Phiên chiều 29/11: Nhiều bluechip quay đầu, VN-Index may mắn thoát hiểm

(ĐTCK) Thị trường có phiên giao dịch cuối tuần khá buồn tẻ với thanh khoản sụt giảm mạnh. Trong đó, sự suy yếu của một số mã lớn, đặc biệt là SAB khiến VN-Index bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu và may mắn giữ được mốc 970 điểm.

Mặc dù tâm lý nghi ngờ khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm nhưng sự hồi nhẹ của phần lớn nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index bật ngược đi lên sau khi bị đẩy về mốc 968 điểm. Thị trường tạm chốt phiên sáng trong sắc xanh với mức tăng khiêm tốn hơn 2 điểm cùng tham khoản khá hạn chế.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường không có nhiều biến động. Chỉ số VN-Index diễn biến lình xình và từng bước lùi dần về mốc tham chiếu trước sự suy yếu của một số mã bluechip, đặc biệt là SAB.

Đóng cửa, sàn HOSE có 170 mã tăng và 139 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,36 điểm (+0,04%), lên 970,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 167,27 triệu đơn vị, giá trị 3.730,97 tỷ đồng, giảm 12% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua (28/11). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,37 triệu đơn vị, giá trị 948,97 tỷ đồng.

Mặc dù trong phần lớn thời gian SAB chỉ lình xình biến động nhẹ nhưng áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên đã khiến cổ phiếu này mất đi 1,7% xuống mức thấp nhất ngày 226.000 đồng/CP, đã gia tăng sức ép đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng nới rộng biên độ hơn hoặc đảo chiều giảm như VNM -0,5% xuống 121.500 đồng/Cpm BID -0,4% xuống 40.500 đồng/CP, GAS -0,3% xuống 100.500 đồng/CP, ROS -2,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 24.300 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với gần 28,45 triệu đơn vị được khớp lệnh…

Tuy nhiên, trong nhóm VN30, sắc xanh vẫn chiếm chủ đạo với 14 mã dù biên độ tăng khá hẹp nhưng sự hợp lực cũng giúp sức VN-Index giữ được mốc tham chiếu. Cụ thể như VHM +0,3% lên 91.900 đồng/CP, VRE +2,8% lên 34.450 đồng/CP, BVH +0,3% lên 70.300 đồng/CP, FPT +0,7% lên 56.400 đồng/CP, HPG +1,1% lên 22.850 đồng/CP, MSN +0,7% lên 70.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC đảo chiều trở lại giao dịch trong sắc đỏ khi -1,1% xuống 4.650 đồng/CP và khớp gần 5,7 triệu đơn vị; các mã ITA, HAI, FIT cũng có phần thu hẹp biên độ tăng.

Đáng chú ý, TSC chịu áp lực bán chốt lời sau 2 phiên tăng trần và quay đầu giảm 2,5% xuống mức 2.740 đồng/CP và khớp 2,64 triệu đơn vị. Trong khi, TTB iếp tục tình trạng dư bán sàn khá lớn với hơn 3,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch diễn ra khá giằng co và liên tục đổi sắc, tuy nhiên, chỉ số HNX-Index đã may mắn được kéo lên mốc tham chiếu trước khi đóng cửa.

Kết phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 39 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,16%), lên 102,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 18,68 triệu đơn vị, giá trị 208,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,23 triệu đơn vị, giá trị 56,61 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX có sự phân hóa, trong khi ACB nới rộng biên độ +0,9% lên 23.100 đồng/CP, NVB cũng khởi sắc khi +1,11% lên 9.100 đồng/CP thì SHB lại bị bán ra và -3,23% xuống 6.000 đồng/CP nhưng vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản với gần 4,5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Tiếp theo đó, các mã MST, HBE và PVS có khối lượng khớp lệnh trong khoảng 1-1,5 triệu đơn vị. Kết phiên, MST +2,17% lên 4.700 đồng/CP, HBE +3,08% lên 13.400 đồng/CP, PVS +0,58% lên 17.400 đồng/CP.

Ngoài ra, trong nhóm HNX30, một số mã khởi sắc cũng đã giúp thị trường bảo toàn được đà tăng điểm như CEO +1,09% lên 9.300 đồng/CP, SLS +2,89% lên 42.700 đồng/CP, TVC +2,96% lên 17.400 đồng/CP, DP3 +5,77% lên 77.000 đồng/CP, PVB, PVI…

Trên UPCoM, đà giảm nhẹ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,08%), xuống 55,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,4 triệu đơn vị, giá trị 85,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,89 triệu đơn vị, giá trị 59,36 tỷ đồng.

Không có mã nào giao dịch đến 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu nhỏ KSH vẫn dẫn đầu thanh khoản với 882.800 đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa vẫn giữ mốc tham chiếu 400 đồng/CP.

Tiếp theo đó, BSR và PXL có khối lượng giao dịch trên nửa triệu đơn vị. Kết phiên BSR trở lại mốc tham chiếu 9.400 đồng/CP, còn PXL tăng 2,38% lên 8.600 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai tăng và 2 hợp đồng tương lai giảm, trong đó VN30F1912 mất 0,13% xuống 891,1 điểm, với khối lượng giao dịch hơn 64.920 đơn vị, khối lượng mở gần 18.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền,  13 mã giảm, 18 mã tăng và 6 mã đứng giá, với CHPG1902 khớp lệnh cao nhất với 101.108 đơn vị, tiếp theo là CVNM1901 khớp 92.298 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục