Phiên chiều 31/5: Hàng trăm mã giảm, VN-Index chia tay ngưỡng 960 điểm

(ĐTCK) Nỗ lực kéo bất thành do lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán gia tăng mạnh và lan rộng khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index bị đẩy về mức thấp nhất ngày khi để mất gần 10 điểm và chính thức chia tay ngưỡng 960 điểm.
Phiên chiều 31/5: Hàng trăm mã giảm, VN-Index chia tay ngưỡng 960 điểm

Thị trường thiếu động lực để hồi phục, tuy nhiên việc tiết cung giá thấp đã giúp VN-Index dành lại được mốc 965 điểm trong phiên giao dịch sáng cuối tuần.

Niềm hy vọng của nhà đầu tư tiếp tục được nhen nhóm trong phiên chiều đã giúp thị trường tiếp tục tiến sát mốc tham chiếu ngay khi bước vào phiên giao dịch. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn chỉ duy trì được trong hơn 20 phút đầu phiên thì đổ đèo. Áp lực bán gia tăng mạnh trong khi lực cầu khá yếu khiến thị trường lẫm lũi đi xuống.

Đà giảm ngày càng sâu hơn do lực bán lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hàng trăm mã giảm điểm, đã kéo VN-Index về mức thấp nhất ngày khi để thủng mốc 960 điểm, với mức giảm gần 10 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí với thông tin giá dầu giảm sâu đã tiếp tục nới rộng biên độ, tác động xấu tới thị trường như GAS giảm 3,5% xuống 104.300 đồng/CP, PLX giảm 2,6% xuống 63.100 đồng/CP, PVD giảm 5,1% xuống 18.700 đồng/CP, PXS giảm 1,6% xuống 4.850 đồng/CP…

Dòng bank cũng lùi sâu hơn khi hầu hết các mã đều giảm trên 1%, bộ ba nhà Vingroup đều đứng dưới mốc tham chiếu dù mức giảm không quá mạnh.

Trụ cột lớn VNM góp phần nhấn chìm thị trường đi xuống khi giảm 1,5% và kết phiên tại mức thấp nhất ngày 129.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 711.390 đơn vị. Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng gia tăng gánh nặng cho thị trường như HVN giảm 3,1% xuống mức thấp nhất ngày 43.450 đồng/CP, MWG giảm 1,7% xuống 86.100 đồng/CP, PNJ giảm 2,9% xuống 103.100 đồng/CP…

Trong nhóm VN30 chỉ còn lác đác một vài chấm xanh nhạt tại HPG, NVL, VJC, đáng kể nhất là SAB tăng 1,3% lên mức cao nhất ngày 267.000 đồng/CP.

Cổ phiếu ROS rung lắc khá mạnh nhưng trái với xu hướng chung, cổ phiếu này đã lấy lại thăng bằng khi kết phiên tại mức giá tham chiếu 29.950 đồng/CP và duy trì vị trí thứ 2 về thanh khoản trên thị trường, đạt 7,57 triệu đơn vị, trong khi PVD có khối lượng khớp lệnh cao nhất chỉ nhích nhẹ với 7,58 triệu đơn vị.

Không chỉ có cổ phiếu lớn, các mã vừa và nhỏ cũng đua nhau nới rộng biên độ như HSG giảm 1,7% xuống 8.130 đồng/CP, ITA có lúc giảm sàn và kết phiên tại mức giá 3.200 đồng/CP, giảm 2,4%, DXG giảm 3,4% xuống 18.300 đồng/CP, PDR giảm 1,8% xuống mức giá thấp nhất 24.200 đồng/CP…

Đóng cửa, sàn HOSE có 200 mã giảm và chỉ 90 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 9,46 điểm (-0,98%) xuống 959,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 136,53 triệu đơn vị, giá trị 3.246,84 tỷ đồng, giảm 14,66% về lượng và hơn 20% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt 22,42 triệu đơn vị, giá trị 564,65 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 8,79 triệu đơn vị, giá trị hơn 170 tỷ đồng; VHM thỏa thuận 1,14 triệu đơn vị, giá trị 93,37 tỷ đồng; MSN11718 thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 107,33 tỷ đồng…

Trong khi đó, sàn HNX có thời điểm bị đẩy về mốc 103 điểm, tuy nhiên, đà giảm được thu hẹp chút ít về cuối phiên.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,97 điểm (-0,92%) xuống 104,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 26,8 triệu đơn vị, giá trị 359,88 tỷ đồng, tăng 26,65% về lượng và 47,49% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,44 triệu đơn vị, giá trị 15,89 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng giao dịch kém tích cực với PVS giảm 4,6% xuống 22.600 đồng/CP, PVI giảm 1,1% xuống 37.400 đồng/CP, PVC giảm 4,1% xuống 7.000 đồng/CP, PVB giảm 3,1% xuống 18.800 đồng/CP, PGS giảm 1,8% xuống 24.400 đồng/CP… Trong đó, PVS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với 5,74 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ với SHB giảm 2,8% xuống 7.000 đồng/CP, ACB giảm 0,3% xuống 29.000 đồng/CP, NVB giảm 3,5% xuống 8.200 đồng/CP…

Ngoài ra, các mã khác trong nhóm HNX30 như VCG, VCS, BVS, CEO… cũng giao dịch dưới mệnh giá, đáng kể TNG giảm 6,3% xuống 22.400 đồng/CP.

Trái lại, DBC tăng 2,5% lên 20.500 đồng/CP, DTD tăng 4,4% lên 14.200 đồng/CP, DHT tăng 3,5% lên 32.700 đồng/CP…

Trên UPCOM, sau nhịp điều chỉnh nhe, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều và hồi phục.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng nheh 0,08 điểm (+0,14%) lên 55,13 điểm với khối lượng đạt 8,41 triệu đơn vị, giá trị 134,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 27 tỷ đồng.

Thành viên mới giao dịch trên hệ thống UPCoM là VHG đã có lúc được kéo kịch trần, tuy nhiên đóng cửa vẫn giữ mức giá chốt phiên sáng 1.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch khá sôi động đạt 1,32 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR giảm 2,2% xuống 13.500 đồng/CP nhưng đã vươn lên vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 1,62 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục