Phiên chiều 30/9: Lực bán gia tăng mạnh cuối phiên, VN-Index "chào thua" mốc 1.000 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán bất ngờ gia tăng về cuối phiên và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường đuối sức và quay đầu điều chỉnh. Chỉ số VN-Index một lần nữa "chào thua" mốc 1.000 điểm.
Phiên chiều 30/9: Lực bán gia tăng mạnh cuối phiên, VN-Index "chào thua" mốc 1.000 điểm

Sau 2 phiên tăng điểm khá tốt ngày cuối tuần, thị trường vẫn tiếp tục tiến bước trong phiên sáng cuối cùng của tháng 9 giúp VN-Index nhanh chóng tiếp cận mốc 1.000 điểm.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính của thị trường với tâm điểm là dòng bank, bộ ba nhà Vin và một số mã lớn có thời điểm kéo chỉ số này tiến sát mốc 1.005 điểm.

Mặc dù ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm vẫn bảo toàn trong phiên sáng, nhưng sự hụt hơi về cuối phiên khiến nhà đầu tư thiếu tự tin hơn khi bước sang phiên giao dịch chiều.

Trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng thì áp lực bán dần xuất hiện và gia tăng đã ngặn đứng đà tăng của thị trường. Cụ thể, sau hơn 1 giờ giao dịch trong phiên chiều lình xình trên mốc 1.000 điểm, thị trường đã cắm đầu đi xuống, không những để mất vùng giá vừa tạo lập mà còn đảo chiều giảm chỉ sau khoảng thời gian khá ngắn.

Đóng cửa, sàn HOSE khá phân hóa với 146 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index giảm 1,28 điểm (-0,13%), xuống 996,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 176,22 triệu đơn vị, giá trị 3.853,87 tỷ đồng, giảm 2,5% về khối lượng và 9,27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (27/9). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,48 triệu đơn vị, giá trị 518,43 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến thị trường đột ngột quay đầu chính là nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch thiếu tích cực. Nhóm Vn30 chỉ còn 7 mã tăng và có tới 18 mã giảm.

Trong đó, một số mã đóng góp phần đẩy lùi thị trường thoái lui như BID giảm 2,1% xuống mức thấp nhất ngày 39.400 đồng/CP, MSN cũng tìm tới mức giá thấp nhất ngày 78.500 đồng/CP khi giảm 1,1%, VCB giảm 1% xuống 82.100 đồng/CP, SAB, VNM cũng nới rộng biên độ giảm, VRE cũng chuyển sắc đỏ; ngoài ra, cặp đôi lớn còn lại của nhà Vin cũng quay về mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu HDB dù tiếp tục thu hẹp biên độ nhưng vẫn là điểm sáng của ngành khi giữ mức tăng khá tốt 3,94% lên 27.700 đồng/CP và khớp gần 3,5 triệu đơn vị.  

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng hỗ trợ giúp thị trường không giảm quá sâu như GAS tăng 1,2% lên 106.300 đồng/CP, BVH tăng 2% lên 74.800 đồng/CP, NVL tăng 1,3% lên 63.800 đồng/CP, VJC tăng 0,8% lên 137.700 đồng/CP…

Cổ phiếu ROS vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường khi có tới hơn 18,6 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tại mốc tham chiếu 26.400 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, nhiều mã vẫn tăng khá tốt như HBC tăng 1,7% lên 14.650 đồng/CP và khớp 4,73 triệu đơn vị, SCR tăng 0,9% lên 6.510 đồng/CP và khớp 3,83 triệu đơn vị, DXG tăng 1,7% lên 17.450 đồng/CP và khớp 3,68 triệu đơn vị…

Cổ phiếu LDG vẫn duy trì sắc tím với mức tăng 6,9% và đứng tại mức giá 10.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,16 triệu đơn vị và dư mua trần 43.510 đơn vị.

Bên cạnh đó, FTM cũng có phiên tăng trần thứ 2 sau chuỗi 30 phiên giảm sàn. Ngoài ra, một số mã thị trường khác như SGT, JVC cũng xác lập phiên tăng trần thứ 2-3 liên tiếp.

Trên sàn HNX cũng đón nhận “tín hiệu đỏ” bên sàn HOSE, tuy nhiên, ngay khi lùi về dưới mốc tham chiếu, HNX-Index đã đảo chiều hồi nhẹ về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 43 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index đtăng 0,28 điểm (+0,27%), lên 105,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,07 triệu đơn vị, giá trị 287,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 52 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giao dịch có phần kém khởi sắc hơn so với thời điểm chốt phiên sáng khi ACB thu hẹp đà tăng với biên độ 0,9% và đứng tại mức 23.400 đồng/CP, BVS tăng nhẹ 0,9% lên 10.900 đồng/CP, PVI nhích 0,3% lên 33.500 đồng/CP, SHB, VCG, PVB, CEO đứng giá tham chiếu.

Trái lại, VCS tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 2,7% xuống mức giá 102.700 đồng/CP. Thêm vào đó, nhiều mã khác như DGC, PVS, HUT, MBS, TNG, SLS… cũng kết phiên dưới mốc tham chiếu.

Ngoài cặp đôi ngân hàng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, phiên chiều còn có thêm sự góp mặt của PVS. Cụ thể, SHB dẫn đầu khi khớp 2,66 triệu đơn vị; tiếp theo là ACB khớp 2,3 triệu đơn vị, PVS khớp 1,44 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường không có nhiều biến động, sắc đỏ bao phủ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,28%), xuống 56,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 10,65 triệu đơn vị, giá trị hơn 164 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 19,38 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch vượt trội với gần 4,43 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên tại mức giá 9.600 đồng/CP, tăng 3,2%.

Bên cạnh đó, GVI tiếp tục nới rộng biên độ khi tăng 6,1% lên mức giá 33.100 đồng/CP, GVR tăng nhẹ 0,74% lên 13.700 đồng/CP, OIL tăng 3,74% lên 11.100 đồng/CP…

Tuy nhiên cũng không giúp thị trường khởi sắc trước sức ép đến từ các mã lớn khác như VEA giảm % xuống 54.900 đồng/CP, MSR giảm % xuống 16.800 đồng/CP, ACV giảm % xuống 77.000 đồng/CP, VEF giảm 1,1% xuống 118.900 đồng/CP, FOX, VIB…

Trên thị trường phái sinh, trong 4 hợp đồng tương lai có 2 mã tăng và 2 mã giảm, trong đó hợp đồng đáo hạn vào 17/10 - VN30F1910 tiếp tục giao dịch nhiều nhất với hơn 94.594 hợp đồng được chuyển nhượng thành công, và giảm 0,11%, xuống 922,1 điểm. 

Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã tăng, 1 mã đứng giá và 13 mã giảm, đáng kể có duy nhất mã CMWG1905 tăng trần lên mức giá 8.010 đồng/CQ.

Thanh khoản tốt nhất thuộc về CHPG1902 với 74.409 giao dịch, giảm 17,39% xuống mức 14.900 đồng/CQ và CVNM1901 có 61.985 giao dịch, giảm 3,66% xuống 790 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục