Lên sàn là lỗ

(ĐTCK) Các khoản thuế phí phải nộp khi mua bán chứng khoán: thuế thu nhập cá nhân (lỗ lãi đều phải nộp), phí lưu ký, phí SMS (dịch vụ nhắn tin trạng thái tài khoản), phí margin (nếu dùng đòn bẩy)…
Lên sàn là lỗ

1. Để đi từ Hà Nội về tới Thái Bình bằng xe ô tô cá nhân (5 chỗ), bạn sẽ phải trả bao nhiêu phí đường bộ? Câu trả lời là 80.000 đồng cho khoảng 110 km với 3 trạm thu phí: đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 21 (mới), và cầu Tân Đệ.

Như vậy, tính trung bình khoảng 36km, bạn sẽ gặp một trạm thu phí. Một khoảng cách quá gần, và mức phí còn lớn hơn rất nhiều nếu bạn là chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải (160.000 đồng/lượt với xe container 40 fit qua cầu Tân Đệ).

Đầu tư cơ sở hạ tầng cần nhiều vốn, BOT, BT đồng nghĩa với việc phải có trạm thu phí để hoàn vốn. Nhưng việc “băm nhỏ” các đoạn đường với nhiều dự án BOT khác nhau khiến số trạm thu phí mọc lên nhiều tới mức ngỡ ngàng.

Chuyện cũng không phải là mới. Cách đây 3 năm, một tờ báo đã thống kê 3 cái sai của… trạm thu phí. Một ví dụ đã được nêu ra là để đưa một xe container đi từ cảng Cát Lái về Long An, cần phải qua 3 trạm với mức phí tới 940.000 đồng, bằng 30% tiền cước vận tải, doanh nghiệp khó mà lãi nổi!

Nhưng không vì thế mà số trạm thu phí giảm đi. Theo báo cáo mới đây của TP. HCM, từ 2016-2025, thành phố này sẽ có thêm 4 trạm thu phí mới được xây dựng để thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, nâng số trạm mà thành phố này “sở hữu” tới lên con số 10. Và trong báo cáo giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết, hiện có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành.

Ai sẽ phải trả tiền cho các trạm thu phí này? Câu trả lời là người dân, bởi nếu doanh nghiệp vận tải trả thì cuối cùng cũng chuyển vào tiền hàng hóa, dịch vụ mà người dân sử dụng. Nếu quá trình đầu tư và khai thác có thất thoát thì người dân cũng phải trả cho các khoản thất thoát đó bằng phí qua trạm.

Phí đường bộ, thuế môi trường (tính vào giá xăng), phí bảo trì đường bộ… Tất cả khiến cho câu “ra đường là mất tiền” đúng về nghĩa đen.

2. Chuyện về trạm thu phí không mới, nhưng là thời sự bởi đầu tuần này Bộ Giao thông-Vận tải đã có thông cáo khẳng định không “ăn gian” tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí 2 dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và BOT Hà Nội - Bắc Giang, như thông tin trước đó.

Và trong tuần trước là việc ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch CTCP Tasco (mã: HUT) khi phát biểu tại một cuộc hội thảo đã lấy ngay trường hợp CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã: CII) làm ví dụ về sự thua lỗ khi đầu tư dự án BOT, khiến lãnh đạo CII phải phản ứng với thông cáo khẳng định: “Các dự án BOT của CII luôn có lãi, mặc dù lãi không cao như đầu tư các lĩnh vực khác”.

Không biết sự thật về việc đầu tư các dự án BOT thế nào, lỗ hay lãi ít, chỉ biết rằng mỗi khi động thổ khởi công dự án, lãnh đạo các công ty này đều khẳng định dự án là hiệu quả. Và trên các diễn đàn chứng khoán, không ít người sử dụng thông tin đó để khuyến nghị mua vào HUT và CII.

3. Quay lại với chuyện phí, không chỉ chuyện “phí ra đường” như đề cập phía trên, dịp khai giảng năm học mới này, chuyện các loại phí mà phụ huynh phải đóng góp lại nổi lên. Một kiến nghị mới đây của ngành điện lực và ngành than cho khoản lỗ 1.200 tỷ đồng, do chênh lệch tỷ giá, được phân bổ vào giá điện, tức là người dân lại phải gánh.

Xa hơn một chút, trong kỳ họp Quốc hội kỳ trước, câu chuyện “quả trứng gà gánh 14 loại phí” đã làm nóng nghị trường. Và rất gần với nhà đầu tư là các khoản thuế phí phải nộp khi mua bán chứng khoán: thuế thu nhập cá nhân (lỗ lãi đều phải nộp), phí lưu ký, phí SMS (dịch vụ nhắn tin trạng thái tài khoản), phí margin (nếu dùng đòn bẩy)…

Xem ra chưa cần biết đầu tư mang lại kết quả gì, nhưng câu “lên sàn là lỗ” cũng đúng về nghĩa đen câu nói.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục