Vi phạm về thuế, vì sao lúc cắt margin, lúc không?
Thời gian qua, có những doanh nghiệp niêm yết bị xử phạt vi phạm quy định về thuế thì bị cắt margin, nhưng có trường hợp khác không bị.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trước đây, việc áp dụng Quyết định số 87/2017QÐ-UBCK về ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán đã phát sinh bất cập.
Cụ thể, doanh nghiệp niêm yết bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế vì bất kỳ lỗi gì thì đều bị cắt margin.
Có những trường hợp doanh nghiệp vi phạm do lỗi vô tình, không nghiêm trọng, nhưng đều bị cắt margin như các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác.
Ðiều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư, cũng như diễn biến giao dịch cổ phiếu trên thị trường khi số lượng cổ phiếu bị cắt giao dịch margin tăng cao do nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về thuế bị xử phạt.
Từ thực trạng bất cập trên, UBCK đã sửa đổi Quyết định 87/2017/QÐ-UBCK bằng Quyết định 1205/2017/QÐ-UBCK.
Theo đó, khi doanh nghiệp có các hành vi vi phạm nghiêm trọng về thuế nói riêng theo quy định của pháp luật về thuế, cũng như các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác nói chung, thì mới bị đưa cổ phiếu vào danh sách không được margin.
Cụ thể, có 3 trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết bị cắt giao dịch margin gồm: vi phạm hành chính về trốn thuế, gian lận thuế; không chấp hành kết luận cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; công ty niêm yết bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can.
Vậy căn cứ vào đâu để đưa các hành vi vi phạm trên vào danh sách cổ phiếu bị cắt margin?
Ðại diện UBCK cho hay, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán căn cứ vào quy định của pháp luật về thuế, đồng thời lắng nghe ý kiến từ các thành viên thị trường, đặc biệt là có sự phối hợp, trao đổi kỹ lưỡng với Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính.
Nghị định 129/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đã phân định chi tiết các hành vi vi phạm tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, để áp dụng các chế tài xử phạt.
Theo đó, người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Ðiều 108, Luật Quản lý thuế sẽ bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận.
Trường hợp đối tượng nộp thuế không chấp hành kết luận kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng.
Một lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ, theo quy định, doanh nghiệp phải công khai quyết định xử phạt của cơ quan thuế.
Trên cơ sở đó, HOSE căn cứ vào các trường hợp không được giao dịch margin tại Quyết định 1205/2017/QÐ-UBCK để bổ sung cổ phiếu vào danh sách không được giao dịch ký quỹ.
Chưa chẻ nhỏ hành vi để xử lý
Áp dụng cơ chế mới theo hướng sửa đổi tại Quyết định 1205/2017/QÐ-UBCK, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp không bị rơi vào danh sách cấm giao dịch margin.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đặt ra vấn đề đáng quan tâm, đó là có doanh nghiệp bị xử phạt do hành vi trốn thuế với mức phạt chỉ vài triệu đồng nhưng bị cắt margin.
Trong khi đó, có những hành vi vi phạm không nằm trong số các hành vi bị cắt margin như quy định tại Quyết định 1205/2017/QÐ-UBCK, nhưng mức thuế bị xử phạt, truy thu lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng vẫn được phép giao dịch margin.
Thực tế này đang đặt ra bài toán có nên chẻ nhỏ các hành vi, tính chất vi phạm, chẳng hạn căn cứ vào số tiền thuế bị phạt, bị truy thu phải chiếm tỷ trọng khá cao trên doanh thu, tài sản của doanh nghiệp, để có quyết định đưa cổ phiếu vào diện không được giao dịch margin hay không?
UBCK cho biết, quy định về giao dịch margin tại Quyết định 1205/2017/QÐ-UBCK đã được chẻ nhỏ, nay thị trường có thêm kiến nghị mới, nên cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo dõi, ghi nhận. Hiện UBCK chưa thấy có căn cứ xác đáng để sửa đổi quy định về giao dịch margin.
Mặt khác, cả ý kiến từ UBCK và HOSE đều cho rằng, muốn sửa đổi quy định về giao dịch margin liên quan đến các hành vi vi phạm về thuế, thì phải sửa từ gốc là Luật Quản lý thuế, Nghị định 129/2013/NÐ-CP, cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, trong khi điều này nằm ngoài thẩm quyền của UBCK.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán sẽ bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của thị trường, để cân nhắc điều chỉnh quy định pháp lý vào thời điểm thích hợp theo hướng quản lý chặt chẽ các cổ phiếu được phép giao dịch margin, vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa giảm thiểu rủi ro cho thị trường.
Ðể hạn chế những hệ lụy không mong muốn do cổ phiếu bị đưa vào diện “cấm cửa” margin, bản thân các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế nói riêng, các quy định của pháp luật nói chung.
Trong quá trình kê khai, nộp thuế, khi đối diện với những tình huống không rõ, không hiểu về quy định pháp lý, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tham vấn ý kiến cơ quan thuế, các đơn vị tư vấn, cũng như chuyên gia, nhằm giảm thiểu phát sinh các lỗi bị xử phạt, qua đó vừa tránh thiệt hại về tài chính, vừa không ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trong con mắt nhà đầu tư.