Mặc dù có chút thận trọng nhưng nhóm cổ phiếu bluechip giữ phong độ, đã hỗ trợ giúp thị trường tiếp tục tiến bước. Chỉ số VN-Index tiến từng bước nhẹ và đã chinh phục thành công mốc 970 điểm trong phiên giao dịch sáng 3/1.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ giằng co và lình xình quanh vùng giá 970 điểm, áp lực bán xuất hiện và có dấu hiệu gia tăng khiến VN-Index cắm đầu đi xuống. Chỉ trong hơn 10 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã bị đẩy xuống dưới mốc tham chiếu và lùi về mức 965 điểm, mức thấp nhất khi kết phiên.
Đóng cửa phiên 3/1, sàn HOSE phân hóa với 172 mã tăng và 173 giảm, VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,16%), xuống 965,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174,13 triệu đơn vị, giá trị 3.000,91 tỷ đồng, giảm 13,2% về lượng và gần 16% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,93 triệu đơn vị, giá trị 536,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 17 mã mất điểm, trong đó hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều chịu áp lực bán ra, ngoại trừ duy nhất MBB nhích nhẹ chỉ hơn 0,2%. Cụ thể, VCB -1% xuống mức thấp nhất ngày 89.900 đồng/CP, TCB -0,6% cũng đứng tại mức thấp nhất ngày 23.650 đồng/CP, EIB -2,5% xuống 17.250 đồng/CP, BID, VPB, CTG, HDB cũng giảm trên dưới 0,5%.
Thêm vào đó, các bluechip khác cũng mất điểm như NVL -2,6% xuống 56.000 đồng/CP, MWG -1,5% xuống 115.300 đồng/CP, FPT -1,7% xuống 57.600 đồng/CP, BVH -0,6% xuống 68.600 đồng/CP…
Đáng kể, những tưởng ROS sẽ có phiên hồi phục thành công nhưng áp lực bán gia tăng trong phiên chiều, đã đẩy cổ phiếu này trở lại giảm sâu. Kết phiên, ROS -5,9% xuống gần mức giá sàn 15.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 10,5 triệu đơn vị, vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Mặt khác, chỉ còn 10 mã giữ được sắc xanh nhưng biên độ tăng đã thu hẹp đang kể với GAS, HPG, SAB, VHM, VIC, VNM… đều tăng chưa tới 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, rung lắc cũng diễn ra khiến nhiều mã thu hẹp đà tăng hoặc đảo chiều giảm như DLG +1,5% lên 2.070 đồng/CP và khớp 9,26 triệu đơn vị, AMD cũng nhích nhẹ +0,5% lên 2.100 đồng/CP và khớp hơn 5,3 triệu đơn vị, HAI mất sắc tím và +2% lên 3.070 đồng/CP, khớp 4,77 triệu đơn vị; trong khi FLC, HQC, DXG, ASM giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Tâm điểm đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu này là FIT. Mặc dù mở cửa vẫn trong sắc đỏ nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã tiếp sức giúp FIT đảo chiều thành công và tăng vọt lên mức giá trần trong phiên chiều. Kết phiên, FIT +6,8% lên 10.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,64 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều tiếp tục đẩy HNX-Index giảm sâu.
Đóng cửa, sàn HNX có 32 mã tăng và 45 mã giảm, HNX-Index giảm 0,6 điểm (-0,58%), xuống 102,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,84 triệu đơn vị, giá trị 249,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 883.814 đơn vị, giá trị hơn 17 tỷ đồng.
Một số mã bluechip gia tăng sức ép khiến thị trường giảm sâu hơn như VCS -4,9% xuống 68.000 đồng/CP, VCG -1,5% xuống 26.100 đồng/CP, SHB -3% xuống 6.500 đồng/CP, DGC -1,6% xuống 24.300 đồng/CP, CEO -2,1% xuống 9.200 đồng/CP…
Trong khi đó, PVS dù thu hẹp biên độ nhưng vẫn là điểm sáng khi +2,84% lên 18.100 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản sàn HNX, đạt 4,53 triệu đơn vị.
Tiếp đó, SHB khớp 2,76 triệu đơn vị; còn 2 mã ngân hàng còn lại là NVB và ACB cùng kết phiên tại mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh tương ứng 1,84 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM cũng giao dịch không mấy tích cực nhưng may mắn UPCoM-Index đã lấy lại mốc tham chiếu khi kết phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index không có biến động và đứng tại mốc tham chiếu 56,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,92 triệu đơn vị, giá trị 88,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,34 triệu đơn vị, giá trị 451,67 tỷ đồng.
Cặp đôi BSR và GVR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với khối lượng giao dịch lần lượt đạt hơn 2 triệu đơn vị và 1,12 triệu đơn vị. Kết phiên, trong khi BSR lùi về mốc tham chiếu 8.100 đồng/CP, thì GVR vẫn giữ đà tăng tốt +5,4% lên 11.700 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh cũng chịu áp lực điều chỉnh khi cả 4 hợp đồng tương lai đều quay đầu giảm, trong đó VN30F2001 đáo hạn gần nhất có 70.389 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở 15.631 hợp đồng và đóng cửa -0,77% xuống 889,5 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 20 mã giảm, 16 mã tăng và 5 mã đứng giá, trong đó CSTB1901 vẫn dẫn đầu về thanh khoản với 73.828 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tiếp tục giảm 20% về 40 đồng/CQ.