Thị trường phiên sáng nay đã rung lắc mạnh khi bên bán gia tăng áp lực lên nhóm cổ phiếu lớn. Sắc xanh trên các chỉ số chỉ được duy trì khi lượng cung giá thấp ở các mã lớn được tiết giảm dần, cùng với đó lực cầu tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Thanh khoản dù được cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn ở mức rất thấp (chưa đầy 1.000 tỷ đồng trên 2 sàn) cho thấy rõ ràng, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường. Hoạt động giao dịch vẫn nhỏ giọt ở các mã lớn, mà chỉ tập trung ở một số mã bất động sản vừa và nhỏ dự báo có kết quả kinh doanh khả quan.
Chính sự “nhùng nhằng” này dường như khiến bên nắm giữ cổ phiếu đã mất kiên nhẫn trong phiên giao dịch chiều nay. Sắc xanh chỉ duy trì được ít phút đầu phiên, trước khi được thay bằng sắc đỏ khi bên bán gia tăng mạnh sức ép, tập trung tại nhóm ngân hàng và các cổ phiếu lớn khác.
Đã có sự giằng co khi VN-Index về đến mốc 570 điểm. Tuy nhiên, trước sự sốt ruột đẩy bán của bên nắm giữ cổ phiếu, nhất là ở các mã ngân hàng, trong khi bên cầm tiền vẫn gần như “án binh bất động”, nên chỉ số tiếp tục bị đẩy lùi, đóng cửa xuống gần mốc 565 điểm.
Thị trường suy giảm khá nhanh, nhưng lực cầu lại tỏ ra quá thận trọng và dè dặt, nên thanh khoản chưa được cải thiện nhiều.
Đóng cửa, với 87 mã tăng và 112 mã giảm, VN-Index giảm 5,33 điểm (-0,93%) xuống 566,74 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 5,27 điểm (-0,9%) xuống 583,27điểm với 7 mã tăng và 15 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,98 triệu đơn vị, giá trị 1.422,35 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 11,3 triệu đơn vị, giá trị gần 210 tỷ đồng. Ngoài các mã ở phiên sáng như PAN, VIC, LSS, thỏa thuận đáng chú ý trong phiên chiều nay còn có thêm 1,4 triệu cổ phiếu EIB trị giá 16,24 tỷ đồng và 1 triệu trái phiếu E1VFVN30 trị giá 9,4 tỷ đồng.
Còn với 68 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,46%) về 77,43 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,76 điểm (-0,52%) xuống 143,53 điểm với 6 mã tăng và 12 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,13 triệu đơn vị, giá trị 367,76 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1,85 triệu đơn vị, trị giá 32,55 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu DBC, trị giá 26 tỷ đồng.
Như đã nêu trên, sức ép bán mạnh dồn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm tăng tốt nhất trong thời gian qua, ngoại trừ EIB tăng nhẹ 1 bước giá, còn đều giảm điểm mạnh. VCB giảm 1.100 đồng, còn STB, BID và CTG cùng giảm 400 đồng, trong đó BID và CTG khớp 1,77 triệu và 1,93 triệu đơn vị. MBB giảm 100 đồng và khớp 1,99 triệu đơn vị.
Nhiều mã lớn khác trong rổ VN30 cũng chịu chung số phận. MSN giảm 1.500 đồng, VNM giảm 1.000 đồng, HPG giảm 700 đồng. Các mã khác như VIC, BVH, FPT... cũng giảm từ 200-400 đồng.
SSI và HCM cùng giảm 500 đồng, riêng SSI khớp được 2,13 triệu đơn vị.
Trụ đỡ chính của thị trường là dầu khí cũng yếu đi rõ rệt. GAS chỉ còn tăng tối thiểu, PVD tăng 2 đồng, PVT về tham chiếu, DPM giảm 100 đồng....
Trong khi đó, dòng tiền vẫn tiếp tục hoạt động tích cực ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là tại nhóm các cổ phiếu bất động sản, nhưng đà tăng ở nhóm này cũng bị hạn chế nhiều.
ITA và KBC vẫn tăng kịch trần lên tương ứng 5.400 đồng/CP và 13.100 đồng/CP. ITA vươn lên dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 6,3 triệu đơn vị được khớp. KBC khớp 4,63 triệu đơn vị. OGC cũng kịp tăng trần lên 2.500 đồng/CP và khớp 1m6 triệu đơn vị.
Sắc tím vẫn còn trụ lại ở CCI, EMC, KSA, KSH, NVT, PTK, SII, SC5, SGT, STT...
DXG và LDG chỉ còn giữ được sắc xanh nhạt, cùng khớp trên 2,1 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, FLC, CII, DLG, FIT, HAI, HAR đã lùi về mốc tham chiếu. FLC và CII khớp trên 4,2 triệu đơn vị, còn lại thanh khoản đề từ hơn 1-2 triệu đơn vị.
BGM giảm sàn, khớp được 2,86 triệu đơn vị và bên mua trắng lệnh. VHG giảm 100 đồng và khớp 2,8 triệu đơn vị. Các mã GTN, KMR, PDR, giảm nhẹ 1-2 bước giá, thanh khoản đều trên 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà giảm của chỉ số sàn này không mạnh khi các cổ phiếu trong nhóm dẫn dắt như chứng khoán, dầu khí, ngân hàng chỉ giảm nhẹ 1-2 bước giá như ACB, SHB, PVS, BVS, VND... SHB khớp được 1,8 triệu đơn vị.
Mã CEO giảm mạnh 600 đồng và khớp 1,98 triệu đơn vị. KLF vẫn đứng tham chiếu và khớp 1,7 triệu đơn vị.
HUT tăng 400 đồng và khớp được 1,1 triệu đơn vị. PVX và VIX cũng tăng nhẹ và khớp tương ứng 2,2 triệu và 2,7 triệu đơn vị.
Mã dẫn đầu thanh khoản vẫn là TIG với 3,57 triệu đơn vị được khớp, nhưng giảm vẫn giảm 100 đồng về 11.300 đồng/CP. S99 giảm 200 đồng và khớp 1,13 triệu đơn vị.
Như vậy, thị trường đã tiếp tục điều chỉnh khá mạnh ở phiên cuối tuần này khi bên nắm giữ cổ phiếu đã tỏ ra sốt ruột, trong khi bên cầm tiền mặt vẫn rất thận trọng. Phản ứng này cho thấy thị trường trong tuần giao dịch tới sẽ đón nhận không ít biến động.