Những tưởng mốc 600 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh, cùng thông tin hỗ trợ tích cực từ việc nới room sẽ khiến thị trường khởi sắc hơn trong phiên chiều. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân tệ đã ảnh hưởng lớn tới thị trường thế giới và cũng không ngoại trừ Việt Nam.
Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng mạnh ở những nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán đã lan ra toàn thị trường, đặc biệt phải kể tới những cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ. Sau khoảng 15 phút giao dịch, lệnh bán ồ ạt đã kéo VN-Index về sát mốc 590 điểm. Cũng giống phiên hôm qua, thị trường không bị đánh úp bởi đợt khớp lệnh ATC đã giúp đà giảm được hãm lại, tuy nhiên lực cầu chưa đủ mạnh để giúp Vn-Index tiến xa hơn.
Chốt phiên, toàn bảng điện tử được bao phủ bởi sắc đỏ rộng lớn với 186 mã giảm và 44 mã tăng trên sàn HOSE, còn trên HNX cũng có tới 145 mã giảm và chỉ 47 mã tăng. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực hãm chính khi Vn30-Index giảm 10,07 điểm (-1,59%) xuống 622,83 điểm với 26 mã giảm và chỉ 3 mã tăng. HNX30-Index giảm 3 điểm (-1,91%) xuống 154,36 điểm.
Chỉ số VN-Index giảm 9,98 điểm (-1,65%) xuống 594,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 126,47 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.251,21 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,85 triệu đơn vị, trị giá 144,39 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 1,31 điểm (-1,58%) xuống 81,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,6 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 474,29 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, ngoại trừ VNM vẫn là trụ cột hỗ trợ chính cho thị trường khi giữ mức giá cao nhất của phiên 105.000 đồng/CP, tăng 1,94%, còn lại hầu hết các bluechip khác đều nới rộng đà giảm như PVD giảm 3,61%; VIC giảm 1,39%; MSN giảm 1,72%; FPT giảm 1,26%; GAS giảm 1,75%, HSG giảm 1,64%... Đáng chú ý, KDC có phiên thứ 2 giảm mạnh sau khi thực hiện chia cổ tức khủng và chốt phiên ở mức giá sàn 25.700 đồng/CP với mức giảm 6,9% và khớp 1,96 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, bảo hiểm cũng đua nhau giảm mạnh như VCB giảm 3,3%; STB giảm 4,32%; MBB giảm 1,9%; CTG giảm 2,76%; BID giảm 3,77%; BVH giảm 5,88%; BMI giảm 6,09%; BIC giảm 4,85%... Trong đó, thanh khoản ở nhóm ngân hàng vẫn khá tích cực khi MBB khớp 4,97 triệu đơn vị; BID và CTG cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị; EIB và VCB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ở nhóm chứng khoán, điểm sáng HCM vẫn được lực cầu hấp thụ tốt nên duy trì sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,78%, còn lại các cổ phiếu khác như SSI, BSI, AGR đều giảm nhẹ. Trong đó, SSI vẫn giao dịch khá sôi động với 3,64 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Đáng chú ý trong phiên chiều chính là sự suy giảm mạnh của các cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ nhưng đây vẫn là nhóm có thanh khoản cao nhất thị trường.
Cùng chịu áp lực chung của toàn thị trường, FLC giảm 3,85% và khớp 9,45 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản thị trường. HAI giảm 6,58% xuống mức sàn và khớp hơn 6 triệu đơn vị; các cổ phiếu khác gồm DXG giảm 2,73%; GTN giảm 3,51%; HQC giảm 1,82%; JVC giảm 5,33%, VHG giảm 1,15% và cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu quen thuộc khác như KBC, PVT, PDR… cũng giao dịch trong sắc đỏ.
NT2 được khối ngoại mua vào mạnh nhất nhưng cũng không thể thoát được giá đỏ với mức giảm 2,33% và khớp 3,53 triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn HNX, từ các cổ phiếu lớn đều nới rộng đà giảm như PVS giảm 4,1%; PVC giảm 3,27%, PVB giảm 1,36%; ACB giảm 1,95%; VCG giảm 5,34%... Trong khi đó, các cổ phiếu đầu cơ cũng đua nhau kéo giảm, đáng chú ý, SHN giảm 9,26% xuống mức sàn với lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị.
KLF là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với lượng khớp 6,34 triệu đơn vị và cũng chịu áp lực bán ra khi đóng cửa giảm 3,45%. Trong khi đó, KVC hồi nhẹ khi chỉ còn dưới mốc tham chiếu 1 bước giá và khớp gần 2,8 triệu đơn vị.