Trong phiên giao dịch sáng, dù thị trường đánh mất các ngưỡng hỗ trợ, nhưng lệnh bán giá thấp không lớn, thanh khoản đứng ở mức thấp và nhiều người cho rằng, đó là dấu hiệu thị trường đang tạo đáy.
Cùng với hiệu ứng từ việc OGC đang được ồ ạt mua vào và có phiên tăng giá đầu tiên sau 7 phiên bị bán tháo, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Tuy nhiên, mọi kỳ vọng dường như đều trở thành ảo vọng khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều. Trong thời gian nghỉ giữa 2 phiên, lệnh bán giá thấp vốn được giữ chân tốt trong phiên sáng đã được “lên nòng” và ngay khi thị trường mở cửa trở lại, pháo lệnh đã phát ra, kéo thị trường đồng loạt giảm mạnh. Các chỉ số không còn lình xình, mà cắm đầu đi xuống với mức giảm từ 1,5% đến hơn 2%. Dù bên bán bị mất kiên nhẫn, nhưng bên mua cũng không mấy mặn mà bắt đáy, giống như trường hợp của OGC phiên hôm qua, vì vậy thanh khoản thị trường vẫn không được cải thiện.
Độ rộng của thị trường được nới rộng hơn trong phiên chiều với số mã giảm giá nhiều gấp 3 lần số mã tăng giá (khoảng 300 mã giảm giá trên cả 2 sàn, trong khi số mã tăng giá chưa tới 100 mã).
Về cuối phiên, bất ngờ nhiều cổ phiếu thị trường lại được đẩy giá trở lại, tuy nhiên nhóm bluechip giảm mạnh khiến điểm số của VN-Index không được cải thiện nhiều, trong khi HNX-Index từ mức giảm hơn 2%, đã hồi mạnh cuối phiên, đóng cửa cao hơn cả phiên sáng.
Cụ thể, kết thúc phiên chiều, VN-Index giảm 7,26 điểm (-1,32%), xuống 544,41 điểm. Độ rộng của thị trường được thu hẹp đang kể so với trước đợt giao dịch liên tục kết thúc khi chốt phiên có 64 mã tăng và 147 mã giảm. Thanh khoản hôm nay tiếp tục đứng ở mức thấp với tổng khớp 72,36 triệu đơn vị, giảm hơn 18% so với phiên trước, trong khi tổng giá trị khớp lệnh đạt 1.067,83 tỷ đồng, tương đương phiên trước đó. Thanh khoản phiên hôm nay giảm so với phiên trước do phiên trước có sự đột biến về khớp lệnh của OGC khi mã này được khớp tới hơn 23 triệu đơn vị.
Ngoài phiên khớp lệnh, phiên giao dịch thỏa thuận chiều này cũng gây chú ý với 2,09 triệu cổ phiếu SSC, giá trị 124,44 tỷ đồng, cùng với gần 1,2 triệu cổ phiếu KDC, giá trị 49,41 tỷ đồng được sang tay.
Trên HNX, lực mua đỡ giá cuối phiên giúp kéo một số mã hồi phục thần kỳ và qua đó hãm bớt đà giảm của HNX-Index khi chỉ số này chỉ còn giảm 0,61 điểm (-0,76%), xuống 79,15 điểm với 79 mã tăng và 108 mã giảm. Có thời điểm, HNX-Index giảm hơn 2%, xuống gần ngưỡng 78 điểm.
Thanh khoản trên HNX tăng nhẹ so với phiên trước với tổng khối lượng khớp đạt 42,9 triệu đơn vị, tăng 11,4%, tổng giá trị khớp 443 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với phiên trước. Hôm nay, thỏa thuận trên HNX khá khiêm tốn khi chỉ có hơn 650.000 đơn vị, giá trị hơn 8 tỷ đồng được sang tay.
Dù thị trường có những lúc bị rung lắc mạnh, nhưng những nhà đầu tư bắt đáy OGC hôm qua vẫn yên lòng khi mã này luôn còn dư mua giá trần trong phiên chiều nay. Kết thúc phiên, OGC đóng cửa ở mức 2.900 đồng với 4,14 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần 3 triệu đơn vị. Những nhà đầu tư theo trường phái lạc quan đang mơ ước về khả năng OGC hồi về mức 3.9 - 4.0 trong thời gian tới.
Trong khi trên HOSE là OGC, thì trên HNX vẫn là SHN một mình độc diễn. Bất chấp những mã còn lại trên sàn bị bán tháo, SHN vẫn yên vị ở mức giá trần 6.100 đồng. Có tưởng chừng sắc tím của SHN sẽ khó giữ khi lượng bán ra khá lớn và khiến SHN không còn dư mua giá trần. Tuy nhiên, bước vào đợt khớp lệnh đóng cửa, lệnh ATC và mua giá trần đã được chất từ trước để chuẩn bị cho đợt cuối, nên kết thúc phiên SHN lại còn dư mua giá trần và ATC gần 370.000 đơn vị và được khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Ngoại trừ 2 mã này, các mã còn lại trên 2 sàn đều chịu rung lắc rất lớn, trong đó, đáng chú ý là SHB trên HNX và FLC trên HOSE.
SHB có lúc đã bị kéo xuống mức giá sàn 7.200 đồng và với lực bán ra mạnh, tưởng chừng kết mã này sẽ kết thúc phiên với sắc xanh mắt mèo. Tuy nhiên, lực mua đỡ giá bất ngờ tung vào cuối phiên, giúp SHB hồi phục, thậm chí có lúc leo qua mốc tham chiếu trước khi đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá, xuống 7.800 đồng với 10,55 triệu đơn vị được khớp. Biên độ dao động của SHB phiên hôm nay là hơn 11%, còn với những nhà đầu tư đã mua được ở mức sàn, thì tới lúc đóng cửa, đã có ngay mức lãi hơn 8%.
Tương tự là KLF, mã này cũng có biên độ dao động lớn, hơn 12% trong phiên hôm nay. Và với những nhà đầu tư đã mua được KLF ở mức giá sàn 6.600 đồng trong phiên sáng, thì kết thúc phiên hôm nay đã có được mức lãi hơn 9% khi KLF đóng cửa ở mức tham chiếu 7.300 đồng với 4,67 triệu đơn vị được khớp.
FIT cũng được kéo lên mức cao nhất ngày 13.300 đồng, chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá với 3,7 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, FLC cũng có kích bản khá giống với những mã thị trường trên HNX khi có lúc bị kéo xuống mức 9.500 đồng, nhưng cuối cùng trong khi đợt ATC kết thúc, FLC lại đóng cửa với sắc xanh khi tăng 1 bước giá, lên 10.000 đồng, tổng khối lượng khớp hơn 6,76 triệu đơn vị.
Các mã thị trường khác trên sàn HOSE như DLG, HQC, ITA cũng hồi phục trở lại trong đợt ATC và đóng cửa tham chiếu hoặc chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá.
Trong khi đó, các mã bluechip lại có phiên bị bán mạnh và theo một số nhà đầu tư, đây dường như là phiên “thay máu” của nhóm này để thị trường bước vào đợt phục hồi sắp tới. Trong số này, HAG giảm 4,3%, xuống 17.800 đồng, với gần 4,1 triệu đơn vị được khớp. MSN giảm 4,24%, xuống mức thấp nhất ngày 79.000 đồng. HPG cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 26.900 đồng, giảm 2,89%. Các mã lớn như GAS, VNM, VIC, hay các mã ngân hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ. Đây chính là nguyên nhân khiến VN-Index giảm mạnh trong phiên hôm nay.
Trong phiên hôm nay, sau khi giảm xu hướng mua ròng trong 2 phiên vừa qua, khối ngoại đã chính thức bán ròng trong phiên hôm nay. Trên HOSE, khối này bán ròng 2,93 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 28 tỷ đồng, trong khi trên HNX, khối này vẫn duy trì trạng thái mua ròng nhẹ 283.000 đơn vị, giá trị mua ròng 6,5 tỷ đồng.