Những ứng dụng công nghệ đáng kể năm 2019 của các công ty chứng khoán

(ĐTCK) Bên cạnh các chính sách giảm miễn phí, ưu  đãi margin…, yếu tố công nghệ dường như đã vượt lên trên ý nghĩa marketing để trở thành tiện ích, cũng như công cụ then chốt cho các công ty chứng khoán chinh phục khách hàng.
Nhiều công ty chứng khoán đang đầu tư mạnh cho công nghệ robot. Nhiều công ty chứng khoán đang đầu tư mạnh cho công nghệ robot.

Ứng dụng công nghệ trong chứng khoán, xu hướng không thể đảo ngược

Về việc đầu tư vào công nghệ, vào robot, hay thậm chí vào dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ nhà đầu tư đang trở thành xu hướng tất yếu đối với các công ty chứng khoán.

Ðiều này khiến chúng ta liên tưởng đến việc giao dịch trực tuyến từ những năm 2009, khi công nghệ nào đó trở nên thông dụng và phù hợp với số đông, thì các công ty chứng khoán cũng nhanh chóng áp dụng, từ đó việc giao dịch trực tuyến chiếm đại đa số và dần dần vắng bóng khách hàng đến đặt lệnh theo phương thức phổ thông.

Ðiều này cho thấy, giữa các công ty chứng khoán, ai nhanh chân hơn trong việc xác định công nghệ phù hợp với khách hàng thì sẽ nắm lợi thế.

Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VPS (VPS) chia sẻ, trong kỷ nguyên của Internet, công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, việc giao dịch chứng khoán bằng phần mềm công nghệ trở thành một xu hướng không thể đảo ngược.

Ðiều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ về công nghệ giữa các công ty chứng khoán tham gia thị trường.

Ðặc biệt, hiện nay, Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, tạo khung khổ pháp lý cần thiết để mở đường cho sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các sản phẩm tài chính mới, để thị trường vốn của Việt Nam bắt kịp xu thế và thu hẹp khoảng cách với thị trường khu vực và thế giới.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, xu thế thế giới là đang nổi lên các công ty chứng khoán dựa ngày càng nhiều vào công nghệ để phục vụ khách hàng, vừa giúp khách hàng cảm thấy sự tiện lợi, nhanh chóng, qua đó có khả năng mở rộng quy mô khách hàng và thị trường ở mức không giới hạn, vừa tiết kiệm chi phí và quản trị rủi ro cho chính công ty chứng khoán.

Bởi vậy, các công ty chứng khoán Việt Nam chú trọng tới điều này cũng là dễ hiểu.

Thực tế, xu hướng giao dịch chứng khoán bằng sản phẩm phần mềm công nghệ trong tương lai sẽ rất phát triển trong thời đại 4.0. Bản thân các công ty chứng khoán sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ về công nghệ, phần mềm để phục vụ khách hàng tốt hơn, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

Với những nhà đầu tư yêu công nghệ, thì xu hướng giao dich chứng khoán bằng phần mềm là xu hướng chung, không thể xoay chuyển. Khi công nghệ đi sâu vào đời sống, việc thay thế một phần, thậm chí là toàn bộ thói quen đầu tư là chuyện có thể xảy ra.

Chuyển động tại công ty chứng khoán Việt

Sự thay đổi rõ nét nhất trong ứng dụng công nghệ vào chứng khoán là nhiều công ty chứng khoán đã “mạnh tay” đầu tư cho các sản phẩm phần mềm hỗ trợ khách hàng, thậm chí là đưa các ứng dụng robot vào hoạt động đầu tư chứng khoán.

Là một trong những công ty tiên phong ứng dụng robot thay thế con người trong giao dịch chứng khoán, lãnh đạo Công ty Chứng khoán VPS (VPS) cho biết, sau gần 1 năm đưa vào ứng dụng sản phẩm SmartRobo, Công ty nhận được một số phản hồi tích cực từ khách hàng.

Lãnh đạo VPS cho biết, sản phẩm đã mang lại khá nhiều thú vị cho người dùng, đó là khả năng tự học hỏi và giải quyết những vấn đề liên quan đến thông tin cơ bản trong hoạt động đầu tư chứng khoán.

Nắm bắt được xu hướng này, trong thời gian qua, VPS đã liên tục đầu tư, nâng cấp thành công hệ thống hạ tầng công nghệ để cung cấp cho khách hàng dịch vụ đa dạng, đa tiện ích.

Cụ thể, về hệ thống giao dịch, để bắt kịp với xu hướng công nghệ 4.0, VPS đã cho ra đời các nền tảng giao dịch hiện đại có tốc độ xử lý nhanh, ổn định và tin cậy như webtrade, ứng dụng giao dịch qua điện thoại SmartOne và SmartPro.

Cho tới nay, cả 2 ứng dụng này đều được khách hàng đánh giá cao về tính ưu việt và thân thiện, tốc độ xử lý dữ liệu giao dịch thời gian thực nhanh, tích hợp nhiều tính năng để nhà đầu tư có thể giao dịch và thực hiện các yêu cầu về tiền trên tài khoản chứng khoán.

Ngoài ra, phần mềm SmartRobo, công cụ sử dụng chatbot trên nền ứng dụng Skype và Facebook cũng được coi là tiên phong về công cụ hỗ trợ giao dịch mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), Công ty đã nâng cấp thành công ứng dụng HSC Trade/iTrade tích hợp tính năng giao dịch phái sinh vào trên cùng một ứng dụng, giúp nhà đầu tư có những trải nghiệm đồng nhất về giao diện, thao tác, cũng như dịch vụ hỗ trợ của HSC trên các nền tảng khác nhau.

Người dùng có thể dễ dàng chuyển tiền qua lại giữa tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh.

Với Công ty Chứng khoán VNDirect, mới đây đã đưa ra sản phẩm Detrial - giao dịch phái sinh ảo nhằm giúp khách hàng có thêm cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu sản phẩm còn nhiều dư địa phát triển này.

Tại đây, nhà đầu tư có thể mua bán hợp đồng tương lai với cách thức mua bán và thông tin thị trường đồng nhất với bảng giá thực tế (real-time). Với ứng dụng Detrial, nhà đầu tư không mất bất kỳ khoản phí nào để mở tài khoản, mua bán hợp đồng, cũng như nâng cấp tài khoản.

Sản phẩm I-Invest của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) là công cụ tự động giúp nhà đầu tư xây dựng và quản lý danh mục đầu tư tùy thuộc vào nhu cầu, mục tiêu riêng biệt của từng cá nhân. Phầm mềm I-Invest được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí:

Thứ nhất, đầu tư vào danh mục dựa trên chủ đề và xu hướng, dựa trên phân tích vĩ mô chuyên sâu, đánh giá toàn diện ảnh hưởng của các sự kiện trong nước và quốc tế và có thể nắm bắt kịp thời xu hướng diễn ra trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, đầu tư vào danh mục dựa trên khẩu vị rủi ro đầu tư của nhà đầu tư. Dựa vào thông tin ban đầu khách hàng cung cấp, nhờ công nghệ hiện đại, BSC i-Invest đưa ra các danh mục dự kiến, tính toán các lệnh tự động cần thiết để khách hàng lựa chọn thực hiện tái cơ cấu danh mục với mục tiêu rủi ro hợp lý.

Thứ ba, đầu tư vào danh mục dựa trên mục tiêu tài chính cụ thể do khách hàng đặt ra. Sản phẩm hướng đến những mục tiêu tài chính cụ thể của khách hàng trong tương lai bằng việc xây dựng một kế hoạch đầu tư toàn diện và cụ thể.

Thứ tư, khách hàng có thể tự xây dựng danh mục riêng với các công cụ hỗ trợ từ BSC i-Invest.

Dù nhận được sự quan tâm của một bộ phận nhà đầu tư, song để đi vào ứng dụng phổ biến, vẫn cần thêm thời gian để chính người trong cuộc nhận ra những giá trị và lợi ích của sản phẩm mới.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng k hoán Tân Việt (TVSI) cho biết, TVSI đang từng bước số hóa các hoạt động của công ty, ứng dụng các công nghệ mới trong việc xử lý thông tin, tư vấn cho khách hàng.

Cụ thể, TVSI đang từng bước xây dựng một nền tảng số kết nối với từng nhà đầu tư để phục vụ theo từng nhu cầu riêng biệt, tùy theo sở thích và khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư mà đưa ra các sản phẩm phù hợp.

“Các công ty chứng khoán cần có chiến lược ro ràng trong đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, xây dựng một platform dài hạn hướng tới sử dụng các hệ thống xử lý tự động các tác vụ. Tận dụng công nghệ để có sự liên kết sâu rộng với các chủ thể khác tham gia trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Qua đó, đưa được các sản phẩm và dịch vụ chất lượng của mình đến với khách hàng một cách nhanh nhất và an toàn nhất”, ông Cường nói.

Tận dụng thế mạnh về công nghệ, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đã tự phát triển hệ thống riêng. Một trong những mục tiêu của FPTS là nghiên cứu để phát triển các tiện ích trên hệ thống giao dịch, cho phép khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi và hỗ trợ các chiến lược giao dịch phù hợp.

Công ty chứng khoán nào nhanh chân hơn trong việc xác định công nghệ phù hợp với khách hàng thì sẽ nắm lợi thế.

Robot có thực sự thay thế được con người?

Từng tham gia trải nghiệm với phần mềm SmartRobo, anh L.T.Việt, nhà đầu tư tại mở tài khoản tại VPS chia sẻ, sản phẩm SmartRobo mặc dù đã đưa ra khuyến nghị chung cho thị trường, dự đoán xu hướng tương lai dựa trên giữ liệu quá khứ để nhà đầu tư có hướng đầu tư phù hợp, nhưng do là sản phẩm mới nên cần có thời gian để kiểm chứng.

Tuy nhiên, với khả năng thu thập và xử lý đồng thời nhiều thông tin, SmartRobo đưa ra dự đoán có xu hướng sát với thị trường hơn để giúp nhà đầu tư có quyết định đầu tư hiệu quả hơn, từ đó mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

“Thực tế, chức năng khuyến nghị đầu tư là chức năng mà nhiều nhà đầu tư thường tham khảo khi tương tác với robo và với AI, ngoài việc hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch, thì cũng rất cần bổ sung thêm khả năng dự đoán xu hướng tương lai nói chung và cổ phiếu nói riêng. Ðiều này giúp nhà đầu tư vừa có cái nhìn tổng quan, vừa hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư bám sát theo xu hướng thị trường”, anh Việt nói.

Thị trường công nghệ tài chính (Fintech) bùng nổ, không ít công ty chứng khoán tuyên bố đã sử dụng Big data và AI để phục vụ khách hàng, thậm chí có công ty cho biết, đã dùng robot phục vụ thay cho con người (môi giới).

Tất nhiên, ở đây không nói đến chuyện cung cấp thông tin, mà là ở phân tích khách hàng và đưa ra khuyến nghị đầu tư theo thời gian thực.

Lợi ích rõ ràng nhất trong ứng dụng robot là về thời gian, tức là được phục vụ nhanh chóng, qua đó khách hàng thấy được sự tiện lợi.

Ðối với những nhà đầu tư cân nhắc yếu tố chi phí (phí giao dịch, phí dịch vụ), thì công nghệ rõ ràng giúp công ty chứng khoán đáp ứng được phân khúc khách hàng này.

Ðơn cử, một công ty tuyên bố có khả năng phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết một cách tự động và “bao phủ” được thị trường, khách hàng cần tìm hiểu mã cổ phiếu nào là có ngay mã đó, trong khi nếu tuyển nhân viên phân tích thì việc phân tích hơn 1.600 doanh nghiệp trên 3 sàn hiện nay (chưa tính niêm yết thêm trong tương lai) sẽ không biết tới khi nào mới hoàn tất.

Có công ty tuyên bố có thể đưa ra khuyến nghị đầu tư phù hợp với khẩu vị khách hàng theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu giao dịch của khách hàng (đã và đang đầu tư vào những mã nào, thuộc sàn nào, largecap hay smallcap, ngành gì, thanh khoản, tần suất giao dịch ra sao…).

Họ cũng phân tích nhu cầu margin của khách hàng, tính toán “điểm tín dụng” và từ đó quyết định tự động hạn mức cho khách mà không cần khách hay môi giới làm tờ trình đề xuất.

Ðồng thời, họ cũng có khả năng liên tục phát hiện các dấu hiệu giao dịch nổi bật, bất thường…  mà có khả năng tạo sóng hay cảnh báo xả hàng theo từng giây.

Ðiều này lại càng quan trọng đối với sàn chứng khoán phái sinh khi yếu tố đầu cơ lấn át yếu tố phòng vệ. Theo cách này, sự hiện diện của môi giới có vẻ thừa.

Bên cạnh những ưu điểm, một số hạn chế trong công cuộc chạy đua công nghệ cũng đã được chỉ ra. Theo ông Hoàng Thạch Lân, yếu tố đầu tiên là về big data.

Với công ty chứng khoán, việc xây dựng hệ thống dữ liệu là khả thi hơn, trong khi với khách hàng, điều này là không đơn giản.

Mặt khác, tuy là “big”, nhưng thực tế có lẽ vẫn chỉ nằm trong phạm vi dữ liệu khách hàng của chính công ty đó, công ty lớn thì lượng dữ liệu lớn và ngược lại, nhưng không công ty nào có dữ liệu đầy đủ về nhà đầu tư.

“Nhiều nhà đầu tư có cùng lúc nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán, tùy thời điểm mà ‘đánh chứng’ tại công ty này, rồi lại chuyển qua 'chơi' ở công ty khác. Như vậy, đối với từng công ty, dữ liệu là các khoảng gián đoạn và không đầy đủ.

Ở công ty này, khách hàng là nhà đầu tư, nhưng qua công ty kia, khách hàng lại là nhà đầu cơ. Một công ty chứng khoán có thể có dữ liệu khách hàng, nhưng chỉ là trong từng khoảng gián đoạn mà thôi.

Chưa có sự liên kết giữa các công ty chứng khoán để chia sẻ dữ liệu khách hàng, mà có lẽ cũng chả công ty nào có gan làm việc đó”, ông Lân chia sẻ.

Thứ hai là mức độ hiểu khách hàng, điều này liên quan đến AI, nhưng vừa cần có big data đủ lớn, vừa cần đầu tư xứng đáng. Hiểu khách hàng không phải chuyện một sớm một chiều.

“Một số nơi tôi từng tìm hiểu thì mới dừng lại ở việc thống kê quá khứ rồi suy diễn tương lai, kiểu như nếu nhà đầu tư vừa mua mã VCB thì công ty sẽ giới thiệu thêm ACB, BID…, nhưng giả sử khách hàng vừa mua VCB xong thì cổ phiếu rớt giá, vậy AI của công ty chứng khoán có thể ngừng khuyến nghị mua thêm ACB, BID…, thay vào đó đưa ra giải pháp xử lý lỗ hay đưa ra sự điều chỉnh nào không?

Ngoài ra, nếu 1 nhà đầu tư vừa mở tài khoản, thì công ty chứng khoán kịp hiểu nhà đầu tư đó đến mức nào? Có lẽ là tạm đưa khách vào nhóm nào đó rồi điều chỉnh lại sau. Ở khía cạnh này, có lẽ các công ty có yếu tố nước ngoài là có lợi thế nhờ ‘nhập khẩu công nghệ’”, ông Lân phân tích.

Thứ ba, theo ông Lân, chính là yếu tố đầu tư giá trị.

Nếu chúng ta nói đầu tư vào một doanh nghiệp tốt cũng giống như thưởng thức một món ăn ngon, nếu không tự nấu được thì phải tìm được đầu bếp giỏi, vì chỉ người đó mới biết chọn lựa nguyên liệu tốt, chọn phụ gia phù hợp và biết cách nấu nướng khéo léo...

Kinh nghiệm và độ nhạy cảm là những yếu tố hết sức quan trọng. Big data và AI có khả năng giúp phân tích tự động báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị hay dữ liệu ngành, model định giá có thể tự động xây…, nhưng thực tế vẫn có nhiều thứ bên ngoài những loại báo cáo đó, ví dụ những thông tin định tính như năng lực, tầm nhìn của chủ doanh nghiệp, kinh nghiệm của chuyên gia phân tích.

“Thực tế cho thấy, công nghệ mới chỉ hiệu quả ở góc độ phục vụ khách hàng đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Ngay cả ở góc độ này thì công nghệ chưa thay được con người (môi giới) ở khả năng chia sẻ, đồng hành và cảm thông, vốn rất quan trọng đối với nhà đầu tư Việt Nam.

Còn ở góc độ đầu tư giá trị, có lẽ chờ AI thông minh thêm. Do đó, các công ty chứng khoán vẫn cần duy trì cả con người lẫn công nghệ”, ông Lân nhấn mạnh.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.19 -0.96 -1.1% 738 tỷ