơn vị, trị giá 28,52 tỷ đồng.

Sau phiên tăng điểm hôm qua, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí đã đồng loạt chuyển đỏ trước thông tin giá dầu thô tiếp tục rơi. Cụ thể, PVD giảm 2,6%, GAS giảm 1,71%, PVS giảm 3,33%, PVC giảm gần 3%, các cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành cũng hầu hết giảm điểm, thậm chí giảm sàn như PVX, PVL, PXL.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, chứng khoán, cùng nhiều trụ cột trên hai sàn tiếp tục đà suy giảm như BVH giảm 3,92%, MSN giảm 1,33%, HSG giảm 4,14%, HPG giảm 3,64%, VCB giảm 1,18%, EIB giảm 5,83%, BID giảm 2,63%, SSI giảm 2,42%, HCM giảm 1,79%..., trên HNX có NTP giảm 3,08%, VCG giảm 1,92%, SHB giảm 3,23%, SHS giảm 2,82%...

Điểm sáng duy nhất là VIC, lực cầu gia tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp cổ phiếu này đẩy lên giao dịch ở mức giá xanh. Tuy nhiên, đà tăng khá hạn chế ở mức 100 đồng (0,21%) lên 48.000 đồng/CP nên VIC không hỗ trợ nhiều cho thị trường. Đóng cửa, VIC đã chuyển nhượng thành công 2,62 triệu đơn vị.

Trong khi đó, áp lực đẩy bán gia tăng tiếp tục khiến HAG lùi về sát mức giá sàn. Chốt phiên HAG giảm hơn 5,5% xuống 10.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,97 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, điểm nhấn là FLC. Áp lực bán gia tăng khiến FLC nhanh chóng về nằm sàn với mức giảm 6,67% xuống 7.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh khủng đạt 30,83 triệu đơn vị.

Cổ phiếu chỉ giao dịch trong phiên chiều là OGC cũng chịu lực bán mạnh và nhanh chóng chuyển xanh mắt mèo. Với mức giảm gần 5%, OGC xuống mức giá sàn 3.900 đồng/Cp và khối lượng khớp lệnh đạt 8,48 triệu đơn vị,

Mặt khác, ở JVC, sau bản báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm của công ty mẹ được công bố với con số lỗ bất ngờ và số dư tiền tại quỹ khiến lòng tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp này đã thấp lại còn thấp hơn khiến cổ phiếu này tiếp tục duy trì trạng thái thanh khoản thấp cùng dư bán sàn lớn. Đóng cửa, JVC giảm 5% xuống 3.800 đồng/Cp với khối lượng khớp chỉ hơn 50.000 đơn vị và dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị.

Trên HNX, SCR tiếp tục duy trì trạng thái tăng nhẹ 1 bước giá với thanh khoản dẫn đầu sàn đạt 6,28 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục