Trong phiên giao dịch sáng, sau khi giảm khá mạnh lúc mở cửa, VN-Index đã dần trở lại nhờ sự tích cực của một vài mã bluechip như HVN, HDB, STB, TPB, VJC. Tuy nhiên, với việc toàn bộ top 10 mã vốn hóa lớn nhất đều giảm giá, VN-Index vẫn có phiên giảm hơn 5 điểm.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu cởi mở hơn giúp sắc xanh lan tỏa trên bảng điện tử, kéo VN-Index về lại gần sát mốc tham chiếu. Trong đó, đáng chú ý là sự khởi sắc của HVN, cùng nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ.
Tưởng chừng VN-Index sẽ có phiên đảo chiều ngoạn mục như HNX-Index, nhưng do các mã lớn vẫn yếu đà khiến chỉ số này không thể trở lại, dù chỉ cách điểm xuất phát 1 bước chân.
Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,24 điểm (-0,14%), xuống 889,37 điểm với 188 mã tăng, trong đó có tới 27 mã tăng trần; 166 mã giảm, trong đó có 8 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 238,45 triệu đơn vị, giá trị 3.879 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng, nhưng lại giảm nhẹ 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 43 triệu đơn vị, giá trị 1.226 tỷ đồng.
Việc khối lượng tăng, trong khi giá trị giảm phiên hôm nay là do dòng tiền chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhóm này khởi sắc với hàng loạt mã tăng trần như FLC, DLG, LDG, ROS, HAI, HID, TSC, TDG, TGG, AMD, DIC, QCG… Trong đó, họ FLC là nhóm thu hút dòng tiền đầu cơ mạnh nhất.
Chốt phiên, FLC tăng trần lên 4.140 đồng, khớp 19,55 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE và còn dư mua trần tới hơn 2,36 triệu đơn vị.
ROS cũng đóng cửa ở mức trần 7.960 đồng, khớp 4,88 triệu đơn vị, dư mua giá trần tới gầ 7 triệu đơn vị; HAI khớp 1,82 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 3.040 đồng, còn dư mua giá trần 1,5 triệu đơn vị; AMD cũng tăng trần lên 2.680 đồng và còn dư mua trần lên tới hơn 11,3 triệu đơn vị. Do ít người bán, nên thanh khoản của AMD chỉ hơn nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu GAB không lên mức trần, nhưng cũng có đà tăng tốt với mức tăng 6,59% lên 116.500 đồng.
Cũng nổi sóng chiều nay còn phải kể đến DLG với hơn 10 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa ở mức trần 1.970 đồng và còn dư mua giá trần hơn 1,1 triệu đơn vị. LDG tăng trần lên 6.660 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị…
Trong nhóm bluechip, HVN đã bật mạnh trở lại mức giá trần 24.250 đồng khi lượng dưa bán được nhà đầu tư nhanh chóng hấp thụ hết. Chốt phiên, HVN khớp 1,63 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Ngoài HVN, nhiều mã bluechip khác cũng có giao dịch tích cực trong phiên chiều. Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, đã không còn cảnh tất cả đều giảm giá, mà VIC, VHM, CTG, VPB trở lại tham chiếu, các mã khác cũng thu hẹp đà giảm.
Trong đó, các mã tăng tốt có STB tăng 2,04% lên 12.500 đồng, khớp 12 triệu đơn vị, đứng sau FLC. HDB tăng 1,62% lên 28.150 đồng, khớp 1,57 triệu đơn vị. Các mã đóng cửa trong sắc xanh hôm nay còn phải kể đến VJC, TCB, HPG, TPB…
Trên HNX, sau nửa phiên lình xình sát dưới tham chiếu, HNX-Index đã nhảy vọt trong nửa cuối phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất ngày khi ACB, SHB, PVS đảo chiều tăng mạnh.
Cụ thể, chốt phiên, HNX-Index tăng 1,45 điểm (+1,29%), lên 114,02 điểm với 76 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,58 triệu đơn vị, giá trị 1.033 tỷ đồng, tăng 14% về khối lượng và 11,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,7 triệu đơn vị, giá trị 40 tỷ đồng.
Sau khi gặp rung lắc khá mạnh phiên sáng do áp lực chốt lời, cổ phiếu SHB đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên chiều khi lực cầu chảy mạnh. Chốt phiên, SHB tăng 6,19% lên 12.000 đồng, mức cao nhất ngày với 50 triệu đơn vị được khớp.
ACB cũng đảo chiều tăng 0,78% lên 25.800 đồng, cũng là mức cao nhất ngày với hơn 5 triệu đơn vị được khớp, đứng sau SHB.
PVS cũng tăng 1,32% lên 15.400 đồng, khớp 4 triệu đơn vị. NVB vẫn đứng giá tham chiếu 8.800 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị.
Ngoài các mã bluechip trên, sàn HNX cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu nhỏ tạo sóng phiên hôm nay. Cũng giống như các “anh em” của mình trên HOSE, 2 cổ phiếu họ FLC trên HNX cũng tăng trần từ phiên sáng và duy trì sắc tím đến khi chốt ngày giao dịch. Trong đó, ART khớp 4,29 triệu đơn vị, đứng sau SHB và ACB về thanh khoản, đóng cửa ở mức trần 2.800 đồng, còn dư bán trần và ATC hơn 1 triệu đơn vị.
KLF cũng đóng cửa ở mức trần 1.600 đồng, khớp 1,74 triệu đơn vị và còn dư mua trần và ATC lớn tới hơn 4,5 triệu đơn vị.
Ngoài cặp đôi này, MBG cũng đóng cửa ở mức trần 16.100 đồng, khớp 2,67 triệu đơn vị, PVX lên mức trần 1.000 đồng, khớp 0,78 triệu đơn vị và một số mã khác như DST, BII, IDJ…
Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường này lại diễn biến ngược lại khi quay đầu giảm nhẹ và lình xình sát dưới tham chiếu trong gần như suốt phiên chiều trước khi kịp trở lại trên điểm xuất phát 1 bước chân vào ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,14%), lên 55,54 điểm với 98 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,8 triệu đơn vị, giá trị 348 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 99 tỷ đồng.
LPB vẫn là mã có giao dịch tích cực nhất trong nhom bluechip trên thị trường này khi khớp 7,17 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,45% lên 9.000 đồng, thấp hơn phiên sáng 1 bước giá.
Trong khi đó, giao dịch tại HLT tiếp tục là trao tay giữa các nhà đầu tư tại mức giá đã thỏa thuận trước 18.300 đồng. Chốt phiên, HLT khớp 2,52 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,81% lên 18.300 đồng, mức giá khớp duy nhất trong ngày.
Với các mã bluechip khác, BSR đã đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 1 bước giá lên 8.100 đồng, khớp 1,68 triệu đơn vị. Trong khi GVR vẫn giảm 2,33% xuống 12.600 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị.
Đây là 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM trong phiên hôm nay.
Các mã khác, VIB, CTR, OIL, VGI, VEA, MCH giảm giá, trong khi ACV, LTG, VTP, MSR, VGG, VBB tăng giá, nhưng mức biến động của các mã này không lớn.
Trên thị trường phái sinh, trong khi VN30-Index không thể đảo chiều thành công khi đóng ở mức tham chiếu 837,99 điểm, thì 3/4 hợp đồng tương lai của chỉ số này đã đảo chiều thành công, chỉ có VN30F2004 đáo hạn ngày 16/4 giảm 0,19% xuống 842,4 điểm. Trong khi đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (ngày 19/3) là VN30F2003 tăng 0,37% lên 841,1 điểm với 123.322 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 22.118 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, giống như chứng khoán cơ sở, các mã chứng quyền cũng có sự phân hóa rõ nét trong phiên hôm nay, nhưng độ rộng vẫn nghiêng về sắc đỏ với 32 mã giảm, trong khi có 24 mã tăng. Trong đó, CROS2001 là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 1,48 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 30% lên 130 đồng. Tiếp đến là CMWG1907 với gần 0,8 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 21% xuống 150 đồng.