Phiên chiều 4/11: ROS giảm sâu, VN-Index mất điểm phiên thứ 3 liên tiếp

(ĐTCK) E ngại những yếu tố tác động từ bên ngoài, nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát, khiến VN-Index tiếp tục giảm điểm với thanh khoản đứng ở mức rất thấp. Trong đó, ROS bị chốt lời rất mạnh và giảm sâu trong phiên hôm nay, có thời điểm xuống mức sàn.
Phiên chiều 4/11: ROS giảm sâu, VN-Index mất điểm phiên thứ 3 liên tiếp

Trong phiên giao dịch sáng, dòng tiền chỉ tập trung tại một số cổ phiếu đầu cơ khiến diễn biến thị trường diễn ra ảm đạm. Mặc dù vậy, các chỉ số giảm không mạnh khi lực cung giá thấp cũng không quá lớn.

Phiên giao dịch chiều nay cũng không có biến chuyển nào đáng kể. Vẫn là nhịp giao dịch chậm chạp, thanh khoản nhỏ giọt. Các chỉ số có sự giằng co khá mạnh khi một số cổ phiếu trụ có sự thay đổi về giá. Cũng đã có thêm một nhịp hồi trong đợt khớp lệnh ATC, những cũng giống như phiên trước đó, cú hồi này chưa thể giúp các chỉ số có được sắc xanh.

Thanh khoản yếu kém tiếp tục là điểm nhấn trong phiên giao dịch này, khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 4/11, với 119 mã tăng và 134 mã giảm, VN-Index giảm 0,9 điểm (-0,13%) về 666,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,22 triệu đơn vị, giá trị 1.574,38 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 12,72 triệu đơn vị, giá trị gần 231,72 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 2,247 triệu cổ phiếu DLG, giá trị 6,525 tỷ đồng; 1,9 triệu cổ phiếu BHS, giá trị 29,5 tỷ đồng; 3,666 triệu cổ phiếu HNG, giá trị gần 20 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 5,35 tỷ đồng.

Tương tự, với 84 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,24%) về 80,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,74 triệu đơn vị, giá trị 243,16 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 2,76 triệu đơn vị, giá trị 23,7 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 1,108 triệu cổ phiếu HKB, giá trị gần 4 tỷ đồng.

Đã có những thay đổi về giá trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VNM và MWG quay đầu giảm điểm, còn VIC, BVH, CTG và VCB lùi về tham chiếu. Trong khi GAS và BID quay đầu tăng điểm.

Trong đó, MWG giảm 1% về 151.100 đồng/CP, còn BID tăng 0,6% lên 16.200 đồng/CP. BID, HPG và HSG là các mã tăng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Còn VNM là mã giảm duy nhất khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Sự biến động này khiến VN-Index giằng co mạnh hơn trong phiên chiều này, tuy nhiên, cũng nhờ sự phân hóa này mà sức ảnh hưởng lên chỉ số bị hạn chế.

Đối với nhóm luôn tập trung được dòng tiền là nhóm cổ phiếu đầu cơ, đã có đôi chút biến chuyển. Như thường lệ, FLC lại được giao dịch rất mạnh trong phiên chiều, nên vượt lên dẫn đầu thanh khoản thị trường với 11,33 triệu đơn vị được khớp, song mức thanh khoản này thấp hơn nhiều so với một số phiên gần đây. Kết phiên, FLC quay đầu giảm 1.15 về 6.560 đồng/CP.

Tương tự với ITA, mã có thanh khoản đứng thứ của HOSE với 6,85 triệu đơn vị được khớp, cũng quay đầu giảm 0,2% về 4.880 đồng/CP. Ngược lại, KBC lại tăng 0,9% lên 16.150 đồng/CP và khớp 2,64 triệu đơn vị.

DLG và HQC cũng khớp hơn 4 triệu đơn vị, nhưng HQC vẫn duy trì vững sắc xanh, trong khi DLG bị bán mạnh nên giảm sàn về 4.860 đồng/CP.

ROS đã chính thức thoát được mức giá sàn, song vẫn giảm mạnh 4,5% về 90.000 đồng/CP và khớp 2,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, bộ ba HKB-NHP-KVC tiếp tục là tâm điểm chú ý bởi chuỗi giảm sàn kéo dài, đi kèm lượng khớp lớn hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên, cho dù kết quả kinh doanh quý III có sự khởi sắc.

Phiên này, HKB tiếp tục giảm sàn về 3.600 đồng/CP và khớp 6 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX, và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng qua, HKB đã mất 90% giá trị, khi giảm từ mức 30.600 đồng/CP.

Tương tự, KVC cũng đo sàn 4 phiên liên tục tính cả phiên này, giảm về 2.500 đồng/CP và khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị. Trước đó, KVC cũng đã có cả chục phiên giảm sàn, kể từ mức giá 11.500 đồng/CP.

NHP không đến nỗi bi đát như 2 mã trên, song giá trị cũng giảm mạnh từ mức 15.500 đồng về còn 5.500 đồng/CP chi trong vòng nửa tháng. Phiên này, NHP giữ được mốc tham chiếu 5.500 đồng/CP dù có lúc đã giảm sàn, khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bluechips vẫn giao dịch yếu, chỉ có 4 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là KLF, DCS, SCR và SHB. Trong đó, chỉ SHB là tăng điểm.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục