Phiên chiều 30/5: Lại xả mạnh đợt khớp lệnh ATC

(ĐTCK) Lực đỡ từ các mã bluechips giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán lại vọt tăng, kéo VN-Index rơi thẳng qua tham chiếu. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp kịch bản xả hàng cuối phiên được thực hiện.
Phiên chiều 30/5: Lại xả mạnh đợt khớp lệnh ATC

Ngay khi mở cửa sáng nay, lực bán mạnh đã xuất hiện khiến VN-Index giảm nhanh về mốc 965 điểm. Sau đó, cầu bắt đáy được khởi động, kéo chỉ số tăng ngược trở lại qua tham chiếu. Tuy nhiên, đó là tất cả sự tích cực mà VN-Index nhận được, bởi sau đó thị trường giao dịch thận trọng trở lại và diễn biến nhì nhằng cứ thế duy trì.

Trong bối cảnh sức cầu hạn chế và áp lực bán luôn chờ trực, việc nhiều mã bluechips tăng điểm dù không mạnh nhưng cũng đủ giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch.

Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, một lần nữa lực bán lại vọt tăng, kéo VN-Index rơi thẳng qua tham chiếu.

Đây là phiên thứ 3 liên tiếp kịch bản xả hàng cuối phiên được thực hiện và VN-Index đã không còn giữ được mốc hỗ trợ 970 điểm.

Đóng cửa, với 127 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,23%) về 969,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 159,99 triệu đơn vị, giá trị 4.060,98 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 29/5.

Thanh khoản phiên này tăng có sự đóng góp đáng kể từ giao dịch thỏa thuận với 54,47 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.738 tỷ đồng, với một số giao dịch đáng chú ý như 5,6 triệu cổ phiếu VJC, giá trị 705,6 tỷ đồng; 9,652 triệu cổ phiếu VRE, giá trị gần 338 tỷ đồng; 9,4 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 165,5 tỷ đồng; 5,235 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 16,39 tỷ đồng...

Rổ VN30 có 18 mã tăng giá so với 11 mã giảm giá, nhưng đa phần là tăng nhẹ, nên không đủ lực đỡ, khi trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn có tới 6 mã giảm, với VNM -1% về 131.500 đồng, VHM -1,2% về 82.600 đồng, MSN -2,6% về 85.500 đồng, GAS và BID -0,6%...

Một số mã tăng tốt phiên này có thể kể đến là SAB +1,2% lên 263.500 đồng, TCB +0,9% lên 22.950 đồng, PLX +0,9% lên 64.800 đồng, HVN +1% lên 44.850 đồng, NVL +1% lên 60.100 đồng, VJC +0,6% lên 124.200 đồng...

Về thanh khoản, ROS và HPG là mã khớp lệnh cao nhất rổ, cũng là mức cao nhất sàn, lần lượt đạt 4,7 triệu và 4,1 triệu đơn vị, song đều giảm điểm. Ngoài ra, cũng chỉ có thêm 8 mã khớp lệnh từ 1-2 triệu đơn vị.

Mở rộng ra toàn sàn, chỉ có thêm 20 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại. Trong đó, đa phần là các cổ phiếu midcap và cùng giảm điểm như HSG, HBC, AAA, KBC... hay đứng giá như PVD, FLC, HQC, ITA...

Đáng chú ý, LMH bất ngờ tăng trần lên 14.750 đồng (+6,9%), thanh khoản cao với 0,62 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của mã này.

Trên sàn HNX, diễn biến rung lắc mạnh duy trì trong suốt thời gian giao dịch. Tuy nhiên, khác với HOSE, sàn này lại tăng về cuối phiên và kịp thời về được tham chiếu khi kết phiên.

Đóng cửa, với 64 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index đứng giá 105,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,16 triệu đơn vị, giá trị 244 tỷ đồng, cùng giảm khoảng 21% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 29/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 13,26 tỷ đồng.

Toàn sàn HNX chỉ có 4 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, trong đó SHB dẫn đầu với 3,6 triệu đơn vị, tiếp đó là PVS 2,03 triệu đơn vị và MST và MTG cùng trên 1 triệu đơn vị. Ngoại trừ PVS giảm điểm (-0,8% về 23.700 đồng), 3 mã còn lại tăng điểm. SHB +1,4% lên 7.200 đồng, MST +3,8% lên 3.700 đồng, TIG +5,4% lên 3.900 đồng.

Một số mã lớn khác giảm điểm có ACB -0,3% về 29.100 đồng, VCS -0,8% về 64.900 đồng, PHP -1,8% về 11.100 đồng, NVB -1,2% về 8.500 đồng...

Trên UPCoM, sàn này giao dịch trong sắc đỏ trong suốt phiên và đã hồi phục sát mức tham chiếu khi chốt phiên, thanh khoản cũng giảm mạnh.

Đóng cửa, với 95 mã tăng và 84 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) xuống 55,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị, giá trị 171 tỷ đồng, cùng giảm 44% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 29/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóp góp khiêm tốn gần 17 tỷ đồng.

Toàn sàn phiên này không có mã nào khớp lệnh đạt 1 triệu đơn vị. Mã khớp lệnh nhiều nhất là VGI đạt 0,965 triệu đơn vị, kết phiên giảm mạnh 5,2% về 27.200 đồng. Bốn mã thanh khoản cao thứ 2 cũng không mã nào tăng, trong đó BSR và LPB đứng giá, GVR và VGT giảm nhẹ.

MSR đã không còn giữ được mức trần, thanh khoản cũng không cải thiện so với đầu phiên. Kết phiên, MSR tăng 6,8% lên 20.500 đồng, khớp lệnh 0,303 triệu đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục