Thêm tín hiệu vĩ mô “đỡ” thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Vẫn giữ được đà phục hồi của năm 2015, kinh tế vĩ mô trong tháng đầu tiên của năm nay, theo đánh giá của các thành viên Chính phủ và giới phân tích trong lĩnh vực chứng khoán, tiếp tục có thêm tín hiệu tích cực, nâng đỡ TTCK.
Kinh tế vĩ mô tháng 1/2016 tiếp tục khả quan, làm bệ đỡ cho TTCK đi lên Kinh tế vĩ mô tháng 1/2016 tiếp tục khả quan, làm bệ đỡ cho TTCK đi lên

Doanh nghiệp dần khỏe

“Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016 vừa diễn ra, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế trong tháng qua tiếp tục đạt kết quả khả quan. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng qua không tăng so với tháng 12/2015. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu của nền kinh tế và sức mua tiếp tục được cải thiện. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quy mô doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước...”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016 diễn ra cuối tuần qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2016, cả nước có 8.320 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% về số doanh nghiệp và tăng 87% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong tháng qua, cả nước có 4.872 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu năm có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong một số năm gần đây. Con số này trong tháng 1/2014 và tháng 1/2015 lần lượt là 2.375 doanh nghiệp và 2.872 doanh nghiệp.

Cùng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng qua tiếp tục tăng tốt, hoạt động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Trong tháng 1/2016, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt hơn 1,33 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện trong tháng qua ước đạt 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Điểm tích cực là dòng vốn FDI tiếp tục chủ yếu chảy vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ những tín hiệu khả quan của kinh tế vĩ mô trong thời điểm đầu năm, nghiên cứu triển vọng kinh tế và TTCK năm 2016 của CTCK BSC (BSI) dự báo, TTCK sẽ bắt đầu giai đoạn phục hồi từ tháng 2/2016. Xu hướng vận động đi lên này sẽ kéo dài đến tháng 8. Tuy nhiên, nếu các nỗ lực cải cách nền kinh tế cũng như khả năng hiện thực hóa các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại không rõ nét, TTCK có khả năng đảo chiều đi xuống trong thời điểm cuối năm nay. 

... nhưng mức độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ không lớn

Bên cạnh những diễn biến tích cực, người phát ngôn Chính phủ cũng chỉ rõ những khó khăn mà nền kinh tế và doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đó là sự phục hồi chậm, thiếu vững chắc của kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi, đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn…

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp trong tháng 1/2016 gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động khá cao, 12.456 doanh nghiệp, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tại Phiên họp Chính phủ tháng 1/2016, ông Nên cho biết, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc triển khai ngay từ những tháng đầu năm.

Trong đó ưu tiên kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 19/2015 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mục tiêu bằng ASEAN-4 vào cuối năm nay. Cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị, nhanh chóng thích nghi với các thỏa thuận TPP, FTA và các cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

BSI dự báo, GDP trong năm 2016 sẽ tăng trưởng khoảng 6,7 – 6,9%, khả quan hơn tốc độ tăng trưởng trong các năm gần đây. Triển vọng tương đối sáng sủa về dòng vốn FDI trong thời gian tới mang đến kỳ vọng tích cực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu, vốn là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế không chỉ năm 2016 mà còn cả thời kỳ sau đó. Xuất khẩu vẫn đóng vai trò lực đẩy chủ đạo cho nền kinh tế, đặc biệt là từ nhóm doanh nghiệp có vốn FDI.

Nhu cầu nội địa được kỳ vọng là một điểm tựa đáng chú ý cho tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP gặp nhiều thách thức đến từ chất lượng tăng trưởng thấp do năng suất lao động hạn chế, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, sự sút giảm kinh tế trong ASEAN và Trung Quốc...

Từ những phân tích vĩ mô trên, BSI dự báo mức độ tăng trưởng của TTCK năm 2016 không nhiều, trong khi rủi ro lớn hơn, nên hoạt động đầu tư cần thận trọng. NĐT cần hướng hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp cơ bản, quản trị minh bạch, những cổ phiếu thoái vốn, niêm yết mới...          

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục