Trong phiên hôm qua, VN-Index chớm xanh khi mở cửa phiên giao dịch, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu và giao dịch dưới tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng và nới rộng đà giảm trong nửa đầu phiên chiều. Sau đó, với sự trợ giúp của các trụ (VIC, VCB, GAS), VN-Index được kéo thẳng lên trên tham chiếu. Khi nhà đầu tư đang kỳ vọng về phiên tăng điểm tiếp theo của thị trường thì áp lực bán trong đợt ATC đã kéo VN-Index xuống theo chiều thẳng đứng, đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm không lớn.
Trong phiên hôm nay, kịch bản này một lần nữa lặp lại khi VN-Index cũng mở cửa với sắc xanh nhạt, sau đó quay đầu đi xuống vào nửa cuối phiên sáng. Trong phiên chiều, VN-Index cũng xác lập mức đáy của ngày (dưới 970 điểm) trước khi được thẳng lên mức đỉnh của ngày sát 975 điểm và đem lại kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư về phiên tăng điểm hôm nay. Tuy nhiên, không đợi đến đợt ATC, lực cung sau đó gia tăng đã kéo VN-Index xuống theo chiều thẳng đứng. Dù nỗ lực để giữ sắc xanh nhạt, nhưng thêm cú bồi nhẹ trong đợt ATC khiến VN-Index có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp, nhưng điểm tích cực là mốc hỗ trợ 970 điểm vẫn được duy trì.
Chốt phiên, VN-Index giảm 0,46 điểm (-0,05%), xuống 971,54 điểm với 130 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 145,3 triệu đơn vị, giá trị 3.429,96 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25 triệu đơn vị, giá trị 737,88 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn, sắc xanh đã nhiều hơn trong phiên chiều khi có thêm SAB, MSN, VRE gia nhập nhóm với VIC, VHM, VCB, VNM, GAS, nhưng mức tăng cũng rấ khiêm tốn, chỉ trên dưới 0,5%, ngoại trừ VIC tăng 1,05% lên 115.200 đồng. Hai mã giảm giá là BID mất 0,93% xuống 32.000 đồng và TCB giảm 1,52% xuống 22.750 đồng. Trong đó, VRE và TCB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.
Mở rộng ra trong Top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, sắc xanh cũng xuất hiện tại HPG, NVL, BVH, TPB khi tăng hơn 1% và HDB đảo chiều tăng nhẹ 0,19%. Trong khi đó, số mã giảm lại nới rộng đà giảm hơn so với phiên sáng, trong đó BHN giảm mạnh nhất khi giảm sàn về 99.000 đồng, các mã còn lại cũng giảm trên 1%.
Về thanh khoản, ROS vươn lên trở thành mã có thanh khoản nhất thị trường với hơn 10 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa giảm 1,32% xuống 30.000 đồng. Trong khi đó, ITA và AAA thay vị trí cho nhau trong phiên sáng với hơn 7 triệu đơn vị và hơn 6,7 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, trong khi AAA vẫn giữ được đà tăng 3,67% lên 18.350 đồng, thì ITA lại lùi về tham chiếu 3.280 đồng.
Tân binh trên sàn HOSE là VGC hạ độ cao trong phiên chiều khi còn tăng 3% lên 20.500 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.
Trên sàn HNX, diễn biến lại có phần tích cực hơn khi chỉ số HNX-Index sau khi bị đẩy về mức đáy của ngày trong nửa đầu phiên chiều, đã bật lên và nhích dần lên trên tham chiếu. Dù cũng bị đẩy trở lại xuống dưới tham chiếu sau đó, nhưng không như VN-Index, HNX-Index đã nhanh chóng bật mạt trở lại và leo thẳng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa phiên.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,30 điểm (+0,28%), lên 105,32 điểm với 67 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,67 triệu đơn vị, giá trị 307 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,58 triệu đơn vị, giá trị 35 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, đà giảm của PVS được nới rộng lên 2,05% xuống 23.900 đồng, VCG cũng mất 1,13% xuống 26.300 đồng. Tuy nhiên, HNX-Index bật mạnh trở lại nhờ ACB đảo chiều thành công đóng cửa ở mức cao nhất ngày 29.200 đồng, tăng 1,04%. Ngoài ra, chỉ số còn nhận được sự hỗ trợ thêm của PVI khi tăng 1,08% lên 37.500 đồng, VCS tăng 0,93% lên 65.400 đồng, PHP đảo chiều ngoạn mục từ giảm hơn 7%, thành đóng cửa tăng 1,82% lên mức cao nhất ngày 8.600 đồng. Trong khi đó, SHB vẫn đứng tham chiếu 7.100 đồng với 3,67 triệu đơn vị được khớp, cao nhất sàn.
Trên thị trường UPCoM, sau khi đảo chiều tăng điểm thành công trong phiên sáng, UPCoM-Index không có đủ động lực để tiếp tục đi lên, nên quay đầu giảm nhẹ trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,11%), xuống 55,07 điểm với 107 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,2 triệu đơn vị, giá trị 304 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,75 triệu đơn vị, giá trị 70 tỷ đồng.
Trên thị trường này, chỉ duy nhất VGI có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (1,8 triệu), nhưng đóng cửa giảm 3,81% xuống 27.800 đồng. BRS đứng thứ hai với tổng khớp gần 1 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 0,72% xuống 13.700 đồng. Trong khi đó, MSR bất ngờ tăng lên mức trần 20.300 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp.