Phiên giao dịch chiều 1/2: VNM không cứu nổi thị trường

(ĐTCK) Mặc dù VNM vẫn tiếp tục tỏa sáng nhưng gánh nặng đến từ các ông lớn khác như GAS, BVH, VCB, VIC khiến thị trường không thể thoát khỏi phiên điều chỉnh giảm điểm.
Phiên giao dịch chiều 1/2: VNM không cứu nổi thị trường

Kinh tế vĩ mô tiếp tục có thêm những tín hiệu tích cực, CPI tháng 1/2016 không tăng so với tháng 12/2015, khu vực dịch vụ phát triển ổn định, tổng cầu của nền kinh tế và sức mua tiếp tục được cải thiện… nhưng cùng với diễn biến nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng mạnh qua các phiên, tâm lý nhà đầu tư trong nước càng thận trọng hơn bởi kỳ nghỉ lễ tết đang đến dần khiến thị trường chứng khoán vẫn khó khăn có được nhịp tăng điểm.

Sau phiên tăng tích cực cuối cùng của tháng 1 (ngày 29/1), bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, thị trường đã điều chỉnh giảm nhẹ. Tuy nhiên, viruts đỏ cũng nhanh chóng bị ngăn chặn nhờ lực cầu gia tăng giúp thị trường hồi phục tích cực trong nửa sau của phiên sáng và giới đầu tư kỳ vọng hơn vào đợt tăng trong phiên chiều.

Bản tin tài chính trưa 1/2
Bước vào phiên giao dịch chiều, trái với kỳ vọng của giới đầu tư, áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng khiến lượng lớn cổ phiếu trên sàn chuyển sang giao dịch trong sắc đỏ.  Sự lẻ loi của VNM không đủ sức giúp thị trường cầm cực trước đà giảm khá mạnh của các ông lớn như GAS, BVH, VCB, VIC…

Đóng cửa, sàn HOSE có 89 mã tăng và 138 mã giảm, chỉ số Vn-Index giảm 4,69 điểm xuống 540,56 điểm. Thanh khoản giảm khá mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 107,29 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.776,7 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 15,78 triệu đơn vị, trị giá 339,41 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, giao dịch phiên chiều khá buồn tẻ, cùng với thanh khoản giảm, diễn biến thị trường lình xình trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 76 điểm. Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,82%) xuống 76,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,86 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 336,22 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chưa tới 15 tỷ đồng.

Tác nhân kéo thị trường giảm mạnh chủ yếu từ các cổ phiếu bluechip. Trong nhóm VN30 có 19 mã giảm và 8 mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm 3,63 điểm xuống 557,98 điểm; còn HNX30 giảm 1,12 điểm xuống 135,38 điểm với 10 mã tăng và 13 mã giảm.

Ngoại trừ điểm sáng VNM tiếp tục giữ vững mức tăng 2,59% với thanh khoản đạt 0,87 triệu đơn vị thì các các lớn khác lại hãm mạnh đà tăng, thậm chí lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Cụ thể, trong khi PVD chỉ còn nhích nhẹ 100 đồng (+0,43%) thì GAS lại khá thảm khi đánh mất 1.700 đồng (-4,34%), BVH giảm 1.000 đồng (-2%), MSN giảm 1,38%, VCB giảm 1,7%, VIC giảm 1,26%, HSG giảm 2,8%, HPG giảm 2,91%...

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh VCB nới rộng đà giảm, các mã khác trong ngành cũng đều chuyển sang giao dịch trong sắc đỏ, ngoại trừ MBB vẫn giữ mức tham chiếu. Cụ thể, BID giảm 2,98%, EIB giảm 1,9%, còn CTG, STB, ACB, SHB cùng giảm 1 bước giá.

Đáng chú ý, thành viên mới của nhóm VN30 là SBT sau đợt giảm mạnh cuối phiên sáng đã tiếp tục lao dốc bởi áp lực bán tăng mạnh. Chốt phiên SBT giảm 1.800 đồng (-6,72% xuống giá sàn 25.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh hơn 2,7 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 0,4 triệu đơn vị.

Tình trạng cạn thanh khoản với dư bán sàn chất đống vẫn tiếp diễn đối với cổ phiếu của công ty con HAG. Cụ thể, đây là phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp của HNG, với mức giảm 1.000 đồng/CP (-6,5%) xuống 14.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 11.750 đơn vị và dư bán sàn 7,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, điểm sáng của phiên sáng là HQC vẫn giữ vững sắc tím nhưng bên bán trắn sàn khiến khối lượng khớp lệnh trong phiên chiều chỉ đạt hơn 0,2 triệu đơn vị. Chốt phiên, HQC tăng 6% lên mức trần 5.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,39 triệu đơn vị và dư mua trần 1,51 triệu đơn vị.

PTL sau khi báo lãi trong quý IV/2015 cũng đã khởi sắc và ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp lên 1.800 đồng/CP với lượng khớp 88.850 đơn vị và dư mua trần 1,78 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, FLC giằng co quanh mốc tham chiếu với biên độ hẹp và đã chốt phiên giảm nhẹ 1 bước giá xuống 6.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 7,48 triệu đơn vị. Còn SCR và KLF cùng hãm đà tăng với biên độ 100 đồng/CP và thanh khoản lần lượt đạt 5,97 triệu đơn vị và 3,31 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục