Phiên chiều 4/10: Sức ép cuối phiên đẩy VN-Index xuống đáy của ngày

(ĐTCK) Dù có sự hỗ trợ của VCB, nhưng lực bán gia tăng tại các mã khác đã đẩy VN-Index lùi thẳng xuống mức thấp nhất ngày khi chốt phiên cuối tuần (4/10).

Thị trường vẫn duy trì trạng thái rung lắc trong phiên giao dịch sáng cuối tuần và không nằm ngoài xu hướng trong tuần qua với những phiên tăng giảm xen kẽ nhau. Chỉ số VN-Index đã bị đẩy về dưới mốc tham chiếu trước khi chốt phiên sáng 4/10 sau phiên hồi phục ngày hôm qua (3/10).

Bước sang phiên chiều, nỗ lực kéo của nhóm bluechip giúp VN-Index có nhịp hồi nhẹ sau hơn 15 phút giao dịch. Tuy nhiên, sắc đỏ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trước áp lực bán gia tăng đã đe dọa mốc 990 điểm.

Lực bán tiếp tục dâng cao về cuối phiên cùng gánh nặng từ nhóm bluechip gia tăng khiến VN-Index tiếp tục tiếp tục thủng ngưỡng kháng cự 990 điểm và rơi xuống mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 136 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index giảm 4,86 điểm (-0,49%), xuống 987,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 205 triệu đơn vị, giá trị 4.435,33 tỷ đồng, tăng 5,89% về khối lượng nhưng giảm 7,64% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,37 triệu đơn vị, giá trị 1.153,6tỷ đồng, trong đó ngoài thỏa thuận lớn từ SBT từ phiên sáng, còn có thêm VGC thỏa thuận 7,25 triệu đơn vị, giá trị hơn 150 tỷ đồng và LDG thỏa thuận hơn 14,3 triệu đơn vị, giá trị 175,19 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 có tới 23 mã giảm và chỉ còn 5 mã tăng. Đáng chú ý, trong khi hầu hết các mã lớn đều tạo sức ép cho thị trường thì VCB lại lội ngược dòng và nới rộng biên độ hơn so với phiên sáng khi kết phiên tăng 1,2% lên mức 83.000 đồng/CP.

Ngoài ra, ROS cũng tạo ấn tượng khi một lần nữa đảo chiều thành công ở phút cuối phiên nhờ lực cầu tăng mạnh, dù mức tăng còn khá hạn chế. Kết phiên, ROS tăng 0,2% lên 26.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt đạt 21,24 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trái lại, những người anh em trong ngành lại giao dịch thiếu tích cực như BID tìm đến mức giá thấp nhất ngày 40.500 đồng/Cp khi giảm 1,8%, CTG giảm 1,9% cũng xuống mức thấp nhất ngày 20.600 đồng/CP, MBB, STB, TCB, VPB cũng kết phiên trong sắc đỏ.

Ở nhóm chứng khoán, các mã cũng đua nhau giảm sâu như SSI hôm nay điều chỉnh giá tham chiếu chuẩn bị chia cổ tức 10% bằng tiền mặt đã đảo chiều giảm 3,6% xuống mức giá thấp nhất ngày 21.600 đồng/CP, HCM giảm 5,1% xuống 23.200 đồng/CP, ngoài ra trên HNX còn có IVS, HBS, SHS cũng giảm khá mạnh.

Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn khác cũng nới rộng biên độ hoặc đảo chiều giảm như VNM, VHM, MSN…, đáng kể GAS giảm 1,47% xuống 100.500 đồng/CP, SAB giảm 1,5% xuống 258.000 đồng/CP.

Trong khi lực bán gia tăng trên diện rộng thị trường thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nổi lên những điểm sáng.

Điển hình, HQC giữ vững sắc tím với khối lượng khớp hơn 3,59 triệu đơn vị và dư mua trần 1,87 triệu đơn vị; TGG cũng khoác áo tím với thanh khoản tăng vọt đạt gần 3,4 triệu đơn vị và dư mua trần 0,24 triệu đơn vị; FTM không có nhiều biến động với khối lượng khớp 1,23 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,9 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, trạng thái giằng co và liên tục đổi sắc vẫn tiếp diễn trong suốt cả phiên chiều. Chỉ số HNX-Index nỗ lực quay về mốc tham chiếu nhưng bất thành trước áp lực bán khá lớn.

Đóng cửa, sàn HNX có 37 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%), xuống 105,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,12 triệu đơn vị, giá trị 286,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,9 triệu đơn vị, giá trị 59,12 tỷ đồng.

Bên cạnh VCS tiếp tục nới rộng biên độ giảm với mức giảm 1,6% xuống 106.100 đồng/CP, một số bluechip khác cũng không giữ được mốc tham chiếu như PVS giảm 1,6% xuống 18.900 đồng/CP, PVI giảm 0,6% xuống 33.600 đồng/CP, SHB giảm 1,5% xuống 6.500 đồng/CP…

Trong khi đó, VCG đã lấy lại sắc xanh sau 11 phiên liên tiếp đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm từ giữa tháng 9 đến nay, với mức tăng nhẹ 0,4% lên 26.500 đồng/CP.

Trên sàn HNX chỉ có 5 mã có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, trong đó TNG vẫn dẫn đầu thanh khoản với gần 2,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công; tiếp theo đó là PVS khớp 2,29 triệu đơn vị, ART khớp 1,77 triệu đơn vị, ACB khớp 1,58 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc đỏ xuyên suốt trong cả phiên giao dịch chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,39%), xuống 56,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 113,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 62,75 tỷ đồng.

Cổ phiếu HTM tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng 6% lên mức 16.000 đồng/CP cùng giao dịch sôi động khi vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM, đạt 1,27 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR đảo chiều trở lại giao dịch trong sắc đỏ khi giảm 1,1% xuống 9.100 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai cũng theo chân thị trường cơ sở đảo chiều giảm, trong đó, hợp đồng VN30F1910 vẫn mua bán mạnh nhất, với 94.539 đơn vị được sang tay, giảm gần 8% xuống 918,6 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 7 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, CVNM1901 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 61.683 đơn vị, đóng cửa tăng 4,35% lên 720 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục