Phiên giao dịch sáng 14/1: Dấu hiệu tháo chạy

(ĐTCK) Ảnh hưởng tiêu cực của chứng khoán quốc tế, chứng khoán Việt Nam sáng nay cũng chìm trong sắc đỏ và điều dấu hiệu tháo chạy đã bắt đầu xuất hiện, khiến VN-Index giảm hơn 1%.
Phiên giao dịch sáng 14/1: Dấu hiệu tháo chạy

Trên thị trường chứng khoán quốc tế, sau phiên hồi phục khá hôm thứ Ba nhờ thị trường chứng khoán Trung Quốc ổn định trở lại, phố Wall lại chứng kiến cảnh bán tháo ồ ạt xẩy ra trong phiên thứ Tư do nhà đầu tư lo ngại giá dầu giảm mạnh cùng mùa công bố kết quả kinh doanh kém hiệu quả. Trong khi chỉ số Dow Jones giảm 364,81 điểm, xuống 16.151,41 điểm thì chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải cũng giảm mạnh về cuối phiên và chính thức chia tay mốc 3.000 điểm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, phiên giao dịch hôm qua (13/1) cũng không mấy tích cực khi áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index lùi về sát mốc 560 điểm. Cùng với đó, thông tin nhà đầu tư ngoại cũng tác động tới tâm lý thị trường khi xu hướng bán ròng tiếp tục được đẩy mạnh.

Diễn biến thị trường trong những phiên vừa qua cùng sự điều chỉnh của các chỉ số, thanh khoản thị trường không mấy cải thiện và vẫn ở mức thấp khiến hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường thận trọng. Theo MSI, việc điều chỉnh có thể lan rộng sang nhiều cổ phiếu lớn, nhiều khả năng VN-Index sẽ quay về vùng 550-555 điểm trong phiên 14/1.

Với những tác động không nhỏ của các yếu tố quốc tế cùng diễn biến thị trường trong nước các phhieen vừa qua khiến tâm lý nhà đầu tư càng bi quan hơn. Chứng khoán Việt đã bước vào phiên giao dịch 14/1 không mấy sảng sủa. Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, trong đó, không có mã bluechip nào bật xanh khiến thị trường suy giảm khá mạnh ngay từ đầu phiên.

Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 4,49 điểm (-0,8%) xuống 555,88 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 2,89 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 40 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường chưa thấy dấu hiệu cải thiện với áp lực thoát hàng tiếp tục diễn ra trên diện rộng, chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch quanh vùng 554-555 điểm.

Trong khi đó, trên HNX, sau những phút le lói sắc xanh đầu phiên, chỉ số HNX-Index cũng nhanh chóng đảo chiều bởi lực bán gia tăng.

Sau gần 1 giờ giao dịch, trong nhóm trụ đỡ thị trường, VNM đã bứt phá thành công và vượt qua mốc tham chiếu với mức tăng nhẹ 0,83%, tuy nhiên, khối lượng khớp khá thấp đạt nên hơn 0,15 triệu đơn vị nên không đủ sức kéo thị trường.

Dòng tiền tham gia vào thị trường cũng khá hạn chế khiến VN-Index và HNX-Index không mấy chuyển biến. Độ rộng trên hai sàn khá xấu, trong khi trên HOSE chỉ có 29 mã tăng và có tới 140 mã giảm thì trên HNX, số mã giảm (89 mã) cũng gấp tới 3 lần số mã tăng (29 mã).

Sau khi cầm cự ở mốc 556 điểm không thành, áp lực bán càng được đẩy lên cao khiến VN-Index có thời điểm mất hơn 9 điểm, lùi xuống sát mốc 550 điểm. Tuy thị trường có hồi nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy khá tốt, nhưng trước sự điều chỉnh giảm sâu của các cổ phiếu lớn cùng sắc đỏ lan rộng bảng điện tử khiến các chỉ số không thể thoát khỏi phiên giảm mạnh.

Chốt phiên, toàn sàn HOSE có tới 172 mã giảm và chỉ 29 mã tăng, trong đó, nhóm VN30 chỉ có duy nhất VNM giữ giá tham chiếu, còn lại tất cả giao dịch ở mức giá đỏ. Trên HNX cũng có tới 131 mã giảm và 39 mã tăng, trong đó, nhóm HNX30 có 23 mã giảm, 3 mã tăng và 3 mã đứng giá.

Chỉ số VN-Index giảm 7,73 điểm (-1,38%) xuống 552,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 62,55 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 944 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,9 triệu đơn vị, trị giá 71,27 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,97 điểm (-1,27%) xuống 75,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,85 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 218,95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chưa tới nửa tỷ đồng.

Các ông lớn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường như BVH giảm 3,92% xuống 49.000 đồng/CP, MSN giảm 2% xuống 73.500 đồng/CP, HSG giảm 3,18% xuống 30.400 đồng/CP, GAS giảm 1,14% xuống 34.600 đồng/CP, đồng thời, hầu hết các cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí trên cả hai sàn cũng đều giảm điểm khá mạnh.

Đáng chú ý, HAG sau một tuần tăng liên tiếp đã ghi nhận phiên giảm điểm thứ 2. Sáng nay, tuy có thời điểm HAG chạm đến mức giá sàn, nhưng ngay sau đó có lệnh đỡ đã giúp cổ phiếu này hồi nhẹ và chốt ở mức 10.500 đồng/CP, giảm 3,7% với khối lượng khớp lệnh đạt 4,59 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường quen thuộc, lần lượt các mã FLC, ITA, KBC, HQC, VHG, DLG… đều chịu áp lực đẩy bán và đỏ điểm ngay đầu phiên. Trong đó, FLC giảm 2,67% xuống 7.300 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 8,49 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Bên cạnh đó, JVC tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp. Chốt phiên JVC giảm 5% xuống mức 3.800 đồng/CP với lượng khớp lệnh chưa tới 40.000 đơn vị và dư bán sàn tiếp tục ở mức cao, đạt 2,25 triệu đơn vị.

Điểm sáng trên HNX là SCR. Sau phiên quay lại sắc đỏ hôm qua, SCR đã nhích nhẹ 1 bước giá trong phiên sáng nay nhờ lực cầu hấp thụ tốt. Chốt phiên, SCR tăng 1,2% lên mức 8.500 đồng/Cp với thanh khoản dẫn đần sàn đạt 5,17 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục